fbpx

LỄ TRUYỀN TIN – 25 THÁNG 3

LỄ TRUYỀN TIN
25 tháng 3

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,
và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà,
vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”
Lc 1,35

Tại sao lễ Truyền Tin lại được đặt vào ngày 25 tháng 3 hàng năm? Một lựa chọn xem ra không thích hợp vì ngày này hầu như luôn rơi vào Mùa Chay và đôi khi vào ngay Tuần Thánh, khiến Hội Thánh phải dời lại sau lễ Phục sinh. Thực ra không thể dời lễ Truyền Tin vào ngày khác vì phụng vụ Giáo Hội thích những ngày tháng giàu ý nghĩa biểu tượng. 25 tháng 3 chính xác là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh. Vậy 9 tháng trước lễ Chúa Giáng Sinh, Hội Thánh mừng kính ngày Đấng Cứu Thế thụ thai trong cung lòng người Mẹ rất thánh của Người.

Ta quen gọi là lễ Truyền tin của Đức Mẹ. Thế nhưng kiểu nói này không đúng. Thực vậy, đây là việc sứ thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria: Bà sẽ làm Mẹ Đấng Thiên Sai Cứu thế, đức Emmanuel mà ngôn sứ Isaia đã loan báo. Vì thế Phụng vụ chính thức của Hội Thánh gọi lễ này là lễ Truyền Tin Chúa: Thiên Chúa sai sứ thần của Người đến với Đức Maria để loan báo cho thế giới rằng Đấng Thiên Sai đã đến thật gần, Người sẽ sinh ra từ xác thịt loài người, Người sẽ làm người thật, với cả xác lẫn hồn. Vậy ngày 25 tháng 3, chúng ta mừng kính trước hết là mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, trước khi mừng kính Đức Maria. Dường như lễ Truyền Tin đã được cử hành trong Giáo Hội Tây Phương từ thế kỷ thứ 7.

Rõ ràng biến cố trọng đại có liên hệ mật thiết đến Đức Maria. Vì thế chúng ta không thể không gợi lên dung mạo và vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm này.

  1. Câu hỏi của Đức Maria

(c. 34): “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”.  So sánh với câu hỏi của ông Dacaria, ta thấy thái độ của Đức Maria là đón nhận trọn vẹn các lời của sứ thần, và chỉ muốn biết sự việc sẽ xảy ra cách nào, vì nhận thấy tình trạng của mình không có khả năng chu toàn nhiệm vụ được giao phó, trong khi Dacaria đòi một dấu chỉ để nhìn nhận sứ điệp là đích thật. Lời đáp trả khác nhau của sứ thần cho thấy rõ điều đó.  “vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Trong mạch văn này, động từ “biết” có nghĩa là có quan hệ vợ chồng (x. St 4, 1.17.25; 19, 8; 24, 16…): Đức Maria đã kết hôn với ông Giuse nhưng vẫn còn đồng trinh (c. 27). Sứ thần loan báo ngài sẽ làm mẹ (c. 31). Ngài hiểu rằng việc đó phải xảy ra tức khắc. Đức Maria nêu vấn nạn rằng ngài không có quan hệ vợ chồng với Giuse, và câu hỏi này đưa đến câu trả lời của sứ thần.- Không thể cho rằng Đức Maria đã khấn giữ mình đồng trinh, vì nếu vậy thì đính hôn làm gì?

  1. Loan báo 2

(cc. 35-38) Sau thắc mắc Đức Maria nêu lên, lời đáp trả của thiên thần đồng thời là sự xác nhận chiều hướng đời sống của Đức Maria: Đó sẽ là việc làm mẹ đồng trinh. Tình trạng đồng trinh của Đức Maria sẽ được Thiên Chúa tận dụng để ngài mang thai một người con trai, Người này sẽ thừa kế vua Đavít và là Con Thiên Chúa. Người sẽ là “Cao Cả”, một danh hiệu dành riêng cho Đức Chúa, và sẽ được gọi là “Con Đấng Tối Cao” và sẽ ngự trên ngai vàng Đavít để trị vì tới muôn đời. Nếu đem so sánh những lời này với lời loan báo của ngôn sứ Nathan cho vua Đavít (2 Sm 7, 12-16), ta thấy có những điểm tương đồng lạ lùng.

