18.4.2021 – CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – NĂM B
Lc 24,35-48
“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.” (Lc 24,46)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Một bé trai 5 tuổi được đề nghị hiến máu để cứu chị gái song sinh của em, vì chỉ có cậu bé là người cùng nhóm máu O với bệnh nhân. Nếu không được truyền máu, bệnh nhân sẽ chết. Sau những phút do dự và lo lắng, cậu bé đồng ý. Cậu tạm biệt cha mẹ và bước vào phòng truyền máu. Khi chị cậu bé bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, thì cậu hỏi bác sĩ: “Vậy, khi nào cháu sẽ chết ạ?” Thì ra, cậu bé tưởng rằng hiến máu để cứu chị thì em sẽ chết. Tuy nhiên, em vẫn lựa chọn cứu chị. Cuối cùng, cả hai chị em đều mạnh khỏe trở về nhà.[1]
Bạn thân mến,
Cậu bé trong câu chuyện trên quả là dũng cảm và đáng yêu, vì em đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để cứu chị gái khỏi bệnh, dù phải chết sau đó (theo cái hiểu của em). Với Chúa Giêsu, khi sẵn sàng hiến thân để cứu nhân loại, Người biết chắc chắn về những điều Người sẽ phải chịu vì: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (c.46). Biết thế, và mặc dầu cũng run sợ đến đổ mồ hôi máu, nhưng Người vẫn quyết tâm đi vào cuộc khổ nạn và đón nhận tất cả cho đến chết trên thập giá, vì biết đó là kế hoạch của Chúa Cha. Sau ba ngày, Người Phục Sinh và đã hiện ra với các môn đệ. Người củng cố đức tin và “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (c.45), trao cho các ông sứ mạng loan báo và làm chứng nhân Tin Mừng đến khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, các tông đồ chưa thể hiểu và chấp nhận được là Thầy của mình đã chết mà nay đã phục sinh. Thật vậy, biến cố đau thương mà Thầy vừa trải qua, và mỗi người trong các ông đã tham dự, chứng kiến theo từng góc độ khác nhau vẫn còn quá đậm nét trong tâm trí, khiến cho các ông chưa thể đón nhận sự kiện có một không hai này, hoàn toàn vượt quá trí hiểu loài người. Chúa Giêsu đã phải hết sức mềm mỏng, dịu hiền và kiên nhẫn trước sự cứng tin của các môn đệ. Người đã nhiều lần hiện ra, ăn uống, nói chuyện và cho các ông được sờ chạm vào các vết thương trên thân thể Người, để chứng tỏ rằng chính Người là Đấng đã chịu các thương tích đó, đã chết, và nay đã sống lại. Thân xác Phục Sinh của Người giờ đây đã được biến đổi, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, có thể đi qua tường-nhà đóng kín, hoặc cùng một lúc hiện diện ở nhiều nơi…
Với ơn Chúa, các tông đồ đã tin và sau khi nhận lãnh Thánh Thần, các ngài đã làm chứng về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Đức tin của chúng ta ngày nay dựa trên nền tảng đức tin mà các tông đồ đã tuyên xưng và đã truyền lại, đồng thời chúng ta tiếp tục được củng cố đức tin mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Chúng ta “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, bằng việc đón nhận những hy sinh đau khổ trong cuộc sống, với niềm xác tín sẽ cùng được biến đổi và Phục Sinh với Chúa Giêsu.
Mẹ Maria đã một đời cùng chịu gian nan đau khổ với Chúa, từ biến cố Truyền Tin cho đến khi Người trút hơi thở trên thập giá. Tuy nhiên, Mẹ luôn xác tín vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, vì hơn ai hết, Mẹ tin rằng Chúa Giêsu Con của Mẹ là Thiên Chúa hằng sống. Ngài chính là nguồn sống của Mẹ và của tất cả mọi loài thụ tạo. Chính vì Mẹ cùng chịu đau khổ với Chúa, nên khi Chúa Phục Sinh, Mẹ xứng đáng nhận lời chúc mừng của cả triều thần thiên quốc: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng. Alleluia!”
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi đón nhận những bất ổn của cuộc sống hiện tại trong niềm tín thác, cậy trông vào Chúa và sẵn sàng bác ái với tha nhân.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết loan truyền đức tin vào cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa bằng chính niềm vui và bác ái trong cuộc sống hằng ngày. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc đoạn trích Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/854108732118976)
[1] https://www.dkn.tv/doi-song/bac-si-bao-be-trai-truyen-mau-de-cuu-chi-gai-song-sinh-cua-minh-em-bat-ngo-hoi-mot-cau-khien-bac-si-khong-khoi-xuc-dong.html