28.9.2020 – THỨ HAI TUẦN XXVI TN
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 9,46-50)
“Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong một bàn ăn, nếu không có người hầu bàn, thì thường là người nhỏ phải đứng lên để phục vụ người lớn: đưa khăn, rót nước, lấy tăm, dọn dẹp… “Cơm bưng nước rót” là một trong những nét văn hóa ở nhiều nơi, cách riêng tại Á Đông, diễn tả sự kính trọng của người nhỏ, người dưới đối với những người trên trước, đáng kính trọng. Do đó, ai cũng thích được làm “người lớn”, được kính trọng cả.
Các tông đồ cũng thế. Đang khi các ông sợ không dám hỏi Chúa về con đường thập giá, thì lại có thêm một câu hỏi “chợt đến” với các ông: “Trong các ông, ai là người lớn nhất?” Dầu vậy các ông cũng không ai dám nói ra điều đó. Thế nhưng Chúa Giêsu biết các ông đang nghĩ như vậy. Người cho các ông biết cách nhìn và đánh giá con người theo tiêu chuẩn của Nước Trời: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (c.48).
Chúa không nhìn chúng ta theo vóc dáng hay tuổi tác, nhưng là ở tinh thần đơn sơ và khiêm tốn. Đối với Chúa, người làm lớn là người tiếp đón và phục vụ người nhỏ như cha mẹ yêu thương phục vụ và chăm sóc con cái, như chính Chúa đã rời bàn ăn để rửa chân cho các tông đồ.
Chúa Giêsu “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”, nhưng đã hạ mình để nên giống con người chúng ta mọi đàng – ngoại từ tội lỗi. Ngài đã “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”[1]
Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những em nhỏ không hề được xã hội quan tâm đến: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (c.48)
Chúng ta thường cảm thấy vinh dự khi tiếp đón những người nổi tiếng, chẳng ai thấy vinh dự khi có người hành khất đến nhà. Có thể ta cũng dễ chấp nhận sống âm thầm giữa một đoàn thể, “tạm quên” danh dự cá nhân, nhưng lại khoác lấy cái danh dự lớn lao của đoàn thể mình để cạnh tranh với đoàn thể khác, với cá nhân khác cả trong lãnh vực bác ái, phục vụ: “…vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy” (c.49).
Chỉ khi nào có lòng khiêm nhường và xóa mình thật sự, chúng ta mới có thể đón nhận và phục vụ những người bị coi là thấp kém trong xã hội, như gương thánh Vinh Sơn tự nhận biết mình thấp kém và có bổn phận phải phục vụ người nghèo như những ông chủ và lãnh chúa của mình.
Mẹ Maria đã đi cùng một con đường khiêm hạ của Chúa Giêsu: Mẹ âm thầm cưu mang Đấng Cứu Thế mà không cần ai tán tụng hay ưu đãi, chịu đựng sự từ chối của các quán trọ tại Belem. Mẹ khiêm tốn chu toàn những điều lề luật dạy[2], chu toàn bổn phận của một người nội trợ trong gia đình, một công dân trong xã hội[3]. Mẹ khiêm tốn trong chức vụ làm Mẹ khi cần Chúa Giêsu giải thích “Tại sao con làm thế?” – Điều mà ít bậc cha mẹ có thể làm được khi đã phải đau khổ suốt ba ngày vì con. Mẹ âm thầm xin với Chúa để can thiệp cho đám cưới đang hết rượu, mà không cần ai biết để cám ơn. Đặc biệt dưới chân thánh giá, Mẹ âm thầm kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu để đem ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Phục vụ âm thầm và khiêm tốn: làm những việc không tên, giữ vệ sinh chung…
- Sống gần gũi với những người ít được xã hội quan tâm nhất (người ăn xin, buôn ve chai…).
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin dẫn dắt con theo Mẹ trên con đường phục vụ và khiêm hạ. Xin cho con biết yêu thích những việc không tên, không ai biết đến, để chính Chúa được tôn vinh qua những công việc phục vụ dù nhỏ bé nhất, nhưng với một tình yêu mãnh liệt và lòng khiêm nhượng thẳm sâu.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/721815898681594)
[1] Mt 20,28; Mc 10,45
[2] X. Lc 2,22.39.42
[3] X. Lc 2,1-5