fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

08.4.2021 – THỨ NĂM – TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Lc 24,35-48
“Bình an cho các con.” (Lc 24,36)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Bạn thân mến,

Bình an là điều mà ai cũng mong muốn và cầu chúc cho nhau trong những dịp đặc biệt, lễ tết. Chúng ta chỉ có thể cầu chúc cho nhau được bình an nhưng không ai có thể sở hữu để “cho” người khác. Ngay cả với người quá cố, chúng ta cũng mong cho họ được “an nghỉ” với lời cầu nguyện khắc trên bia mộ: “R.I.P.” (Requiescat In Pace: xin cho họ được an nghỉ ngàn thu). Chỉ mình Thiên Chúa và nơi Con của Người là Đức Giêsu Phục Sinh mới có bình an thật sự và vĩnh hằng, và Ngài sẵn sàng ban tặng cho chúng ta.

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh là nguồn mạch bình an. Các tác giả Phúc Âm kể lại: Ngài chỉ ban bình an cho các môn đệ sau khi đã chịu chết và sống lại. Ơn bình an được xem như một sức mạnh thiêng liêng và là hoa trái của ơn cứu độ. Sau biến cố Chúa chịu tử nạn, các môn đệ hoảng sợ. Rồi những tin về sự cố ngôi mộ không còn xác Thầy, khiến các ông hoang mang lo lắng. Khi hai môn đệ Emmau kể lại đã gặp Chúa cùng đi với họ, thì bất chợt Chúa lại đứng giữa các ông, đang lúc các cửa đều đóng kín. Các ông hoảng sợ vì chưa nhận ra Thầy mình. Bởi lẽ hình ảnh cuối cùng của các ông về Thầy là một thân thể giập nát vì thương tích. Chúa Giêsu Phục Sinh đã phải “dỗ dành” đủ cách: cho các ông xem tay chân và sờ vào thân thể Ngài, để nhận ra các dấu đinh, các vết thương của Ngài vẫn còn đó. Ngài còn ăn uống để họ thấy rõ là Ngài đang sống thật sự.

Tin vào sự Phục Sinh của Chúa, các môn đệ cảm nhận được sự bình an và vui mừng phấn khởi. Các ông nhận ra Đấng đang hiện diện chính là Đấng đã chịu tử nạn trước đó, nhưng giờ đây, thân xác của Ngài đã hoàn toàn được biến đổi: vẫn là con người bằng xương bằng thịt, đi lại và ăn uống, nói năng, nhưng không bị giới hạn bởi những điều kiện vật chất. Ngài hiện diện mà không ai thấy được, hoặc không thể đóng cửa để ngăn giữ Ngài được nữa. Vẫn là Thầy Giêsu mà các ông đã đi theo để ở với Người và được người sai đi, nhưng giờ đây, chính Người lại sai các ông đi làm chứng về sự Phục Sinh của Người.

Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta, nhưng điều cần thiết là chúng ta phải cởi mở tâm hồn để đón nhận Ngài. Mỗi biến cố vui buồn của cá nhân, của gia đình, của công việc…tất cả đều là cơ hội, là nẻo đường mà Chúa vẫn sử dụng để gặp gỡ, ban bình an và gia tăng niềm tin cho chúng ta. Nhạc sĩ Vũ Thành An đã gặp được Chúa qua chính biến cố bị tù đày, ông đã cảm nhận được sự bình an của Chúa, trở thành Kitô hữu và hiện là Phó tế vĩnh viễn để phục vụ Chúa trong Giáo Hội.[1] Hôm nay, Chúa cũng đang đợi gặp mỗi người chúng ta ở một điểm hẹn riêng tư nào đó…Chính qua kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân, nên khí cụ mang bình an, niềm vui và hy vọng đến cho anh chị em mình.

Chiêm ngắm đức Maria, chúng ta luôn thấy Mẹ sống cuộc đời với một tâm hồn hết sức bình an, cho dù cuộc đời của Mẹ gặp muôn vàn sóng gió. Nhưng, chính vì Mẹ đã cảm nghiệm được “Chúa đã làm cho tôi muôn điều kỳ diệu”, nên Mẹ luôn bình an và điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Với Mẹ, lắng nghe tiếng Chúa và thi hành ý Chúa chính là chìa khóa của bình an:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói[2], và Mẹ cũng trao chìa khóa ấy cho mỗi người chúng ta “Người bảo sao thì cứ làm vậy.[3]

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi cảm nếm những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho tôi qua các biến cố vui buồn, sướng khổ của cuộc đời.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa và cảm nhận sự bình an mà Chúa ban cho con trong mọi biến cố hằng ngày. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/848234646039718)

[1] X. http://teresafamily.org/content/tiểu-sử-thầy-vũ-thành 
[2] Lc 1,38
[3] Ga 2,5

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *