fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

04.7.2020  – THỨ BẢY TUẦN XIII TN
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 9,14-17)
“Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Thường chúng ta dễ bị cám dỗ lấy mình làm chuẩn, và muốn người khác phải giống mình, nhất là khi ta làm các việc đạo đức. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu mục đích của những việc ta làm là để làm gì, cho ai, vì sao? Thời Chúa Giêsu, một số người Do thái đạo đức thường ăn chay để tỏ lòng sám hối, để tưởng nhớ những biến cố đau buồn và nhất là để mong chờ Đấng Thiên Sai. Do đó, người ta thường ăn chay với vẻ u sầu buồn bã. Ông Gioan Tẩy Giả đã ăn chay rất nghiêm ngặt[1] và môn đệ ông cũng vậy. Thế nhưng, Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa thì chẳng có vẻ gì là khổ hạnh. Chính vì thế, các môn đệ của Gioan mới thắc mắc với Chúa Giêsu: Tại sao chúng tôi và người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? (c.14).

Thực ra, Chúa Giêsu không loại bỏ việc chay tịnh vì chính Ngài đã từng ăn chay suốt 40 ngày trước khi bắt đầu sứ vụ.[2] Chúa Giêsu ăn chay là để chế ngự bản thân, làm chủ chính mình và thuần phục theo thánh ý Thiên Chúa. Ngài cũng muốn các môn đệ của Ngài thực hành chay tịnh với một tinh thần mới, tinh thần của chính Ngài: rượu mới phải đổ vào bầu da mới c.17. Người Kitô hữu sống đạo không chỉ bằng hình thức bên ngoài nhưng còn sống sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống thường nhật. Điều đó đòi hỏi người tín hữu phải làm mọi việc đạo đức như: tham dự thánh lễ, đọc kinh lần hạt, ăn chay hãm mình hay bố thí… vì mến Chúa và với lòng khiêm nhường, đừng phô trương tỏ vẻ rầu rĩ cho người ta biết[3]

Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài đi vào mối tương quan thâm sâu hơn với Thiên Chúa trong tình con thảo, để cảm nhận sâu xa tình thương của Chúa. Khi kết hợp với Chúa, con người được biến đổi bằng ân sủng và tình yêu. Chính ân sủng sẽ tôi luyện và giúp người tín hữu trở nên can đảm, mạnh mẽ vượt thắng được con người tự nhiên ích kỷ, so đo tính toán, ươn lười, dễ dãi, nhưng thay vào đó là luôn quảng đại, tha thứ bao dung, từ bi, nhân hậu, muốn điều tốt cho người khác, làm cho người khác biết Thiên Chúa yêu thương họ bằng chính đời sống phục vụ của mình, làm mọi việc thờ phượng, việc bác ái trong âm thầm khiêm tốn…

Thánh Vinh Sơn Phaolô đã dạy các con cái:Thưa anh em, chúng ta hãy luôn dõi theo sự hãm mình của Chúa chúng ta, bởi vì muốn đi theo Người, ta cần phải hãm mình theo gương Người. Chúng ta hãy yêu thương như Người, coi Chúa là mẫu mực cho chúng ta, để bước theo Người trên con đường hoàn thiện. Sở dĩ các thánh đã nên thánh vì các ngài theo bước Chúa Giêsu, từ bỏ chính mình và hãm mình trong mọi sự [4]  

Mẹ Maria đã sống chay tịnh với tinh thần mới của Chúa Giêsu. Trong tinh thần khiêm nhường, vâng phục và yêu mến Chúa, Mẹ đón nhận và cưu mang Chúa Giêsu với một niềm vui và hạnh phúc, cho dù Mẹ phải đối diện với biết bao khó khăn và nguy hiểm đến cả tính mạng của Mẹ. Mẹ đã sống tinh thần chay tịnh trong niềm vui, được bộc lộ qua bài Magnificat: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa là Đấng cứu chuộc tôi…”[5] Mẹ đã để cho Chúa chiếm hữu đời Mẹ, tùy Chúa định đoạt. Mẹ hòa nhịp với Chúa Giêsu trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Với sự trợ giúp của Mẹ, tôi

  • Chế ngự những nết xấu bằng cách tập những thói quen tốt, theo kinh Cải tội bảy mối.[6]
  • Mỗi ngày làm một việc tốt cách âm thầm, vì yêu mến Chúa.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con yêu mến Chúa Giêsu và năng tiếp rước Chúa Giêsu vào lòng, để con được sống với Chúa và trong Chúa như Mẹ. Xin cho con biết học và sống tinh thần khiêm nhường và chay tịnh của Chúa trong đời sống của con, để ý chí và toàn thân con luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha với tình con thảo.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/660845704778614)

[1] X. Mt 3,4
[2] X. Mt 4,2
[3] X. Mt 6,16-18
[4][4][4] Thánh Vinh Sơn, Coste XII, 227
[5] Lc 1,46-55
[6] https://vi.wikisource.org/wiki/Kinh_Cải_Tội_Bảy_Mối

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *