fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG –THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN

13.01.2021 –  THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 1,29-39

“Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,31)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Thánh nữ Louise de Marillac,[1] người phụ nữ đã từng bị biết bao đau khổ và bất hạnh trong cuộc sống, nhưng đã cảm nhận được ơn Chúa chạm đến tâm hồn và nâng đỡ, giúp bà “vượt lên trên số phận”. Thiên Chúa làm cho những khả năng yêu thương mà Người đã đặt để trong tâm hồn bà được triển nở, và sau khi “chỗi dậy”, bà đã dấn thân phục vụ Chúa nơi những người nghèo cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời.

Khi khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”[2] Tin Mừng ấy là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. Tin vào Tin Mừng là tin vào quyền năng và tình thương Thiên Chúa dành cho con người. Chữa lành bệnh tật phần hồn cũng như phần xác là hành động phát xuất từ tình thương đó. Bà mẹ vợ của thánh Phêrô mà chúng ta được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, điều Thánh sử Mác-cô muốn chuyển tải trong câu chuyện này là chính Đức Giêsu chủ động trong mọi cuộc gặp gỡ và biến đổi chúng ta. Thật vậy, chính Người chủ động đến nhà ông Simon Phêrô, và nhờ đó, ông có cơ hội trình bày với Người về tình trạng của người nhà mình. Sau đó, “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy” (c.31a). Chúa Giêsu luôn sẵn sàng và chủ động đến nhà chúng ta, Người lại gần, cầm lấy tay và chữa lành cho chúng ta.

Chúa Giêsu đích thân từ Trời đến ở với con người, và phục vụ con người: “Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”[3] được diễn tả qua việc Người  rửa chân cho các môn đệ.[4] Noi gương Chúa Giêsu, các Đức Giáo Hoàng cũng tự nhận mình là “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa.”

Mẹ vợ của ông Simon sau khi được khỏi bệnh, tức là mọi khả năng đã được phục hồi, bà nghĩ ngay đến việc phục vụ Chúa và các môn đệ (x.c.31b). Bà sống đúng căn tính phục vụ của một Kitô hữu. Trong thực tế, có những người khi được chữa lành bệnh tật hiểm nghèo về phần xác, hay được ơn chữa lành trong tâm hồn, họ bắt đầu dấn thân sống cho Chúa và cho người nghèo trong suốt cuộc đời còn lại, như một lời TẠ ƠN. Họ không còn sống cho mình nữa mà là sống cho Chúa và tha nhân. Họ cảm nhận được sự gần gũi của “Nước Thiên Chúa” nơi Chúa Giêsu và noi gương Người, họ hoán cải đời sống và dấn thân phục vụ, đúng như Lời Chúa mời gọi: “…Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

Sau Chúa Giêsu, Đức Maria là một mẫu gương cho chúng ta về đời sống phục vụ. Khi biết người chị họ của mình đã lớn tuổi lại mang thai con đầu lòng và sắp đến ngày sinh, Mẹ đã không nghĩ đến bản thân mà “vội vã” lên đường đến giúp đỡ Bà Ê-li-sa-bét cho đến khi bà sinh con[5]. Lại nữa, khi được mời đến dự tiệc cưới ở Cana, Mẹ đã hiện diện không phải với tư cách là khách mời, nhưng như một người thân và người có trách nhiệm với tiệc cưới hôm ấy. Vì thế, Mẹ quan sát và biết được sự cố hết rượu, cũng như nỗi lo lắng của chủ tiệc; Mẹ thấy những nguy cơ và hậu quả có thể sẽ xảy đến với đôi tân hôn và Mẹ mau mắn giải cứu, để họ có niềm vui trọn vẹn. Việc này đã thay đổi cả thời giờ của Thiên Chúa.[6]

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi

  • Tận dụng những khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa và tha nhân.
  • Luôn hiện diện với tinh thần trách nhiệm, âm thầm và tận tụy.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương cho chúng con về đời sống cầu nguyện và dấn thân phục vụ, trong sự tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Xin giúp con nhận biết và đáp lại tình yêu Chúa bằng con đường hiến thân phục vụ tha nhân. Amen.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/798917780971405)

 

[1] https://gdanhducmebanon.org/thanh-nu-lu-i-sa
[2] Mc 1, 14
[3] Mc 10,45; Mt 20,28
[4] Ga 13,1-17
[5] Lc 1,39-56
[6] Ga 2,1-11 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *