29.11.2020 – CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – B
Mc 13,33-37
“Anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến” (Mc 13,35a)
Chiêm ngắm Mẹ Sống Tin Mừng:
Màu tím của Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta tâm tình chờ đợi Chúa. Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta dọn lòng đón chào ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người; đồng thời sẵn sàng chờ đợi Chúa đến lần thứ hai trong ngày phán xét toàn thể nhân loại. Trong Mùa Vọng, tại các bàn thờ dâng Thánh lễ thường đặt bốn cây nến: 3 cây mầu tím diễn tả sự trung thành chờ đợi và 1 cây mầu hồng nói lên niềm vui được đón tiếp Chúa. Mỗi Chúa nhật, các cây nến lần lượt được thắp lên theo tuần, cho đến tuần thứ tư thì cả bốn cây nến đều được thắp sáng.
Canh thức và sẵn sàng vừa là lời mời gọi vừa là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho chúng ta. Thật vậy, như bài Tin Mừng thuật lại, mệnh lệnh canh thức chỉ được hoàn tất khi ông chủ trở về. Nếu người đầy tớ sẵn sàng mở cửa cho chủ bất cứ khi nào: có thể là lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng… (c.35b), thì khi đó, anh đã chu toàn mệnh lệnh canh thức mà chủ truyền dạy. Canh thức và sẵn sàng phải được biểu hiện cụ thể qua thái độ sống trong suốt mùa vọng.
Trong Bài Đọc I, ngôn sứ Isaia- vị ngôn sứ của mùa Vọng, đã gợi mở cho chúng ta một tâm tình sống canh thức và hy vọng: Ý thức thân phận tội lỗi và hậu quả khủng khiếp của tội như cơn gió cuốn con người ra xa Chúa mà chính họ không cưỡng lại được. Tuy nhiên, vẫn còn niềm hy vọng vì “chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài”, chính Chúa là Đấng tạo thành con người và dẫn dắt cả lịch sử nhân loại; nên cứ khiêm tốn cầu nguyện: xin đừng ngoảnh mặt, nhưng hãy mau trở lại, xin ngự đến với chúng con[1] và xin “mưa Đấng Cứu Chuộc”.
Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô cũng khuyến khích chúng ta kiên tâm “mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.”[2] đồng thời giữ thái độ tỉnh thức bằng cách “ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tuông. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.”[3]
Tuy nhiên, lắm khi chúng ta xao lãng và xem nhẹ thái độ sống canh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa đến, viện cớ rằng: những lời cảnh báo đó đã xảy ra cách đây cả hàng ngàn năm mà Chúa có đến đâu(!?) Thế nhưng, cơn đại dịch Covid-19 và những cơn bão, lũ, sạt lở đất hết sức bất ngờ trong suốt năm qua đã cho ta thấy cần phải CANH THỨC, để luôn SẴN SÀNG, “vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến” (c.35).
Có thể nói: cuộc đời Mẹ Maria là cả một Mùa Vọng kéo dài. Nhờ đời sống nội tâm sâu sắc và luôn lắng nghe, suy niệm Lời Chúa, Mẹ dễ dàng nhận biết thánh ý Chúa và mau mắn thực thi. Mẹ đã cùng sống tâm tình chờ đợi và hy vọng Chúa đến với dân tộc của Mẹ, và vì Mẹ luôn “đẹp lòng Thiên Chúa”, nên Con Thiên Chúa- Đấng Cứu Thế đã đến với Mẹ trước khi Người công khai đến với toàn thể nhân loại. Mẹ đã cưu mang trong mình Niềm Hy Vọng cho chính Mẹ và cho tất cả chúng ta. Qua Mẫu Ảnh Hay Làm Phép Lạ, Mẹ muốn cùng chúng ta tiếp tục sống tâm tình Mùa Vọng: canh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa đến với từng người trong chính cuộc sống hôm nay.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương mẹ, tôi luôn canh thức bằng cách thực thi bác ái, cầu nguyện và lãnh các Bí Tích hầu chuẩn bị đón Chúa sinh ra trong tâm hồn tôi.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã luôn canh thức và hy vọng trong sự thinh lặng cầu nguyện, chiêm ngắm Chúa và sống bác ái với mọi người. Xin giúp con sống mùa vọng cùng với Mẹ trong sự tỉnh thức – sẵn sàng, khôn ngoan – chừng mực, cương quyết xa lánh dịp tội và sống bác ái với mọi người.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/770057413857442)
[1] X. BĐ I: Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7
[2] 1Cr 1,7
[3] Rm 13,13-14.