NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?
Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…
Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]”. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…
Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó.
∞∞∞
Ngày thứ năm
[1]SỰ CAO CẢ LẠ LÙNG
CỦA CON NGƯỜI
Theo tôi, con người là tác phẩm chính của Thiên Chúa trong việc sáng tạo của Người và tội lỗi đã, một cách nào đó, hủy diệt nó, khiến cho nó không có khả năng làm đẹp lòng Chúa. Vì ý định của Thiên Chúa là sự hủy diệt ấy không tồn tại luôn mãi, nên cũng một Thiên Chúa đó đã phán:”Ta hãy sáng tạo con người theo hình ảnh và giống như Ta”, cũng đã quyết tâm cứu chuộc nó, điều này là một cuộc sáng tạo mới (LM 729).
Ôi tình yêu tuyệt diệu, ôi bí mật giấu kín! Chúa đã muốn làm gì, ôi lạy Chúa, khi sáng tạo con người, vì Chúa biết rõ con người yếu đuối? Nhưng phải như vậy để làm cho chúng con hiểu, ôi lạy Thầy chúng con, các hiệu quả của Tình yêu cao cả của Chúa (LM 791).
Con người là tác phẩm chính
trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Việc chiêm ngắm Mầu nhiệm Nhập thể dẫn đưa Louise de Marillac khám phá sự cao cả của tất cả mọi người. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa này, ngài đọc lại các chương đầu của Kinh Thánh. Lời Chúa chinh phục ngài: “Ta hãy sáng tạo con người theo hình ảnh và giống như Ta”; ngài nhận ra rằng “con người là tác phẩm chính trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa” (LM 729).
Louise như bị chói mắt bởi sự tự do mà Thiên Chúa ban cho mọi người:”Sự tuyệt hảo của tâm hồn tự do” (LM 807), ngài thốt lên. Câu hỏi muôn đời con người đặt ra: phải làm gì với sự tự do này, định hướng nó tới Thiên Chúa và tha nhân, hay định hướng nó một cách ích kỷ tới sự tự kiện toàn chính mình? Ở giữa muôn loài thọ tạo, con người cảm thấy giống như các sinh vật khác sống theo bản năng tự nhiên, nhưng nó biết mình rất khác biệt, vì nó có thể có những sự lựa chọn tự do. Ý thức về sự giàu có của mình, con người muốn một mình đạt tới sự nhân bản hoá chính mình. Muốn sống ngang hàng với Chúa, con người quyết định sống không cần Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho con người. Do tội lỗi, con người phá vỡ Giao ước với Thiên Chúa.
Louise ngạc nhiên về lời hứa của Thiên Chúa:”Chúa nhân lành, vì thương xót loài người, nên hứa chuộc tội loài người bằng cuộc Nhập thể của Ngôi Lời” (LM 791). Lời hứa này hiện ra với loài người như một bằng chứng mới về tình yêu Thiên Chúa đối với loài thọ tạo của Chúa.
Lạy Chúa, tình yêu quá tuyệt vời, Chúa đã có một sự phát minh hết sức lạ lùng để tỏ cho biết Chúa toàn năng. Chúa ước ao mỗi thọ tạo được kết hiệp với Chúa đến mức độ nó sánh vai cùng với Chúa, Đấng Tạo dựng nó, về những gì liên quan tới nó (LM 807).
Việc Nhập thể của Con Chúa nói lên một cách hết sức đặc biệt sự cao cả của con người. Đức Giêsu Kitô đảm nhận hoàn toàn nhân tính nơi bản thân Người. Trong khi vẫn là Thiên Chúa, Người thật sự mang dấu nhân tính của chúng ta, Người đã sống như mọi người, Người thuộc dòng giống chúng ta. Louise cảm tạ Chúa:”Sự kết hiệp cá nhân của một Thiên Chúa nơi một con người làm vẻ vang toàn thể nhân loại, làm cho con người ấy được Chúa nhìn nơi tất cả mọi người như hình ảnh Chúa” (LM 777). Mầu nhiệm Đức Kitô soi sáng thực tại con người và tiết lộ cho họ biết sự cao cả lạ lùng của ơn gọi của họ.
Mặc dù từ chối Thiên Chúa, con người vẫn được hoàn toàn tự do. Louise yêu thích tìm thấy trong Phúc Âm các khoảnh khắc Chúa Giêsu tỏ ra như một con người tự do. Người “khinh chê tư lợi nhất thời” và chỉ tìm kiếm “lợi ích của các thọ tạo của Người” (LM 715), nghĩa là lợi ích của tất cả mọi người Chúa gặp gỡ. Người không để mình bị chi phối bởi các phản ứng của các địch thủ, bởi các lời xầm xì của họ. Người chấp nhận, mà không thay đổi gì trong thái độ của Người, “các lời khiển trách của người Do thái khi Người chữa lành các bệnh nhân của họ trong các ngày lễ” (LM 799). Một cách tự do, cho dù phải làm cho các tông đồ ngạc nhiên, Người nói chuyện với người phụ nữ xứ Samari, vì tình yêu của Người quá lớn lao để tội nhân hoán cải.
