01.4.2021 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Bạn thân mến
Bồ nông là một loài chim rất đặc biệt. Có những ngày không kiếm được mồi, chim mẹ tự mổ vào ngực mình để lấy máu mớm cho con. Sau “bữa tiệc” ấy, đàn chim con no thỏa, nằm im, còn chim mẹ thì máu tươi đầy mỏ và thấm đẫm bộ lông trắng trước ngực. Nó kiệt sức dần và chết.[1] Kitô giáo đã mượn hình ảnh chim bồ nông để diễn tả tình yêu của người dám hy sinh chính mạng sống cho người mình yêu. Đó là tình yêu của Chúa Giêsu đã hy sinh chính mạng sống của Người cho nhân loại.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ: một Vị Thiên Chúa uy nghi cao cả mà các thiên thần phải cung kính sụp lạy suy tôn, nay quì gối trước những kẻ chài lưới thất học, những kẻ mà xã hội chẳng mấy quan tâm. Đôi bàn tay thánh thiện từng làm nhiều dấu lạ cả thể, giờ đây lại nâng từng bàn chân xù xì, đen đúa, (thậm chí có mùi hôi) lên rửa, rồi lau khô…như người cha, người mẹ nâng niu tắm rửa cho đứa con nhỏ, cho dù nó xấu xí, bệnh tật và bẩn thỉu… Chúa rửa chân từng người, dù biết rằng Giuđa sẽ phản bội, Phêrô sẽ chối bỏ, các môn đệ khác sẽ chạy trốn lúc Người gặp gian nguy. Cho dù đôi chân các ông có lấm bùn nhơ tội lỗi, Chúa vẫn tha thứ, vẫn tiếp tục cúi xuống rửa sạch, và cho các ông cơ hội để làm lại cuộc đời. Người muốn rửa đi những lem lấm toan tính trần thế, Người muốn thanh tẩy tâm hồn các ông khỏi những tham vọng bất chính, những thói đời giả tạo…Người còn tự hiến thân mình trở thành tấm bánh để nuôi sống con người, để ở lại với ta mọi ngày trong Bí Tích Thánh thể. Người bày tỏ cho chúng ta một tình yêu “cho đến cùng”, yêu đến thí mạng vì chúng ta.
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (c.14). Qua các Bí tích, đặc biệt Bí tích Hòa Giải, ta có nhận ra đích thân Ngài rửa chân cho từng người chúng ta không?… cũng như Phêrô, chúng ta không hiểu hết ý nghĩa việc làm của Thầy, nhưng Thầy vẫn làm vì tình yêu là ân huệ cho không! Còn chúng ta? Dấn thân phục vụ, nhưng ta vẫn muốn mọi người nhìn nhận sự đóng góp của ta! Ta mong được mọi người hiểu và nhận biết công lao và sự hy sinh của ta! Giữa một thế giới đề cao cái tôi và đòi hỏi quyền lợi, thu tích và chiếm đoạt của cải bằng mọi cách để thoả mãn lòng tham của mình, chúng ta có dám lội ngược dòng để quảng đại hy sinh như Chúa, sống bác ái để phục vụ cho công ích, cho những người nghèo đói, bị bỏ rơi?… Chỉ khi có được tình yêu của Chúa Giêsu thúc đẩy, chúng ta mới dám hy sinh thời giờ, hy sinh những nhu cầu của bản thân để phục vụ mà không cần phải được mọi người nhìn nhận, ghi ơn.
Đối với Đức Maria, sự âm thầm hy sinh của Mẹ cũng có thể nói được là “đến tận cùng” vì yêu mến Chúa và nhân loại. Mẹ đã dâng hiến cung lòng trinh bạch để Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, đã nên một huyết nhục với Chúa Giêsu vì máu thịt của Người chính là máu thịt của Mẹ. Mẹ trở nên Hòm Bia Thiên Chúa, thành “nhà tạm” đầu tiên khi cưu mang Con Thiên Chúa, cho dù cả nhân loại chẳng ai hiểu, chẳng ai biết để thờ lạy Người – ngoại trừ bà Êlizabeth được Thánh Thần cho biết. Mẹ là người nữ “Thánh Thể”, Mẹ dạy chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Thánh Thể khi chúng ta rước lễ như khi Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô mới sinh và ôm ấp Người trong vòng tay Mẹ.[2]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi tập “cúi xuống và quỳ xuống” để phục vụ những người thân trong gia đình, cách âm thầm và tậy tụy.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết chân thành phục vụ cách âm thầm và khiêm tốn như Mẹ, nhờ chiêm ngắm và sống mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/844142976448885)
[1] X. https://dongthanhtamhue.net/2020/05/chim-bo-nong-trong-kito-giao/
[2] X. Đức Gioan Phaolo II, Thông Điệp ECCLESIA DE EUCHARISTIA, Chương VI.