fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY

12.03.2020 – THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 16,19-31)
“Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu…”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Thuyết Nhân – Quả của một số tôn giáo cho rằng: kiếp này bạn được giàu hay nghèo, sướng hay khổ đều là hậu quả của kiếp trước. Người Do thái cũng quan niệm rằng: Giàu có là dấu hiệu được Thiên Chúa chúc phúc, như ông Abraham: ĐỨC CHÚA chúc phúc cho ông và ông trở nên giàu có.[1] Điều đó có thể đúng, nhưng nếu căn cứ vào đó mà những người giàu lại tự mãn, chỉ biết hưởng thụ cuộc sống mà không giúp đỡ, chia sẻ với người nghèo thì thật là sai lầm.

Chúa Giêsu không chấp nhận lối suy nghĩ như thế. Chính vì vậy, Chúa đã kể cho những người Pharisêu dụ ngôn về người phú hộ và người hành khất La-da-rô. Hai giai cấp rất khác biệt nhau, nhưng họ lại ở rất gần nhau, thậm chí có thể nhìn thấy nhau nhiều lần mỗi ngày: Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu”.

Người phú hộ không hề quan tâm đến người nghèo, dù chỉ là những thức ăn thừa cũng không cho. Dụ ngôn không kết thúc khi cả hai đều chết, mà trái lại câu chuyện có vẻ sôi nổi hơn, vì số phận mỗi người lại khác nhau và khác trước hoàn toàn: La-da-rô được “ngồi trong lòng tổ phụ Abraham”, còn người phú hộ lại bị thiêu đốt trong lửa không hề tắt! (c.23)

Lý do của sự đảo ngược đó không hệ tại sự giàu hay nghèo, nhưng là chính lối sống mà mỗi người đã chọn: La-da-rô, tiếng Do thái có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Tên gọi đó cũng cho thấy anh đã chọn phó thác và đón nhận tất cả từ nơi Chúa và tha nhân. Anh không phẫn uất, không tham lam trộm cắp để thỏa mãn nhu cầu tối thiểu của mình. Ai cho thứ gì, anh đón nhận thứ đó, anh đón nhận cả những chú chó đến làm bạn với anh. Còn người phú hộ lại thỏa thích hưởng lạc cách dư thừa phung phí, nhưng không biết quan tâm để chia sẻ cho người nghèo ngay trước cổng nhà mà ông thấy mỗi ngày. Ông không sống trong tình yêu thì không thích hợp với Thiên Đàng là Nước của Tình yêu.

Điều đáng nói là Chúa Giêsu không nêu tên người phú hộ. Chính vì thế, người phú hộ ấy có thể là mỗi người chúng ta, nếu chúng ta nhắm mắt làm ngơ không chia sẻ, không giúp đỡ người anh em khi chúng ta có thể làm được. Không cần phải có nhiều tiền ta mới có thể chia sẻ với người khác. Vì ngoài tiền bạc, chúng ta có rất nhiều điều khác để chia sẻ với tha nhân: thời giờ, sức khỏe, kiến thức và những khả năng riêng Chúa ban… Chúng ta cũng không cần phải khó nhọc để tìm kiếm những người cần giúp đỡ, vì chính Chúa đã nói: “người nghèo luôn có bên cạnh các con.[2] Điều quan trọng là chúng ta có lưu tâm để nhìn thấy nhu cầu của những người xung quanh chúng ta hay không.

Mẹ Maria được thiên thần gọi là “Đấng đầy ân sủng[3], Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc trên hết mọi người. Mẹ giàu có các ân huệ thiêng liêng, nhưng Mẹ luôn sống tâm tình tin cậy và phó thác vào Chúa, đón nhận mọi sự mà Chúa làm cho mình: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.[4] Mẹ cũng ý thức những ân sủng mà Mẹ được lãnh nhận không phải để cho riêng mình, nên Mẹ đem chia sẻ và phục vụ mọi người: Mẹ mau mắn chia sẻ thời giờ và sức khỏe để phục vụ bà Elizabeth; Mẹ cho các mục đồng và các đạo sĩ được chiêm ngắm Chúa Giêsu Con của Mẹ; Mẹ chuyển cầu cho đôi tân hôn khi tiệc cưới hết rượu; Mẹ hiện diện và cầu nguyện với các tông đồ…

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi

  • Đón nhận mọi biến cố xảy đến với tâm tình tin tưởng, phó thác.
  • Tập nhìn thấy nhu cầu của những người gần tôi nhất (trong gia đình, lối xóm…) và dành thời gian để hiện diện, đáp ứng nhu cầu của họ.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con sự nhạy bén của Mẹ, để con sớm nhận ra những nhu cầu của tha nhân và tận tình phục vụ, với tinh thần khiêm nhường, đơn sơ và bác ái. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/586180952245090)

[1] St 26,12-13
[2] Ga 12,8
[3] Lc 1,28
[4] Lc 1,38

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *