11.9.2020 – THỨ SÁU TUẦN XXIII TN
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 6,39-42)
“Chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Một ông giám đốc rất khó chịu vì thấy nhân viên của mình sao lờ mờ, chậm chạp quá. Được người bạn rủ đi khám mắt, vui chân ông đi theo. Bác sĩ soi mắt phải cho biết mắt ông bị cườm, qua đến mắt trái lại cũng bị cườm. Ông lo lắng hỏi bác sĩ, câu trả lời là phải mổ thôi để lấy cườm ra. Nhưng khốn nỗi cả 2 con mắt đều bị cườm, bác sĩ giải thích chỉ mổ một con trước, nếu ổn thì tuần sau sẽ mổ tiếp, nếu không ổn thì tháng sau mới mổ con thứ 2. Mặc dù nghĩ tới mổ là lo sợ, nhưng ông đồng ý.
Sau một tháng, cả 2 con mắt đều đã được giải phẫu lấy cườm ra. Ông cảm thấy nhẹ nhàng và ông thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy các nhân viên của mình tươi cười và nhanh nhẹn! Ông đã hiểu: phải lấy cườm ra khỏi mắt mình trước!!!
Cũng thế, lắm khi chúng ta cứ thấy những thói xấu, những khuyết điểm của người khác mà không hay biết rằng: chính con mắt tâm hồn chúng ta đã bị bệnh trầm trọng. Chính vì vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn lại mình trước khi sửa lỗi cho người khác, để việc sửa lỗi và góp ý được thực hành cách khiêm tốn và chân thành.
“Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (c.42a).
Để thấy được “cái xà trong con mắt của mình” thật không dễ tí nào! Muốn xem vết bẩn trên khuôn mặt mình, chúng ta cần phải soi gương hoặc nhờ người khác nhìn giúp. Để xem xét linh hồn mình, ta cần soi lòng mình vào tấm gương Lời Chúa, đồng thời biết khiêm tốn lắng nghe sự góp ý của người khác. Một người năng xét mình sẽ dễ nhận ra những tội lỗi và khuyết điểm nơi mình nhiều khi còn to lớn và xấu xa hơn tội của tha nhân gấp bội; nên người ấy sẽ thật sự khiêm tốn và thận trọng khi phải phê bình hoặc góp ý người khác.
Thánh Augustinô đã có một lời cầu nguyện hết sức chân thành, đơn sơ và khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Thánh Phaolô cũng đã khiêm tốn nhìn nhận: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót.” Chỉ khi biết rõ bản thân mình với những ưu và khuyết điểm, và nhận biết ơn Chúa qua những ưu điểm đó, đồng thời ý thức về những yếu đuối lỗi lầm của mình, các ngài đã khiêm tốn thi hành bổn phận rao giảng và sửa dạy người khác với tất cả tình yêu và sự trân trọng.
Trong mỗi gia đình, cha mẹ cũng cần làm gương trước và tế nhị khi dạy dỗ con cái; anh chị em hay bạn bè thân thiết cũng cần quan tâm đến nhau, khích lệ hoặc góp ý cho nhau khi cần thiết. Chúng ta không thể đòi hỏi người khác phải hoàn hảo trong khi chính mình đầy những “bất hảo”, chưa hoàn thiện.
Người thật sự khiêm tốn và biết mình hơn ai hết là Đức Maria – cô thiếu nữ làng Nazareth. Mẹ được thiên thần cung kính chào “Bà đầy ơn phúc”, chị Elizabeth ca tụng là “Mẹ của Chúa tôi”, nhưng Mẹ vẫn luôn ý thức mình chỉ là “phận nữ tỳ hèn mọn” được Thiên Chúa đoái thương.
Chính vì Mẹ khiêm tốn và biết mình như thế, mà Con Thiên Chúa đã tự hạ để học từ Mẹ những âm thanh và ngôn ngữ đầu đời. Chính Mẹ tập cho Chúa những bước đi đầu tiên và tất cả những bài học về cuộc sống làm người. Rồi dần dần, Mẹ chiêm ngắm và học nơi Chúa mỗi ngày cuộc sống làm con Thiên Chúa.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi khiêm tốn nhìn vào những yếu đuối và khuyết điểm của mình. Cùng với Mẹ, tôi cám ơn Chúa đã yêu thương tôi dù tôi đầy yếu đuối. Tôi quyết tâm sửa đổi và cũng cảm thông với những yếu đuối của tha nhân.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết nghiêm khắc với chính mình nhưng biết rộng lượng với tha nhân, như chính Chúa và Mẹ đã quảng đại với con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/709152279947956)