24.03.2020 – THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 5,1-3a.5-16)
“Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!
Chúng ta đang sống những ngày cao điểm của đại dịch 2019-nCoV. Con số những người nhiễm bệnh và tử vong tại các ổ dịch liên tục gia tăng khiến ai cũng rùng mình sợ hãi. Hình ảnh những bệnh nhân đang trải qua những thời khắc đau đớn lớn lao cả về thể xác và tinh thần ấy giúp ta hiểu được tâm trạng của người bệnh được Chúa Giêsu chữa lành trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thật vậy. Chúng ta biết ở Giêrusalem có một hồ nước mà thỉnh thoảng mặt nước như được khuấy động lên. Người Do Thái tin rằng: mỗi khi nước được khuấy lên, bệnh nhân nào chạm xuống nước đầu tiên thì người đó sẽ được chữa lành. Vì vậy, trên năm hành lang của hồ đều la liệt người bệnh nằm để chờ đợi. Khi Đức Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để dự lễ, Ngài đi ngang qua đó và chú ý đến một bệnh nhân. Chúa biết anh đã nằm đó 38 năm rồi. Cảm thương trước những thống khổ mà anh đã trải qua, Đức Giêsu đến bên anh và hỏi: “Anh có muốn được khỏi bệnh không” (c.6b).
Sau bao ngày chờ đợi trong vô vọng, nay có người cảm thông, anh lập tức giãi bày về nỗi khốn khó mà anh đã và đang trải qua: Không có ai giúp tôi mỗi khi nước khuấy lên, thành thử khi tôi tự lết được đến nơi, thì đã có bệnh nhân khác xuống hồ trước mất rồi (c.7)! Do vậy, dù đã chờ đợi rất nhiều năm, anh vẫn chưa được khỏi bệnh. Điều đó khiến anh vừa đau đớn vì căn bệnh hành hạ, lại vừa phải một mình chống chọi lại với bệnh tật mà không có một người thân nào bên cạnh. Có lẽ nỗi đau về tinh thần của anh còn lớn hơn cả nỗi đau trong thân xác. Không đợi anh phải nói thêm nữa, Chúa phán: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi” (c. 8). Và anh đứng lên, vác chõng đi trong hân hoan vui mừng…
Thế nhưng, mặc cho niềm vui sướng của người bệnh lâu năm giờ được chữa lành, người Do Thái chỉ biết đến một điều: “Hôm nay là ngày Sa-bát, anh không được phép vác chõng” (c.11b). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho những người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người vừa chữa bệnh trong ngày Sa-bát, lại còn bảo anh vác chõng để chứng tỏ anh đã thật sự lành mạnh! Đối với họ: ai không giữ luật ngày Sa-bát thì bị lên án. Trong khi, đối với Chúa Giêsu, việc Người thực hiện phép lạ trong ngày Sa-bát không chỉ vì cứu người[1], nhưng trên hết còn là vì Chúa Cha hằng làm việc, nên Ngài cũng làm việc như Cha.
Khi suy niệm về thái độ và hành động của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh của Đức Maria. Mẹ là người thấm nhuần đời sống và giáo lý của Chúa Giêsu hơn ai hết. Chính vì vậy, trong dòng lịch sử, đứng trước những đau khổ nhân loại, Mẹ đã hiện ra rất nhiều lần và tại nhiều nơi để an ủi và chữa lành các bệnh nhân. Chúng ta không thể không kể đến trung tâm hành hương Lộ Đức, nơi đã có hàng ngàn ca bệnh được chữa lành nhờ lời chuyển cầu của Mẹ[2]. Tại Việt Nam, La Vang đã trở nên thánh địa bởi trong những năm Vua Cảnh Thịnh bách hại đạo. Mẹ đã hiện ra và chỉ cho con cái hãy hái lá cây xung quanh làm nước uống để được chữa lành[3] và nhất là qua Mẫu Ảnh Hay Làm Phép Lạ, Mẹ luôn sẵn sàng ban các ơn cần thiết cho bất cứ ai đến kêu xin Mẹ[4].
Hôm nay, trong nỗi âu lo và đau đớn về đại dịch 2019-nCoV, chúng ta phải làm gì???
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Theo bước Mẹ, tôi:
- Bảo vệ chính mình và người khác bằng việc thực hiện các quy định của Giáo hội và xã hội để tránh sự lây nhiễm 2019-nCoV.
- Hiệp thông trong ngày cầu nguyện toàn thế giới (25/3) với Đức Thánh Cha, để xin Chúa ban bình an cho nhân loại và chữa lành các bệnh nhân.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, chúng con tin rằng mỗi biến cố trên thế giới và trong cuộc đời chúng con đều là một cơ hội nhắc nhở: Chúng con là hữu hạn, còn Chúa là vô hạn. Xin cho chúng con vững niềm tin nơi Chúa và hoàn toàn tín thác nơi Ngài, giữa những bất ổn và khổ đau mà nhân loại chúng con đang trải qua.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/594137058116146)
[1] Mc 3,4; Lc 13,15
[2] https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/lo-duc-va-ngay-quoc-te-benh-nhan-40843
[3] https://melavang.info/duc-me-hien-ra-tai-la-vang-nam-1798/
[4] https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me