12.3.2021 – THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY
Mc 12,28b-34
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
“Thiên Chúa là tình yêu và Người muốn chúng ta đến với Người bằng tình yêu”[1] Đó là câu nói nổi tiếng của thánh Vinh Sơn Phaolô, vị thánh của lòng bác ái. Chính vì yêu mến Thiên Chúa và say mê làm đẹp lòng Chúa, nên ngài nhìn thấy Chúa nơi tất cả mọi người, đặc biệt là nơi những người nghèo về cả thể xác lẫn tinh thần. Đối với ngài, “Người yêu mến thì lòng tràn ngập tình mến và sự âu yếm, luôn nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện, vui thỏa khi tưởng nhớ đến Ngài”[2] và Ngài dạy các con cái: “Chúng ta phải chuyển tình yêu cảm tính sang tình yêu thiết thực. Đó là một tình yêu được cụ thể hóa trong các việc làm bác ái, phục vụ người nghèo được tiến hành với niềm vui, sự kiên trì và tình dịu hiền.”[3]
Thực hành như vậy là “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (c.33)
Lắm khi chúng ta nghĩ rằng: yêu mến Thiên Chúa thì dễ hơn là yêu thương người khác. Vì không ai thấy Thiên Chúa, nên cũng không cần diễn tả tình yêu đối với Người. Tuy nhiên, Chúa Giêsu dạy ta có một cách để diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa, đó là yêu thương “những người mà Thiên Chúa đã yêu thương”, là yêu thương hết mọi người. Thánh Gioan cũng nói rằng: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.”[4]
Yêu tha nhân và yêu “như chính mình” quả là khó, vì ta mong muốn cho mình những điều tốt lành thế nào, thì cũng phải mong sự lành và làm điều lành cho người khác như thế. Tuy nhiên, có khi vì thiếu hiểu biết, chúng ta thương mình và thương người không đúng cách. Do đó, Chúa Giêsu còn dạy ta “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”[5] Chỉ khi yêu thương nhau theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu, chúng ta mới đạt đến tình yêu hoàn hảo.
Vì yêu mến Thiên Chúa Cha và yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã Nhập Thể làm người, để thực hiện kế hoạch yêu thương của Chúa Cha là cứu chuộc con người. Ngài hy sinh mạng sống để cứu chuộc những kẻ yêu mến Ngài, và cả những kẻ vẫn không ngừng chống đối Ngài. Yêu những người tốt với mình thì dễ, nhưng tình yêu theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương cả thù địch, cả những người ta không thích, không ưa, chỉ vì họ cũng là những người được Thiên Chúa yêu thương. Tôn trọng, cảm thông, giúp đỡ và tha thứ là cách diễn tả tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Giêsu đã làm.
Trước khi cộng tác vào công trình cứu độ, Mẹ Maria đã luôn sống “đẹp lòng Thiên Chúa”[6], điều đó diễn tả tình yêu của Mẹ đối với Người. Cũng vì yêu mến Chúa, Mẹ sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình để thực thi kế hoạch yêu thương của Chúa Cha là cứu độ nhân loại, ngay khi sứ thần nói cho Mẹ biết kế hoạch đó. Mẹ đã nên một với Chúa Giêsu trong lòng yêu mến Chúa Cha và yêu thương toàn thể nhân loại.
Mẹ Maria còn thể hiện tình yêu cách đặc biệt khi hy sinh thời giờ và sức lực để đến giúp đỡ người chị họ đang mang thai lúc tuổi già, giúp đỡ đôi tân hôn tại Cana, nhất là Mẹ hiệp thông với Chúa để tha thứ cho những người đánh, giết Con của Mẹ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi làm một việc tốt cho người mà tôi chưa yêu mến, với tất cả sự trân trọng, như Chúa dạy tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết diễn tả lòng yêu mến Chúa qua hành động yêu thương giúp đỡ tha nhân, nhất là đối xử thật tốt với người mà con chưa thật sự yêu mến, chỉ vì Chúa yêu thương họ, cũng như Chúa đã yêu thương con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/832169277646255)
[1] SV. I,81
[2] SV. IX,475
[3] SV. XI,593
[4] 1 Ga 4,20.
[5] Ga 15,12
[6] Lc 1,30