06.9.2020 – CHÚA NHẬT TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 18,15-20)
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội…”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Người mẹ trẻ dẫn con nhỏ đi chợ. Cậu bé hiếu động đã nghịch và làm vỡ nát miếng đậu phụ của người bán hàng. Người mẹ vội giữ lấy tay con và xin lỗi người chủ quán. Sau đó cô giải thích cho con về việc sai quấy của cậu: Đậu phụ là của chủ quán, ông phải khó nhọc mới làm ra nó; con đã làm vỡ nó thì chúng ta phải đền cho ông chủ bằng cách mua miếng đậu vỡ ấy…[1]
Bài viết trên đây đã được nhiều người chia sẻ và ai cũng khen người mẹ có cách dạy con rất khéo. Nhờ đó cậu bé nhận ra sự sai trái của mình, biết xin lỗi ông chủ và vui vẻ sửa lỗi.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy ta phải có bổn phận sửa lỗi lẫn cho nhau, chứ không được nhắm mắt làm ngơ trước lỗi lầm của người khác, khi lỗi lầm đó trầm trọng và nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn người ấy và cho đời sống Giáo Hội. Chúng ta phải can đảm nói sự thật để người có lỗi biết lỗi và sửa đổi. Nhưng phải sửa lỗi thế nào để không làm ảnh hưởng đến danh dự và phẩm giá của người ấy?
Trước hết, hãy bắt đầu bằng cách gặp gỡ riêng tư và thân tình, sao cho người có lỗi cảm nhận họ được yêu thương và cảm thông, được khích lệ và đón nhận chứ không bị kết án hay loại trừ.
Trong đời sống gia đình, cha mẹ có trách nhiệm sửa lỗi cho con cái, vợ chồng phải sửa lỗi lẫn nhau. Người Việt Nam chúng ta dùng hình ảnh “đóng cửa bảo nhau” để diễn tả việc góp ý cách chân thành và tế nhị, để con cái không hề biết lỗi của bố mẹ, thậm chí khi bố mẹ sửa dạy con cái, cũng nên tế nhị để các con không biết lỗi của nhau để trêu chọc hoặc loại trừ nhau. Thường trong bối cảnh đó, đa số những người có lỗi nhận biết mình được thương yêu và quyết tâm sửa đổi.
Tuy nhiên, cũng có những người vì tự ái, không chấp nhận sửa đổi mà vẫn tiếp tục sai lỗi, Chúa dạy chúng ta “hãy đem theo một hay hai người nữa”, không phải là để gây áp lực đối với người có lỗi, nhưng là để có thêm ý kiến khách quan nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng và tế nhị đối với người ấy. Nếu không được nữa mới trình với cộng đoàn để thẩm quyền tối cao xử định.
Về phần người đi sửa lỗi cho anh chị em, có thể chúng ta sẽ ngại ngùng và ngao ngán, bởi chính chúng ta cũng là thân phận bất toàn. Chính vì thế, ta cần có sự khiêm tốn trong lời nói và cách cư xử, để người có lỗi cảm nhận được sự đồng cảm và khích lệ vươn lên. Mặt khác, có thể ta nể sợ mà không dám nói sự thật, vì người kia tuy có lỗi, nhưng lại là người kiếm được nhiều tiền cho gia đình, hay làm lớn trong xã hội… ta sợ ảnh hưởng đến sự an toàn của chính bản thân mình. Khi đó, ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa vì lỗi lầm của người kia.[2]
Trong bối cảnh cậu thiếu niên Giêsu tự ý ở lại Đền Thờ, Đức Maria đã rất khéo léo và tế nhị, đồng thời cũng rất mực tôn trọng Con mình. Chính vì thế, thay vì trách mắng con, Mẹ đã hỏi: “Sao con lại làm thế? Để cha mẹ phải cực lòng tìm con?” và lắng nghe Con trình bày lý do. Với các tội nhân, Mẹ đã nhiều lần hiện ra nhắc nhở và thôi thúc con người sám hối trở về, để được hiệp thông với Chúa và Giáo Hội.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi
- Góp ý cách chân thành và tế nhị với người có lỗi.
- Khiêm tốn đón nhận sự góp ý của người khác để sửa đổi và hoàn thiện bản thân.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của mình trước khi góp ý sửa lỗi cho anh chị em, để con đừng xét nét và lên án, nhưng là cảm thông, thấu hiểu trong tình yêu thương chân thành. Nhờ đó, người ấy có thể cảm nhận tình thương và ơn tha thứ của Chúa để thực tâm hoán cải. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/705363936993457)
[1] https://tintucnuocuc.com/mieng-dau-phu-nat-va-bai-hoc-day-con-cuc-thong-thai-cua-nguoi-me-tre-a32263.html
[2] X. Bài đọc I: Ed 33,7-9