09.11.2020 – LỄ CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ
Ga 2,13-22
“Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán.” (Ga 2,16)
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Có lẽ khi được hỏi: “Đức Giê-su là ai?” hẳn là người Ki-tô hữu nào cũng sẽ trả lời: Ngài là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng hay chạnh lòng thương những người nghèo khổ bất hạnh, là Thiên Chúa quyền năng, là Đấng có những lời ban sự sống… Thế nhưng đoạn Tin mừng hôm nay lại cho thấy một hình ảnh Giê-su rất khác thường, một Giê-su đầy giận dữ trong cả lời nói và hành động.
Thật vậy, có thể nói Đền thờ Giê-ru-sa-lem là trái tim của đất nước Do thái. Những dịp đại lễ, mọi người khắp nơi đều quy tụ về đó thờ kính Đức Chúa. Những người ở xa phải đi mất nhiều ngày mới tới nơi nên không thể mang theo lễ vật. Hơn nữa, khi dâng cúng lễ vật và tiền bạc làm của lễ, người ta phải sử dụng một loại tiền riêng của Đền thờ, phải có con vật đúng tiêu chuẩn cho việc tế lễ. Chính vì thế, dịch vụ mua bán và đổi bạc được mở ra để đáp ứng nhu cầu của khách hành hương.
Thế nhưng, dịch vụ này đã đi xa mục tiêu ban đầu và biến chất thành mục tiêu lợi nhuận cá nhân. Sự linh thánh của Đền thờ vốn là nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi con người đến để thờ phượng Thiên Chúa và gặp gỡ nhau, giờ đây bị biến thành phương tiện để người ta kiếm tiền và bóc lột đối với khách hành hương, như thế là xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng ngự nơi Đền thờ.
Sự nhiệt thành vì vinh quang Chúa Cha khiến cho Đức Giê-su cương quyết loại bỏ những hành vi lạm dụng tôn giáo đó và thanh tẩy Đền thờ. Người dùng dây làm roi xua đuổi những người buôn bán, lật nhào bàn ghế của những người đổi bạc và ra lệnh cho họ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán.” (c.16)
Những việc làm này đã gặp phải sự phản kháng của người Do thái, vì chính họ đã được các giới chức của Đền Thờ cho phép buôn bán ở đó. Họ chất vấn và đòi Chúa dùng dấu lạ để chứng minh rằng Người có quyền lập lại trật tự ở Đền Thờ. Đáp lại, Chúa Giêsu nói Người sẽ phục hồi lại Đền Thờ “nội trong ba ngày”. Đó cũng là lời tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài và Ngài chính là Đền Thờ đích thực, cao quý hơn đền thờ bằng vật chất mà người Do thái mất bốn mươi sáu năm để xây dựng nên.
Hội thánh chính là Thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Đồng thời, khi nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, mỗi Ki-tô hữu cũng trở nên đền thờ của Thiên Chúa, thành những viên đá sống động xây dựng nên Hội thánh, như lời quả quyết của thánh Phao-lô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”[1]. Ước gì chúng ta luôn gìn giữ đền thờ tâm hồn mình khỏi những việc làm và những bận tâm bất chính, để mọi người có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa qua hành vi, lời nói và cuộc sống của chúng ta.
Nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria được gìn giữ khỏi tội tổ tông và trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Mẹ luôn giữ tâm hồn trong sạch và ngay cả tội nhẹ cũng không thể xâm nhập được. Ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, nên khi được sứ thần ngỏ cho biết ý Chúa, Mẹ sẵn sàng vâng phục và dành trọn con người và cả cuộc đời để tôn vinh Thiên Chúa nơi chính tâm hồn và thân xác của mình. Qua việc cưu mang Ngôi Lời nhập thể nhờ quyền phép của Chúa Thánh Thần, Mẹ trở nên hòm bia Thiên Chúa, thành Đền Thờ của Thiên Chúa. Bà Êlizabeth nghe tiếng nói của Mẹ, và nhận ra được trong lòng Mẹ có Chúa. Cũng thế, ai chiêm ngắm Mẹ, sẽ nhìn thấy Chúa Giêsu. Đến với Mẹ, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu, vì Mẹ luôn đưa ta đến với Chúa.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Tôi năng chiêm ngắm Mẹ để
- Giữ tâm hồn sạch tội, để luôn xứng đáng là đền thờ của Chúa.
- Nghiêm trang trong cách ăn mặc và cử chỉ khi đến nhà thờ.
Cầu nguyện với Mẹ:
(Đọc thật chậm kinh Kính Mừng để chào kính Mẹ):
Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/754663738730143)
[1] Cr 3 ,16