14.8.2021 – THỨ BẢY TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
Mt 19,13-15
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Nhân dịp các gia đình Công giáo từ khắp thế giới quy tụ về Vatican tháng 11/2013, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đang phát biểu, một cậu bé 6 tuổi đã chạy lên sân khấu ôm riết lấy chân Đức Thánh Cha và sau đó còn “cả gan” ngồi vào ghế của ngài. Thay vì xua đuổi, Đức Thánh Cha vẫn bình thản vui vẻ, ngài còn đưa tay xuống âu yếm đặt lên đầu cậu bé để chúc lành cho nó.[1] Đó chính là bé Carlos, đơn sơ và tin tưởng.
Hình ảnh gần gũi ấy của vị cha chung giúp chúng ta hiểu được phần nào tấm lòng của Chúa Giêsu đối với các trẻ nhỏ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi người ta đem các trẻ nhỏ đến để xin Chúa đặt tay chúc lành cho chúng, chắc hẳn có nhiều đứa trẻ ngoan, nhưng cũng có những đứa nghịch ngợm, cá biệt. Chúng sẽ không theo một nề nếp nào cả, có đứa sẽ níu áo, sờ vai, bá cổ Chúa…nên các môn đệ mới la rầy và ngăn cản. Thế nhưng, Chúa Giêsu bênh vực chúng: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Ôi! Vậy nếu không trở nên giống trẻ nhỏ, chúng ta không thể sở hữu Nước Trời rồi!
Trở nên giống trẻ nhỏ, chắc chắn Chúa không muốn chúng ta trở về trạng thái ấu trĩ ngờ nghệch thiếu trưởng thành, nhưng là sống lại tâm tình mà chúng ta từng có đối với cha mẹ khi còn trên đầu gối các ngài. Bởi lẽ ai trong chúng ta cũng từng là trẻ nhỏ. Khi ấy, ta hoàn toàn tin tưởng mọi điều cha mẹ nói, ta biết mình giới hạn và luôn tin rằng cha mẹ làm được tất cả. Cũng thế, trẻ em đơn sơ, vui vẻ, năng động, dễ sai lỗi nhưng cũng mau mắn nhận lỗi, mau quên và dễ tha thứ, dễ làm hòa. Trẻ nhỏ biết mình chưa lập được công trạng nào, nhưng luôn xin tất cả nơi cha mẹ, chỉ vì tin rằng cha mẹ yêu thương và sẽ cho nó tất cả những gì cần và tốt cho nó.
Chúa Giêsu muốn chúng ta sống với Chúa trong tâm tình như thế: hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ”[2], trở nên “dễ dạy” đối với thánh ý Chúa. Thiên Chúa yêu thương và sẵn sàng ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, không phải vì ta có nhiều bằng ân nhân, cũng chẳng vì ta làm công kia chức nọ trong giáo xứ. Do đó, chúng ta không thể kể công trước mặt Chúa, cũng đừng ngần ngại vì ta hèn kém, tội lỗi…cứ đơn sơ đến với Chúa, Người rất dễ chạnh lòng thương chúng ta.
Thánh nữ Louise de Marillac mà chúng ta đang tưởng nhớ ngày sinh nhật lần thứ 430 của ngài,[3] cũng đã sống tâm tình đơn sơ vâng phục đối với cha linh hướng mà Chúa gửi đến, cho dù ban đầu ngài không thích. Chính nhờ vâng theo sự dẫn dắt đó của Cha thánh Vinh Sơn Phaolô, ngài đã trở nên một vị thánh tông đồ bác ái.
Mẹ Maria đã sống đơn sơ, khiêm nhường và vâng phục đối với thánh ý Chúa. Mẹ nhận biết “Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu”.[4] Cũng như Chúa Giêsu, Mẹ luôn yêu thích gần gũi những người đơn sơ, bé mọn: chị Êlizabeth già nua bị mọi người coi thường vì hiếm muộn, Mẹ gần gũi các mục đồng đơn sơ chất phác, những gia nhân phục vụ trong tiệc cưới Cana…
Trong những lần hiện ra, Mẹ cũng chọn những người mà ít ai nghĩ đến. Như chị Catherine Labouré đã nói: “Không phải vì tôi mà Đức Trinh Nữ chọn tôi…nhưng chính là để người ta không thể ngờ vực Đức Mẹ.”[5]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi ý thức những giới hạn của bản thân, và khiêm tốn nhìn nhận những ơn Chúa đã ban cho tôi, để cám ơn Chúa và đem ra phục vụ mọi người.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường, đơn sơ trước mặt Chúa và đối với tất cả mọi người, để con nhìn ra hình ảnh sống động của Chúa nơi mọi người xung quanh. Ước gì các trẻ em được chăm sóc và giáo dục tốt cả về thể xác, tinh thần và tâm linh. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/925930821603433)
[1] X. http://fmmvn.net/tin-tuc/p6/c30/n3515/cau-be-ca-gan-ngoi-vao-ghe-giao-hoang.html
[2] Tv 131,2
[3] X. https://gdanhducmebanon.org/2021/08/05/gia-dinh-vinh-son-mung-430-nam-sinh-nhat-thanh-nu-louise-de-marillac-1591-12-8-2021p3/
[4] Kinh Magnificat.
[5] CLM2 101