09.6.2021 – THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Mt 5,17-19
“Thầy đến không phải là để bãi bỏ (Lề Luật), nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17).
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Em trai tôi khi muốn cưới vợ đã gặp rất nhiều khó khăn vì gia đình cô bạn gái không chấp nhận cho con của họ gia nhập đạo Công Giáo. Vì quan niệm người chết vẫn có nhu cầu ăn uống, tiêu dùng như người sống, và hiếu thảo là phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no, nên họ không muốn con cái theo đạo Công Giáo, sợ con họ không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà, cha mẹ. Như vậy là bất hiếu.
Vào thời Chúa Giêsu, một số người Do Thái cũng có nỗi sợ tương tự. Một mặt họ thán phục Đức Giêsu, muốn tin Ngài và muốn trở thành môn đệ của Người. Nhưng mặt khác, họ lại sợ làm thế là bỏ đạo cha ông, bỏ đạo Do Thái. Họ hoang mang trước giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu: liệu các điều Người dạy có đi ngược lại với những khoản luật Môsê đã truyền không? Làm theo điều Đức Giêsu dạy có phải là bãi bỏ luật Môsê chăng? Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đã đưa ra một câu trả lời rõ ràng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c.17).
Quả thực, Chúa Giêsu đã không phá bỏ Cựu Ước hay luật Môsê, vì đó là một giai đoạn cần thiết để chuẩn bị cho Tân Ước. Việc giữ các luật lệ trong Kinh Thánh (Cựu Ước) tự nó không phải là một cùng đích, nhưng đó là cách biểu hiện tình yêu đích thực của chúng ta đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến để dạy ta sống tình yêu đó. Người kiện toàn Lề Luật bằng cách nghiêm túc tuân giữ luật Môsê ngay từ khi còn bé: chịu cắt bì, được cha mẹ dâng trong Đền Thờ, cùng cha mẹ trẩy hội đền Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua năm 12 tuổi[1]…
Với Chúa Giêsu, Lề Luật không làm cho con người trở nên ấu trĩ và “nghẹt thở”, nhưng phải là phương thế đem lại sự sống, sự triển nở và tròn đầy. Người đã sống và dạy chúng ta giữ luật vì tình yêu, với ý thức và sự linh động. Như thế, chúng ta sẽ ở trong thái độ sẵn sàng tùng phục Chúa Thánh Thần để đi xa hơn luật, tiến tới sự công chính “hơn các kinh sư và người Pharisêu”[2] mà Chúa Giêsu đòi hỏi. Ý thức và linh động, nhưng lại không thể thiếu tình yêu, vì chính tình yêu thôi thúc chúng ta thực thi tất cả Lề Luật dù chỉ “một chấm một phết” cũng không bỏ sót.
Thư Mục Vụ trong hoàn cảnh giãn cách ngày 31-5-2021[3] của Đức TGM Giuse là một lời mời gọi chúng ta sống sự ý thức, linh động với tất cả tình yêu trong việc thực thi Lề Luật như Chúa Giêsu đã dạy. Ý thức tình trạng dịch bệnh của cả xã hội, với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, chúng ta linh động trong việc tham dự thánh lễ trực tuyến thay vì tụ tập đông người tại nhà thờ. Cũng có những vị mục tử dấn thân vào các việc an sinh, phúc lợi xã hội, thay vì đóng cửa ở yên trong tu phòng[4]…
Chúng ta được mời gọi ra khỏi sự yên ổn của mình, với tất cả sự thận trọng “5K” để phòng tránh dịch bệnh, nhưng phải liên đới và chia sẻ với anh chị em đang gặp khó khăn với tất cả tình yêu và sự sáng tạo[5] như Đức Maria. Mẹ đã tự nguyện tuân giữ mọi điều luật với tất cả tình yêu. Do đó, Mẹ luôn đẹp lòng Chúa[6]. Mẹ linh động và ý thức liên đới với chị Êlizabeth, Mẹ sáng tạo trong cách phục vụ âm thầm tại tiệc cưới Cana: âm thầm xin với Chúa, kín đáo dặn dò các gia nhân[7]… Mẹ sẽ dạy chúng ta cách giữ luật đẹp lòng Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi tuân theo các lời dạy dỗ, mời gọi của các vị chủ chăn và khuyến cáo phòng dịch của xã hội.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết tuân giữ luật với lòng yêu mến, linh động và sáng tạo như Mẹ đã sống, để con được sẵn sàng đối với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/884901255706390)
[1] Lc 2, 43
[2] Mt 5,20
[3] https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/thu-muc-vu-trong-hoan-canh-gian-cach-ngay-31-5-2021-63712
[4] X. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=4097735637007674&id=1945834052197854
[5]https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chu-tich-hdgmvn-thu-keu-goi-tinh-than-lien-doi-va-tuong-than-de-phong-chong-dai-dich-42005
[6] X. Lc 1,30
[7] Ga 2, 1- 12