Một cách tự do, cho dù phải làm cho các tông đồ ngạc nhiên,
Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ xứ Samari.
Tôn trọng sự tự do, phẩm giá của những người mình muốn phục vụ, là một đòi hỏi. Điều quá thông thường là tin rằng mình có thể biết thay cho họ, mình có thể quyết định thay cho họ. Cầu nguyện và suy tư là điều thiết yếu trước mọi hành động, để nhận định rõ điều gì thúc đẩy nó. Khi biết các nông dân thời bấy giờ ước ao được chết tại nhà mình, giữa gia đình mình, Louise nhấn mạnh với các Chị:“Đừng ép buộc các bệnh nhân đến bệnh viện” (LM 521).
Để cho những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội tìm lại được phẩm giá của họ, Louise de Marillac, với niềm tin mạnh mẽ, đưa ra những sáng kiến táo bạo. Ngài không ngần ngại mở mắt người đương thời để họ nhìn thấy các hoàn cảnh ít có phẩm giá, thậm chí hèn hạ mà nhiều người nghèo đang sống ở đó. Ngài cho họ biết hoàn cảnh của các tù khổ sai bị bệnh mà các Chị y tá mô tả với ngài.
Dám làm cho Hoàng hậu Anne nước Áo thấy những gì bà ấy không nhìn thấy:
nỗi đau khổ, cảnh thống khổ của nông dân trên đất của bà!
Ngài không ngần ngại khuyến khích một Nữ tử Bác ái, một cô gái thôn quê, đến gặp Hoàng hậu Anne nước Áo để nói về những người mà chị ấy đang phục vụ ở Fontainebleau: “Nhất là đừng quên nói cho bà ấy biết các nhu cầu của người nghèo theo đúng sự thật” (LM 244). Dám làm cho Hoàng hậu thấy những gì bà ấy không biết nhìn thấy : nỗi đau khổ, cảnh thống khổ của nông dân trên đất của bà!
Trong cuộc nội chiến La Fronde, ngài không ngần ngại dùng trăm phương ngàn kế, để có được bánh mì cho trẻ em bị bỏ rơi vào dịp Lễ Giáng Sinh. Ngài nói với quan Chưởng ấn Séguier, nhân vật cao nhất trong Vương quốc:
Tôi mạn phép gởi ngài những dòng chữ này, vì không được vinh dự đích thân đến gặp ngài, để trình bày với ngài tình trạng cả trăm em bé đáng thương không có bánh mì để ăn trong các ngày lễ này. Cảnh đau khổ này bóp chặt trái tim tôi (LM 305).
Vào thế kỷ XVII, dư luận cho rằng các em gái không cần đi học ở trường, vì trường học dành cho việc dạy chăm sóc trong gia đình và giáo dục trẻ em. Louise de Marillac đi ngược với phong tục thời bấy giờ: ngài không ngần ngại yêu cầu các Chị trong các làng hãy bận tâm lo cho các thiếu nữ đã làm việc ngoài đồng. Việc giáo dục họ đặc biệt về tôn giáo rất thường xuyên bị lãng quên vì không có thời giờ. Những thái độ cần phải có được giải thích rõ: “Phải làm điều này một cách êm ái và dịu dàng, mà không làm cho họ xấu hổ vì sự dốt nát của họ nếu các Chị thấy họ ngu dốt” (LM 629). Không làm cho họ xấu hổ đòi hỏi chúng ta không được khinh miệt, không được đè bẹp, nhưng phải đón nhận mọi trẻ em một cách kính trọng và yêu thương.
Khi phẩm giá của những người được các Nữ tử Bác ái phục vụ bị tổn thương, thì không có gì ngăn cản Louise de Marillac. Ngài đưa các Chị vào cùng một đường lối ấy. Ngài thường xuyên chiêm ngưỡng Chúa Giêsu hành động bên những người nghèo nhất của thời đại Chúa, dám bất chấp các điều cấm chỉ. Ngài cầu xin cho mỗi Chị được tràn đầy cùng một tình yêu đã khiến cho Con Chúa đến chia sẻ đời sống con người.
Xin Chúa ban cho chúng con cùng một tình yêu mãnh liệt ấy, xin cho tình yếu ấy xâm chiếm chúng con trong Chúa một cách êm ái và để phục vụ tha nhân trong tình yêu thương (LM 75).
[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện với thnh nữ Louise de Marillac, trang 47-54