fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

05.9.2020 – THỨ BẢY TUẦN XXII TN
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 6,1-5)
“Tại sao các ông làm điều không được phép  làm ngày sabát?”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Có một cha xứ vùng sâu nọ, cứ sáng Chúa Nhật, cha lại quy tụ một nhóm thanh niên để đi làm các việc bác ái: lợp lại mái nhà cho một bà cụ neo đơn, dựng lại túp lều cho một bà mẹ nghèo với đàn con nheo nhóc, sửa lại cây cầu cho mọi người qua lại dễ dàng… Có người nói: “Cha cứ phạm tội làm việc ngày Chúa Nhật!” Cha cười: “Đúng, nhưng đó là “tội yêu thương”, mà yêu thương thì không có tội!”

Thật vậy, người đạo đức vẫn tuân thủ luật lệ nhưng không phải cứ tuân thủ luật lệ nghiêm ngặt thì là người đạo đức. Những người Pharisêu thường đánh giá sự đạo đức dựa trên việc thực hành luật lệ đến từng chi tiết vụn vặt nhất. Họ quan trọng hình thức bên ngoài đến nỗi xem nhẹ và bỏ qua cái cốt lõi bên trong của luật, đó là tình yêu và sự cảm thông với người khác.

Do đó, khi thấy các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa bằng tay, vò lúa trên tay để ăn cho đỡ đói, họ cũng cho rằng đó là việc “không được phép làm trong ngày sa-bát” (c.2). Thật ra, luật giữ ngày sa-bát có cấm gặt lúa[1], để mọi người được nghỉ ngơi như Thiên Chúa đã nghỉ ngơi sau khi hoàn tất công trình sáng tạo. Nhưng những người biệt phái đã suy diễn và thổi phồng việc bứt lúavò xát trong tay thành “gặt lúa” để có thể quy kết thành tội.

Chúa dẫn chứng chuyện vua Đa vít đã ăn bánh tiến trong đền thờ mà không có tội, khi vua và các thuộc hạ đói bụng, để cho thấy việc đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người phải được ưu tiên hơn cả luật nghỉ ngày sa-bát. Mục đích nghỉ việc ngày sa-bát là để con người được có thời gian thờ phượng Chúa, quan tâm đến nhau, chăm sóc những người thân trong gia đình và làm việc bác ái, hoặc nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe. Chúa Giêsu không bênh các môn đệ, nhưng Chúa muốn họ nhận biết rằng: ngày sa-bát được lập ra vì con người, chứ không phải con người được tạo ra vì ngày sa-bát: Con người làm chủ ngày sa-bát (c.5).

Thánh Vinh Sơn Phaolô, vị thánh tông đồ bác ái trong Giáo Hội, đã thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô khi dạy các con cái: “Nếu chúng ta tuân giữ Qui luật, Qui luật sẽ gìn giữ chúng ta[2]; nhưng ngài kèm theo: Luật bác ái trổi vượt hơn mọi luật.[3] Vì thế, nếu đang dâng Thánh Lễ mà nhu cầu của người nghèo rất khẩn cấp lúc đó, ngài dạy con cái phải biết “rời Chúa để đi gặp Chúa, không được chần chờ, cũng không lo lắng đã mất lễ, vì Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện nơi người nghèo đó.

Mẹ Maria đã sống giới luật yêu thương không chỉ riêng ngày sa-bát nhưng là tất cả mọi ngày. Mẹ đã yêu mến Chúa với tất cả tâm hồn và luôn quan tâm giúp đỡ tha nhân với tất cả khả năng của Mẹ. Mẹ đã sống mầu nhiệm tình yêu qua việc thực hiện hành trình thăm viếng và giúp đỡ gia đình chị họ Elisabeth, cũng như Mẹ đã từng xin Chúa Giêsu cứu giúp đôi tân hôn ở Cana khi họ hết rượu giữa tiệc cưới. Mẹ vẫn tin Người sẽ giúp họ vì Mẹ biết Chúa Giêsu luôn yêu thương và muốn làm điều lành cho chúng ta. Và kết quả là: cho dù Chúa đã nói: “Chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”,[4] nhưng Người vẫn cho nước lã hóa nên rượu ngon vì họ đang cần.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi

  • Chuẩn bị tâm hồn và trang phục cách xứng đáng để tham dự thánh lễ Chúa Nhật cách tích cực và rước Chúa Giêsu Thánh Thể cách sốt sắng.
  • Sẵn sàng cảm thông và giúp đỡ mọi người.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria xin cho con biết tuân giữ luật Chúa với tất cả lòng yêu mến, và cũng biết quên mình phục vụ tha nhân như Mẹ, không chỉ trong ngày lễ nghỉ, mà trong suốt cuộc sống của con.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/704564230406761)

[1] X. Xh 34,21
[2] TVS. Coste VII, 151
[3] TVS. Coste VI, 47
[4] Ga 2,4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *