12.10.2020 – THỨ HAI TUẦN XXVIII TN
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,29-32)
“Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Những ngày qua, cả nước đang hướng về “khúc ruột Miền Trung” để cầu xin Chúa thương xót, cứu giúp những anh chị em của chúng ta đang bị lũ lụt. Tuy nhiên, cùng với lời cầu nguyện, chúng ta cần có sự hoán cải như dân thành Ninivê để có thể nhận được phép lạ.
Chúa Giêsu đã thực hiện rất nhiều phép lạ để thể hiện quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, có những người đã đến xin Ngài cho thấy dấu lạ, nhưng đó là những người không tin nhận quyền năng của Chúa. Thánh sử Mát-thêu còn nói rõ là “mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu”,[1] là hàng lãnh đạo dân chúng. Đức Giêsu đã phải gọi họ là “thế hệ gian ác”, bởi lẽ sau bao phép lạ Ngài làm, họ vẫn không tin và không chịu hoán cải.
Chúa Giêsu không thực hiện phép lạ để biểu diễn hay thỏa mãn tính hiếu kỳ của con người. Ngài nhắc đến sự kiện ông Giôna là ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến Ninivê để khuyên dân sám hối. Dân Ninivê đã nghe lời ông Giôna, họ ăn chay và hoán cải, thay đổi đời sống, nên Thiên Chúa đã tha thứ và không giáng phạt.
Giô-na đã ở trong bụng kình ngư 3 ngày như là dấu chỉ loan báo về phép lạ lớn nhất là cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Phép lạ này diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ bỏ rơi con người cho dẫu con người tội lỗi đến đâu đi nữa. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải của con người. Lòng thương xót của Người trải dài từ thời các tổ phụ, các ngôn sứ và sau cùng được thể hiện nơi Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô – Đấng đã nhập thể làm người, chịu đóng đinh, chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Thập giá Đức Kitô chính là nguồn mạch tình yêu, là tột đỉnh của sự khôn ngoan vượt lên trên phép lạ hay hiểu biết của con người, như lời Thánh Phaolô đã xác tín: “Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập giá”.[2]
Đức Giêsu không chỉ loan báo về cuộc khổ nạn và sự Phục sinh của Ngài, Ngài còn cảnh tỉnh dân chúng về ngày phán xét chung. Quả thế, cho dẫu thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo hèn, trí thức hay bình dân… thì cuối cùng hết thảy mọi người đều phải chịu sự phát xét chung cuộc. Đức Giêsu đề cập đến cuộc hành trình xa xôi của nữ hoàng Phương Nam tới gặp vua Salômôn để nghe những lời khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho ông: “Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.[3] Theo cái nhìn của con người thì so với Giô-na và Sa-lô-môn, hành trình rao giảng của Đức Giê-su đã thất bại với cái chết đầy đau đớn trên thập giá. Nhưng không, chính nơi thập giá, tội lỗi của con người được rửa sạch, ơn cứu độ được tuôn đổ cho nhân loại, thập giá Đức Ki-tô trở nên niềm hy vọng của người tín hữu.
Dưới chân thập giá Chúa luôn có Mẹ Maria. Mẹ là người hiểu rõ những mầu nhiệm trong cuộc khổ nạn của con yêu dấu Mẹ. Cho dẫu mũi gươm vô hình ấy đã đâm thấu trái tim Mẹ từ khi cụ Simêon tiên báo, Mẹ vẫn tin và xin vâng theo Thánh ý Chúa. Mẹ đồng hành cùng Đức Giêsu đến khi Ngài trút hơi thở cuối cùng. Mẹ đón lấy những đau khổ để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ thật là người có phúc hơn mọi người nữ.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi đón nhận những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, như một của lễ để kết hợp với Chúa Giêsu và cầu nguyện cho miền Trung khỏi lũ lụt.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết chiêm ngắm những việc cao cả Chúa làm cho con, qua những điều rất bình thường mỗi ngày. Xin cho con luôn tín thác vào tình yêu Chúa của Chúa, nhất là trong những cơn thử thách gian nan. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/732118707651313)
[1] X. Mt 12,38
[2] Cr 1, 22-23
[3] V 3,12