  1. Tác động của Chúa Thánh Thần : việc thụ thai đồng trinh
    Việc làm mẹ của Đức Maria sẽ do tác động của Chúa Thánh Thần. Quyền năng Đấng Tối Cao “sẽ rợp bóng trên Bà” (c. 35): kết quả là Đức Giêsu sẽ là Con Thiên Chúa. Động từ “rợp bóng”, nói lên sự can thiệp huyền bí của Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa đưa tới kết quả là tư cách Con Thiên Chúa của Đức Giêsu. Những lời này ám chỉ đến đám mây bao phủ Nhà Tạm khi dân Israel hành trình trong sa mạc đi về Đất Hứa (x. Xh 40, 35). Đám mây chỉ sự hiện diện thực sự và vinh quang của Thiên Chúa. Đám mây đã xuất hiện lần đầu khi che phủ Lều Hội Ngộ nơi có đặt Hòm Bia giao ước, trong khi vinh quang Thiên Chúa, nghĩa là chính Thiên Chúa tràn ngập bên trong lều.  Như vậy, Đức Maria xuất hiện như Nhà Tạm thánh trong đó có sự hiện diện ẩn tàng của Chúa tể vinh quang.  Vì vậy, trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta kêu cầu : Đức Bà là “Hòm Bia Thiên Chúa vậy”.

 

   Cuộc sinh hạ thánh: sinh hạ đồng trinh

Câu 35b đặt ra một vấn đề ngữ học rất quan trọng đối với Thánh Mẫu học. Bản dịch sang la ngữ dịch sát bản Hy lạp: « Vì thế, điều sẽ sinh ra thánh, sẽ được gọi là Con TC ». Ở đây không nói đến sự thánh thiện tương lai của Đức Giêsu. Từ « thánh » là một phó từ chỉ cho ta biết cách thế đứa trẻ sẽ sinh ra. Người con của Đức Maria « sẽ sinh ra thánh », theo nghĩa của truyền thống Lêvi (Lv 12, 1-8), có nghĩa là việc sinh hạ sẽ là thánh = vô tì tích, nguyên vẹn, tinh tuyền theo nghĩa nghi tiết. Tính từ “thánh” đi theo động từ “sinh ra” như một thuộc từ, giống như một trạng từ, bổ nghĩa cho động từ « sinh ra ». Nếu đọc bản văn như thế, chúng ta lại có thêm một luận chứng về điều mà sau này các nhà thần học và quyền giáo huấn của Giáo Hội sẽ định tín : Đức Maria đồng trinh trong khi sinh. Vậy sứ điệp của sứ thần không chỉ loan báo việc thụ thai đồng trinh, mà cả việc sinh hạ đồng trinh.

Nhờ việc thụ thai đồng trinh và nhất là nhờ việc sinh hạ đồng trinh, là dấu chỉ của việc thụ thai đồng trinh, cả hai việc này đều là công trình của Chúa Thánh Thần, vì thế đứa trẻ này, trong đời sống công khai và sau đó nữa, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

Vậy câu 35 hàm chứa 3 yếu tố sau đây :

  1. Việc thụ thai đồng trinh
  2. Việc sinh hạ đồng trinh
  3. Đứa trẻ sẽ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

 

