fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY

10.03.2021 – THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY

Mt 5,17-19

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn (Lề Luật)”  (Mt 5,17b)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ở giáo xứ nọ có một người bỏ đạo lâu năm, mãi đến lúc hấp hối mới ăn năn trở lại. Sau đó, cha xứ đã dâng Thánh lễ an táng rất trịnh trọng và đầy đủ các nghi thức cho ông. Nhưng Ban Hành Giáo không đồng tình với cha xứ. Họ lý luận rằng: chỉ cần cử hành tang lễ đơn giản cho những người mới theo đạo hoặc những người quay trở lại vào phút cuối, còn những người tốt lành sốt sắng mới được cử hành tang lễ long trọng, để khuyến khích mọi người cùng sốt sắng sống đạo.

Từ một khía cạnh nào đó, ta có thể cảm thông với tâm lý con người: khuyến thiện thì người ta theo thiện, trừng ác thì người ta tránh ác. Đó cũng là quan điểm của những người chỉ trích Đức Giêsu, vì họ coi sự thưởng lành phạt ác là hiển nhiên ngay ở đời này[1], và việc giữ lề luật khắt khe là biểu hiện của đời sống tốt lành và “xứng đáng” được cứu rỗi. Họ không chấp nhận Đức Giêsu và cho rằng Ngài luôn vi phạm lề luật hoặc giao tiếp với những người sống ngược lại lề luật.

Trong khi đó, Đức Giêsu không đến để thưởng-phạt, nhưng để kêu gọi mọi người thay đổi đời sống để được cứu độ. Ngài mặc cho Lề Luật một tinh thần mới, khơi dậy trong lòng người một động lực mới và là cốt lõi của Lề Luật, đó là tình yêu. Chúa Giêsu vẫn khẳng định rằng “Đạo của Cựu Ước là một giai đoạn tạm thời nhưng cần thiết trong lịch sử cứu độ”. Hơn nữa, “các Luật Lệ, nghi lễ và tập tục luôn có liên hệ với một nền văn hóa nhất định, và phải được thích nghi theo thời gian.”[2] Chính vì thế, khi Chúa Giêsu đến, việc giữ đạo (hay giữ luật lệ theo mặt chữ) cần phải được thay đổi bằng một tinh thần mới mẻ, là sống tình yêu thương, thực thi bác ái đối với mọi người, để giảm bớt gánh nặng và đau khổ cho nhau, cùng nhau tìm kiếm Thiên Chúa và Nước của Người, đó là sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã kiện toàn Lề Luật như thế đó.

Trong tinh thần mới của Chúa Giêsu, chúng ta cùng nhìn lại đời sống đạo của chính mình. Chúng ta đã thấm nhuần đức Ái, đã “say men rượu mới” của Người, nếu mọi “tư tưởng, lời nói, việc làm”[3] của chúng ta đều nhắm đến việc diễn tả lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và quan tâm đến anh chị em. Khi đó, chúng ta sẽ vui với niềm vui của Thiên Chúa và cả triều thần thiên quốc, khi có một người anh em sám hối trở về. Khi đó, chúng ta cũng sẽ dễ dàng cảm thông với những yếu đuối của anh chị em xung quanh chúng ta, đồng thời khích lệ nhau chu toàn cả những điều nhỏ nhất như biết tha thứ, nhường nhịn, xin lỗi, cám ơn, liên đới…chỉ vì tình yêu đối với Thiên Chúa và với tha nhân.

Mẹ Maria đã xác tín vào lời sứ thần nói với Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Mẹ đã dám vượt lên trên những hình thức bên ngoài để sống điều cốt lõi của Lề Luật là Đức bác ái: Mẹ yêu mến thánh ý Thiên Chúa và yêu thương nhân loại, chính vì thế, cho dù vị hôn phu Giuse có đón nhận hay không, Mẹ vẫn táo bạo xin vâng ý Chúa, đón nhận Ngôi Lời Nhập thể trong cung lòng mình, để chương trình cứu độ được thực hiện. Đồng thời, Mẹ vẫn hết mực chu toàn tất cả mọi điều luật liên quan đến Mẹ và Chúa Giêsu.[4]

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi có cái nhìn cảm thông, tha thứ và nhạy bén đáp ứng nhu cầu của anh chị em sống chung quanh.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp con sống lời mời gọi thực thi bác ái trong Mùa Chay này cách tích cực hơn, để con không chỉ chú trọng vào sự cứu rỗi của riêng mình, nhưng còn mưu cầu sự cứu rỗi cho mọi người qua đời sống bác ái mỗi ngày. Amen.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/831081301088386)

[1] Ga 9,3-34
[2] Lời Chúa cho mọi người. Tr.1590, phần chú giải.
[3] Kinh cáo mình
[4] X. Lc 2,39

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *