LOUISE DE MARILLAC
SỐNG THIÊN CHỨC PHỤ NỮ
Các trẻ em bị bỏ rơi, thế kỷ 17 ở Pháp,
được Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn chăm sóc
Alphonse de Lamartine (1790-1869), nhà văn hào nổi tiếng đồng thời cũng là một thi sĩ tài ba của nước Pháp, đã khẳng định: “Đằng sau tất cả những công trình vĩ đại nhất của thế giới này đều có bóng dáng của người phụ nữ”[1]. Câu nói này thật đúng với nguồn gốc và lịch sử của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn.
Thật vậy, cha Vinh Sơn đã sáng lập Tu Hội này năm 1633 và lãnh đạo Tu Hội tới khi ngài qua đời (1660). 77 năm sau khi qua đời, cha được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh và một thời gian sau được Đức Thánh Cha Lêô XIII đặt làm bổn mạng các tổ chức từ thiện bác ái[2].
Những người đọc lịch sử của Tu Hội rất có lý khi tỏ lòng thán phục cha Vinh Sơn là vị thánh cao cả của lòng bác ái, là người tiên phong trong Giáo Hội về cách sống Đức Ái của Chúa Kitô, về một hình thức tu trì mới. Tuy nhiên, để thực hiện được những điều mới mẻ vĩ đại này, phải kể đến với hết lòng ngưỡng mộ và tri ân người phụ nữ cộng tác viên đắc lực không thể thiếu, nhưng hết sức khiêm nhường và tín cẩn của cha Vinh Sơn: “Nếu không có Cô, các Nữ Tử Bác Ái, những người mà người ta quen gọi dưới danh hiệu nữ tử của thánh Vinh Sơn liệu có thể tồn tại được không? Không có Cô, các trẻ em bị bỏ rơi có được yêu thương, được giáo dục không? Những bệnh nhân, những người tù chèo thuyền có được những bàn tay thương cảm giúp đỡ trong cơn cùng khổ của họ không? Không có Cô, ngay cả Vinh Sơn Phaolô có thể trở thành vị thánh lừng danh nhất trong dân chúng không?”[3]
Người phụ nữ đó là ai vậy?
1591-1660
Người phụ nữ đó chính là thánh Louise de Marillac[4].
Louise de Marillac thuộc dòng họ quí tộc MARILLAC của nước Pháp thế kỷ 16-17, nhưng Cô đã trải qua một thời thơ ấu bất hạnh từ khi mở mắt chào đời, thời niên thiếu thiệt thòi, tuổi trưởng thành nhiều đau khổ. Cô đã phản ứng thế nào trước những hoàn cảnh bi đát này? Ta hãy nghe chính cô tâm sự: “Chúa đã ban cho tôi biết bao nhiêu ơn khi cho tôi biết rằng thánh ý Chúa muốn cho tôi đến với Người bằng thập giá mà lòng nhân từ của Người muốn tôi phải vác ngay từ lúc mới sinh, vì Chúa để cho tôi hầu như trong mọi lứa tuổi lúc nào cũng có dịp chịu đau khổ…”[5]
Lên 15 tuổi, Cô được lôi cuốn tìm đến với Chúa trong đời sống tu kín khổ hạnh và cầu nguyện. Cô đã hứa với Chúa sẽ trở thành một nữ tu Capuxinô. Cô tìm đến gặp cha Bề Trên nhà dòng, nhưng bị từ chối vì lý do thiếu sức khỏe và một lý do hiểu ngầm khác là không của hồi môn, theo phong tục thời đó. Tuy nhiên, vô tình cha Bề Trên đã để lại trong tâm hồn cô một câu nói đầy ấn tượng: “Thiên Chúa có một ý định khác trên con!”[6]
Không đi tu được, cô lập gia đình với Antoine Legras, một thanh niên thuộc giới trung lưu và là thư ký của hoàng hậu. Cô chỉ được gọi là CÔ (Mademoiselle), chứ không được mang danh xưng BÀ (Madame) như các phụ nữ quí tộc khác.
Cuộc sống gia đình hạnh phúc được một thời gian vắn vỏi, cô lại lâm vào nhiều bế tắc khác…Đau khổ, bị dằn vặt bởi nhiều thách đố, cô nhớ tới lời cha Bề Trên và tự hỏi ơn gọi đích thực của mình là gì. Cô tính bỏ chồng, đi tu để giữ lời hứa???