  1. Sự ưng thuận của Đức Maria (c. 38)

Lời đáp trả của Đức Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, thường được gọi là lời “Fiat” của Đức Maria. Tuy nhiên, ta cần nhận xét rằng, trong lời “Fiat” của Đức Maria, thánh Luca dùng “ước vọng cách” không chủ ngữ (hiểu ngầm là Thiên Chúa), có nghĩa là : “xin (Chúa) cứ thực hiện cho tôi theo lời sứ thần nói”, diễn tả một niềm mong ước vui vẻ, ước muốn một điều gì, chứ không bao giờ là một sự nhẫn nhục, cam chịu hay vâng phục cách miễn cưỡng một điều gì nghiêm trọng và khó chịu. Lời Fiat của Đức Maria biểu lộ một niềm vui phó thác trọn vẹn cho thánh ý Thiên Chúa, ước muốn tích cực cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa, nghĩa là điều Thiên Chúa tiên liệu cho ngài, vọng lại niềm vui khởi đầu biến cố (“Vui lên”).

Tuy nhiên, Thiên Chúa không lừa gạt ai. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rõ nguy hiểm chờ đón mình, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đức Maria đặt trọn mạng sống mình trong tay Thiên Chúa. Đức Maria biết rõ Luật do thái, nếu một thiếu nữ đã đính hôn mà mang thai ngoài hôn nhân (Đnl 22, 22-23), người chồng có quyền tố cáo, người ta sẽ lôi cô gái ra khỏi thành, ném đá cho đến chết. Vậy “thụ thai ngay bây giờ” cũng có nghĩa là chấp nhận án tử hình. Tiếng “xin vâng” quả thực là tiếng nói can đảm, vâng phục, tin tưởng và phó thác mạng sống mình trong tay Thiên Chúa. Lời xin vâng này sẽ theo suốt cả cuộc đời Đức Maria cho đến chân thập giá. Đức Maria đã phải đi con đường bóng tối và thử thách của đức tin.


Lễ Truyền Tin và việc tuyên khấn của các Nữ Tử Bác Ái

Chúng ta biết, tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn được thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh nữ Louise de Marillac thành lập năm 1633. Chín năm sau, vào ngày lễ Truyền Tin, 25.3.1642, thánh nữ Louise và bốn chị Nữ Tử Bác Ái tuyên khấn lần đầu, « khấn trọn đời ». Đến năm 1648, các lời khấn được qui định là hằng năm. Các chị em xin phép thánh Vinh Sơn để được khấn. Chị em «làm mới lại các lời khấn hằng năm» vào ngày lễ Truyền Tin, 25 tháng 3, theo ý muốn của thánh nữ Louise de Marillac, để liên kết sự tận hiến của mẹ thánh và của con cái mẹ với lời Xin Vâng của Đức Trinh Nữ (xem Hiến Pháp số 28 e).

Vào ngày Truyền Tin, sứ thần báo cho Đức Maria về sứ mệnh Thiên Chúa trao phó cho Mẹ. Mẹ đã bày tỏ sự hoàn toàn sẵn sàng qua lời đáp trả : « Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa…». Khi nhìn ngắm Đức Maria, các Nữ Tử Bác Ái học noi gương Mẹ để trở nên những Nữ Tỳ hoàn toàn sẵn sàng thi hành những điều Thiên Chúa đang chờ đợi nơi các chị, lưu tâm đến con người, khiêm tốn phục vụ người nghèo, là những người mà các chị được sai đến.  

Các chị tuyên khấn không phải để trở thành Nữ Tử Bác Ái mà để sống căn tính Tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo của người Nữ Tử Bác Ái ngày một sâu đậm và trọn vẹn hơn. Việc «làm mới lại hằng năm» các Lời Khấn không phải là dấu chỉ của một thái độ còn lưỡng lự, chưa dứt khoát mà trái lại, là một sức năng động thiêng liêng để đào sâu ơn gọi mỗi ngày một hơn.  Như thế, các chị luôn ở trong tình trạng tỉnh thức, canh tân, cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và sẵn sàng để được Ngài sai đi trên mọi nẻo đường…


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *