fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P7)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ sáu

[1]SỰ KHIÊM NHƯỜNG KHÓ TIN
CỦA CON THIÊN CHÚA

Con Thiên Chúa, chưa hài lòng về việc đã tự hứa sẽ cứu chuộc chúng ta, nhưng còn muốn điều này được thực hiện, và Người không muốn đến thế gian này như Người đã có thể làm, nghĩa là một cách gần hơn với tính cao cả của Người, nhưng Người đã thực hiện một cách thấp hèn nhất mà Người có thể tưởng tượng. Người muốn như thế để chúng ta có nhiều tự do hơn mà đến gần Người, điều mà chúng ta phải làm một cách kính trọng hơn nữa vì Người rất khiêm nhường. Sự khiêm nhường này sẽ làm cho chúng ta nhận ra đức tính ấy ở nơi Chúa lớn lao biết chừng nào, vì tất cả các hành vi Chúa thực hiện ra bên ngoài, đều thấp hơn con người Ngài rất nhiều (LM 699).

Tôi nói với các Chị hết sức đơn giản như thế này: Phải yên tâm chờ đợi ơn Chúa sinh ra nơi chúng ta đức khiêm nhường đích thực, khi làm cho chúng ta nhận biết sự bất lực của mình, làm cho chúng ta nhận ra nó (LM 91).


Sự bao la của Tình yêu Chúa được thể hiện qua sự bao la của đức Khiêm nhường của Chúa.

Trong Thần tính Chúa hiện ra một sự khiêm nhường sâu sắc và đích thực, mà từ đó tôi phải hết sức hổ thẹn về tính kiêu ngạo của tôi, và tôi sẽ nhận ra rằng tính kiêu ngạo là phần nào sự không hiểu biết, vì đức khiêm nhường, nói cho đúng, là một sự hiểu biết sự thật, và đó chính là, theo tôi thấy, điều đã có thể làm cho nhận biết đức khiêm nhường nơi Thiên Chúa (LM 697).

Ước ao làm cho con người nhận biết mình, Thiên Chúa, trong sự viên mãn của tự do và quyền năng của Thiên Chúa, đi đến chỗ tự xoá bỏ mình:“Ngôi Lời đã trở nên người phàm”, như thánh Gioan nói (Ga 1, 14). Sự đi sâu vào Hữu thể Thiên Chúa như thế là chiêm ngưỡng đức khiêm nhường của Chúa. Thiên Chúa là đức khiêm nhường.


“Lạy Chúa, noi gương Chúa,
không có điều gì có thể ngăn cản con tự hạ mình” (LM 715)

Louise khám phá, trong những lúc nguyện gẫm, tất cả các biểu hiện của đức khiêm nhường của Chúa Giêsu trong cuộc đời dưới trần thế. Qua việc Người sinh ra trong một máng cỏ “Chúa Giêsu đã trở nên bé thơ để cho các thọ tạo của Người được tiếp cận Người một cách tự do hơn” (LM 714). Ngài nhìn kỹ “đức khiêm nhường mà Chúa Giêsu đã thể hiện khi chịu Phép Rửa” (LM 715). Và suy ngắm nghi thức rửa chân chiều Thứ năm Tuần Thánh, ngài nhận thấy Chúa Giêsu đã có thể để cho các Tông đồ làm cho Người được vẻ vang, thế mà Người chấp nhận hạ mình xuống đến mức độ “rửa chân cho các ông” (LM 715). Đối với Louise de Marillac, sự nhận thấy này là một lời mời gọi cấp bách đi trên đường lối khiêm nhường. “Lạy Chúa, noi gương Chúa, không có điều gì có thể ngăn cản con tự hạ mình” (xem LM 715).

Louise biết ngài có xu hướng chỉ nhìn xem các giới hạn của mình, chỉ nhìn thấy khoảng cách giữa điều ngài thấy nơi mình và điều có vẻ Chúa đang chờ đợi. “Tôi không làm gì đáng giá”, ngài thường nói như vậy. Ngài thấy rằng đức khiêm nhường đòi hỏi đặt mình trong sự thật trước mặt Chúa và người khác. Phúc Âm nói về các nén bạc được giao cho mỗi người và sự cần thiết làm cho chúng sinh lợi (Lc 19,12). Louise thán phục đức khiêm nhường sâu sắc của Mẹ Maria và thường xuyên cầu xin Mẹ đặt nơi ngài các tình cảm đã luôn luôn ở nơi Người.

Lạy Rất Thánh Trinh Nữ, nhân đức của Mẹ đáng khâm phục biết mấy! Kìa Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, thế mà Mẹ không từ bỏ đức khiêm nhường và nghèo khó. Chính là để chúng con hổ thẹn về tính kiêu ngạo của mình và làm cho chúng con đánh giá ân sủng Chúa cao hơn mọi danh vọng của thế gian (LM 767).


Lạy Rất Thánh Trinh Nữ, nhân đức của Mẹ đáng khâm phục biết mấy!
Kìa Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, thế mà Mẹ không từ bỏ đức khiêm nhường và nghèo khó.

Dần dần thái độ của Louise thay đổi. Ngài chấp nhận nhìn xem, mà không tự cáo mình, các thiếu sót và sai lầm của mình, và nhìn nhận những ơn Chúa mà ngài đã lãnh nhận.
Đức khiêm nhường cũng bao hàm việc biết nhìn, trong một thái độ cảm tạ Chúa, các sự giàu có của người kia và chấp nhận các khuyết điểm của người ấy.

Các chị hãy đổi mới trong tinh thần đoàn kết và thân ái mà các Nữ tử Bác ái phải có. Việc thực hiện đức bác ái này… luôn luôn khiến chúng ta không bao giờ nhìn thấy các lỗi lầm của người khác một cách gay gắt, nhưng luôn luôn biện giải cho chúng bằng cách chúng ta hạ mình xuống (LM 312).

Đức khiêm nhường không đè bẹp người kia, nó đòi hỏi phải quan tâm đến người ấy, nhưng từ chối coi người ấy như là một đồ vật tùy ý sử dụng. Người khiêm nhường, ngược lại, chấp nhận khám phá tất cả các khả năng nơi người kia và để cho người ấy tự do sử dụng chúng. Thái độ này là nền tảng của mọi tương quan lành mạnh và cân bằng.
Đức khiêm nhường là thiết yếu cho mọi nữ tỳ. Làm sao gặp gỡ người nghèo mà không có thái độ ấy, vốn cho phép nhìn xem họ, đến gần họ trong sự thật hoàn toàn?

Các Chị thân mến, chỉ làm Nữ tử Bác ái trên danh nghĩa thì chưa đủ, chỉ phục vụ Người Nghèo thì chưa đủ … mà còn phải có các đức tính đích thực và vững chắc mà các Chị biết phải có để làm tốt công việc mà Các Chị hết sức vui mừng được tuyển dụng thực hiện; nếu không, các Chị thân mến, việc làm của các Chị sẽ hầu như vô ích (LM 127).

Sẽ làm biến chất việc phục vụ nếu các nữ tỳ tìm kiếm ở đó quyền lợi riêng của mình hoặc những lời ngợi khen của người thân cận.

Nếu cần phải đạt được khả năng chuyên môn cần thiết cho việc chăm sóc, giáo dục, thì điều quan trọng là không được tự hào về kiến thức đạt được. Louise thỉnh thoảng lo lắng về cách xử sự của vài Chị:

Về đức khiêm nhường, các Chị hãy hết sức coi chừng đừng để cho thói quen cư xử với bệnh nhân và những gì các Chị đã học được từ các y sĩ làm cho các Chị trở nên quá táo bạo, tự cho mình là thông thạo để không nghe theo các chỉ định và không vâng lệnh mà người ta sẽ có thể truyền cho các Chị (LM 188).

Louise tự hỏi mình như ngài hỏi các Chị: Chúng ta có được gì nếu người ta không cho chúng ta? Và chúng ta biết gì nếu người ta không dạy chúng ta? (LM188)

Louise dạy các Chị rằng đức khiêm nhường dẫn tới một sự tự do thật sự trong hành động; nó tránh sự ngã lòng trước những lời chỉ trích hoặc thất bại có thể xảy ra. “Điều gì các Chị phải làm giữa các mối tranh chấp nhỏ ấy, đó là phải rất khiêm nhường, coi chừng người ta có thể tố cáo các Chị là ngạo nghễ hoặc tự phụ” (LM 583).

Nhưng khiêm nhường không phải là thiếu can đảm, vì thiếu can đảm chỉ là một sự yếu đuối, không làm được gì lớn lao. Không phải sự nhỏ mọn và sự hẹp hòi xác định đức khiêm nhường, mà là hành vi dựa vào sự vững chắc của riêng mình. Mọi hành động bác ái, Đức Bênêđitô XVI viết, là một ơn, chứ không phải một khả năng. Nó đòi hỏi một đức khiêm nhường thật sự. “Việc có thể giúp đỡ không phải là một công trạng hay một lý do để kiêu ngạo. Nhiệm vụ này là một ơn. Người nào càng làm việc cho người khác, thì người ấy càng nhìn nhận… rằng mình hành động không phải theo một sự ưu việt hay một hiệu quả cá nhân lớn hơn, nhưng bởi vì Chúa đã ban ơn cho mình” (DA số 31a).

Đức khiêm nhường là một đức tính khó khăn và phức tạp. Nó đòi hỏi phải cùng một lúc nhìn nhận sự giàu có ở nơi mình, và không để cho cái tôi chiếm hết chỗ. Louise van xin Chúa dạy cho ngài biết đi trên đường lối khiêm nhường này.

Lạy Chúa Giêsu, con ước ao được thực hành đức khiêm nhường để làm vẻ vang đức khiêm nhường đích thực và có thật nơi Chúa. Như vậy, con sẽ tìm được sức mạnh để đánh gục tính kiêu ngạo của con và khắc phục tính nôn nóng thường xuyên của con, và con sẽ trở nên yêu thương, dịu dàng đối với tha nhân, để làm vẻ vang lời Chúa dạy: “Hãy học cùng ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (LM 698).


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngy với thnh nữ Louise de Marillac, trang 63-71

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *