17.9.2020 – THỨ NĂM TUẦN XXIV TN
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 7,36-50)
“Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Đã làm người, ai trong chúng ta cũng từng hơn một lần rơi nước mắt. Có giọt nước mắt đau khổ, có giọt nước mắt hạnh phúc; nước mắt của đớn đau thể xác hay nỗi đau tâm hồn; có giọt nước mắt của thành công và cũng có nước mắt của thất bại; nước mắt cay đắng của chia ly hay nước mắt ngọt ngào của đoàn tụ; có nước mắt van xin lòng thương xót và cũng có nước mắt của sự chạnh thương v.v… Người giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, người quyền thế hay kẻ thường dân… tất cả đều chào đời bằng tiếng khóc. Có thể nói: nước mắt dường như gắn liền với thân phận con người!
Nhưng thiết nghĩ, giọt nước mắt đẹp nhất vẫn là giọt nước mắt thống hối ăn năn, như người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng hôm nay đã khóc dưới chân Thầy Giê-su. Chị hôn chân Người rồi lấy tóc mình mà lau – một thái độ khiêm tốn ăn năn sâu thẳm vượt qua mọi dư luận và sĩ diện của chính mình! Giọt nước mắt ấy tuôn trào từ cõi lòng thống hối, nhìn nhận sự yếu đuối tội lỗi của bản thân và chân nhận lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Đó là giọt nước mắt của khiêm nhường và ăn năn trọn vẹn, muốn thay đổi lối sống cũ để trở về với tình yêu Chúa và giao hòa với tha nhân.
Trong khoảng thời gian ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su luôn trân quý những tâm hồn biết hoán cải, không chỉ là người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay mà còn biết bao sự hoán cải khác: một Lê-vi thu thuế hoán cải trở nên Tông Đồ của Chúa, một Gia-kêu hoán cải đền bù những thiệt hại đã gây ra và phân phát tài sản cho người nghèo, một người con hoang đàng ăn năn quay trở về với cha, một Phêrô khóc than nhận ra lầm lỗi vì đã chối Thầy ba lần… Vâng, thái độ ăn năn thống hối luôn là nét đẹp đáng quý và đáng để người đời noi gương.
Các bạn mến, thái độ ăn năn thống hối không phải là thái độ của kẻ yếu hèn, nhu nhược nhưng là thái độ của người mạnh mẽ: họ mạnh mẽ vượt qua những mặc cảm của bản thân, can đảm vượt qua mọi dư luận của xã hội, và họ có đủ nghị lực để bắt đầu lại một cuộc đời mới. Tôi còn nhớ một bài chia sẻ của Cha GB. Trần Ngọc Bảo (chánh xứ Bảo Thị-Xuân Lộc): “Mỗi khi vấp ngã, bạn hãy đứng dậy và chạy đến ôm chân Chúa”. Thật vậy, họ vấp ngã nhưng biết mạnh mẽ đứng lên, bám vào Chúa và quyết tâm hoán cải. Họ đã đón nhận được tình yêu lớn lao và sự bình an nội tâm, để hân hoan bước vào một tương lai tươi sáng hơn.
Như chúng ta đã biết, khi hiện ra tại Nhà Mẹ của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn 140 phố Bắc, Paris, nước Pháp năm 1830, Mẹ Maria đã cảnh cáo lối sống của hàng Linh mục-Tu sĩ thời đó và kêu mời hãy tu chỉnh lại lối sống. Năm 1917 tại Fatima, nước Bồ Đào Nha, Mẹ cũng kêu mời con cái hãy ăn năn sám hối và dốc lòng đền tội.
Là Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của mỗi người chúng ta, với tình yêu từ mẫu, Mẹ luôn thao thức cho con cái hoán cải trở về với tình yêu Chúa để đón nhận ơn tha thứ và hưởng nếm hạnh phúc Nước Trời. Nước mắt của Mẹ không ngừng rơi chỉ vì lối sống hoang đàng của đoàn con, và giọt nước mắt ấy vẫn tiếp tục rơi để khẩn nài ơn tha thứ của Thiên Chúa cho nhân loại, cách riêng cho mỗi người chúng ta.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Nghe lời Mẹ khuyên, chúng ta hãy
- Ăn năn sám hối trở về với Chúa và giao hòa với anh em.
- Năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải để hưởng ơn tha thứ của Chúa và đón nhận bình an tâm hồn.
Cầu nguyện với Mẹ:
Mẹ ơi, con cám ơn Mẹ đã luôn ưu tư và băn khoăn, thao thức về tội lỗi của chúng con! Con chiêm ngắm Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu trong vườn dầu, xin cho con biết ăn năn tội thật lòng.
Hát: Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi…
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/713392636190587)