Cô không cam chịu, cô tìm đến với Chúa qua cầu nguyện, với sự dẫn dắt của Cha linh hướng… Đi trong đêm tối mù mịt suốt 10 ngày, từ ngày lễ Chúa Thăng Thiên năm 1623 đến ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
“Trong chốc lát, tâm trí tôi được giải tỏa khỏi những mối hoài nghi”[7]. Cô được Chúa đưa vào miền ánh sáng và được Chúa “bật mí” ơn gọi của Cô! Đức tin của cô vững mạnh hơn, Cô bình tâm chăm sóc người chồng đau ốm cho đến khi ông ra đi bình an về nhà Cha.
Trở thành góa phụ năm 36 tuổi, Cô đành phải thay đổi chỗ ở đến một căn nhà nhỏ bình dân hơn. Gia sản duy nhất của Cô lúc này là đứa con trai chậm phát triển mà Cô hết lòng thương yêu, nhưng lại thất bại trong việc nuôi dạy con! Không đầu hàng số phận nghiệt ngã của mình, Cô đã tận dụng tất cả những gì đã lãnh nhận được, từ những chặng đường phía trước và tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới. Qua những giờ chuyện vãn với Chúa, Cô nghiệm ra giữa đám mây mù u tối, luôn xuất hiện một sợi chỉ hồng!
Sợi chỉ hồng này chính là cha Vinh Sơn Phaolô mà cha linh hướng cũ đã gởi gắm Cô cho ngài khoảng thời gian trước khi chồng Cô qua đời (1623-1625). Cha Vinh Sơn lắng nghe câu chuyện cuộc đời Cô. Cha mời gọi Cô buông bỏ tất cả, để Thiên Chúa được tự do hành động. Cách duy nhất là cầu nguyện và chờ đợi những dấu chỉ của Chúa Quan Phòng. Từ từ, cha Vinh Sơn giúp Cô ra khỏi chính mình và qui hướng vào Chúa Giêsu Kitô và người khác, cách riêng những người nghèo khổ.
Sau 4 năm sống âm thầm, tâm hồn cô bình an lắng đọng hơn, cô bắt đầu cảm nhận rõ ràng tiếng thì thầm của Thiên Chúa, mời gọi cô dâng hiến cuộc đời cho những người mà cô gọi là “những chi thể đau khổ của Chúa Kitô”. Cô đã ngỏ lời với cha Vinh Sơn và ngài đã đồng ý giúp cô tĩnh tâm và chuẩn bị tinh thần lãnh trách nhiệm.
Về phía cha Vinh Sơn, từ năm 1617, ngài đã thành lập nhiều hội các bà Bác Ái tại các giáo xứ (Xem thánh Vinh Sơn Phaolô) để phục vụ người nghèo. Cha ưu tư tìm người cộng tác để nâng đỡ các hiệp hội này. Thiên Chúa đã thấy trước và chuẩn bị người. Cha rất vui mừng gửi cô đi với bài sai: “Vâng, nhân danh Chúa, Cô hãy ra đi…”
Vào thời đó (1629), việc di chuyển khó khăn, vất vả, hiểm nghèo; phụ nữ thường không đi xa, nhất là phụ nữ hàng quí tộc. Tuy nhiên, Louise đã không ngần ngại dấn thân, khi thì đi một mình, khi thì đi với một phụ nữ khác. Hành trang cá nhân rất ít, nhường chỗ cho quần áo, thuốc men, lương khô cho người nghèo. Đi tới một địa điểm nào là Cô qui tụ các bà bác ái chỗ đó lại, lắng nghe các bà chia sẻ, cùng làm việc với các bà và khuyến khích các bà phát triển những tiềm năng phụ nữ, dạy dỗ các bé gái miền quê biết chữ để học Giáo Lý, dạy công dung ngôn hạnh cho các bé.
Trong 4 năm phục vụ lưu động như vậy, Cô hiểu biết rất rõ nhu cầu của người nghèo, thấu cảm nỗi đau của họ. Cô đã rút tỉa những trải nghiệm của mình từ đời sống cô nhi của Cô, đời sống gia đình làm vợ, làm mẹ, rồi góa phụ nuôi người con bệnh hoạn, vào việc phục vụ đa dạng cho những anh chị em lâm cảnh khốn cùng này.
Kết quả là Cô đã bẻ gãy được cái gông cùm của số phận để hành động như một phụ nữ tự do, tín thác vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mình và cho người khác. Đâu là bí quyết làm Cô có sức mạnh như vậy?
(Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo)
[1] Alphonse de Lamartine – Wikipedia tiếng Việt|
[2] https://gdanhducmebanon.org/thanh-vinh-son
[3] Elisabeth Charpy, NTBA-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 6
[4] https://gdanhducmebanon.org/thanh-nu-lu-i-sa
[5] Elisabeth Charpy, NTBA-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 9
[6] Nt. trang 11
[7] Bút tích, 3