NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?
Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…
Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]”. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…
Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó.
∞∞∞
Ngày thứ bảy
[1]LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ BIÊN
CỦA THIÊN CHÚA
Con thờ lạy Chúa, ôi lạy Chúa nhân lành,
và nhìn nhận rằng chính nhờ Chúa mà con được tồn tại.
Vì tình yêu Chúa dành cho con, con hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa tùy ý sử dụng con. Mặc dù hoàn toàn bất lực và suy đồi do tội lỗi của con, con xin phó thác vào lòng Chúa thương xót và con xin Chúa, vì tình yêu Chúa đối với các thọ tạo của Chúa, ban Chúa thánh Thần giúp đỡ con thực hiện thánh ý Chúa (LM 689).
Trong lúc đọc và suy gẫm Phúc Âm, Louise de Marillac chiêm ngưỡng cái nhìn của Đức Kitô, đầy tình âu yếm và lòng trắc ẩn, đối với tất cả mọi người Chúa gặp: người đàn bà goá đưa con trai mình đi an táng, người phụ nữ xứ Canaan, người phụ nữ xứ Samari.
Chúa Giêsu tỏ hiện một tình yêu lớn hơn để người tội lỗi hoán cải. Trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ xứ Samari, nơi chốn, các lời nói chứng tỏ tình yêu ấy (LM 698).
“Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu sờ vào mắt họ”
Câu nói “Ta thương xót đám đông này” của Chúa Giêsu, trước những người nam và người nữ đã đi theo Người ba ngày nay và không còn gì để ăn, vang lên nơi Louise. Ngài cũng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu khi nghe hai người mù kêu lớn van xin Chúa. “Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu sờ vào mắt họ” (Mt 20, 32-34). Tất cả các truyện kể trong Phúc Âm đều làm cho Louise thấy một thái độ rất quan tâm đến con người, để ý tới khuyết tật của họ, sự thất vọng của họ. Ngài khám phá và hiểu lòng thương xót của Chúa, thứ tình yêu đến với người khác tận nơi sâu thẳm nhất của con người ấy, vì tin tưởng nơi người ấy nhiều hơn tất cả những gì chính người ấy có thể hy vọng.
Louise, rất thường xuyên tự cho mình là nghèo hèn và khốn khổ, van xin Chúa dủ lòng thương xót ngài:
Chúa muốn, ôi lạy Chúa! dạy con biết cách nhận được sự giúp đỡ của Chúa cho các nhu cầu của con. Con phải nhìn nhận sự thật của tính hư vô và tất cả các nỗi khốn khổ của con để lôi cuốn sự lớn lao của lòng Chúa thương xót (LM 771).
Dần dần, cả một cuộc biến chuyển xảy ra nơi ngài. Ngài hiểu Chúa tha thiết mời gọi ngài chấp nhận chính mình với các giới hạn và phẩm chất của mình như thế nào. Việc khám phá lòng Chúa thương xót đi đôi với việc thú nhận tội lỗi của mình. Việc nhìn vào tội lỗi của mình không làm cho ngài bối rối nữa, vì ngài đón nhận lòng nhân từ bao la của Chúa không ngừng tha thứ và kêu gọi đến với tình yêu.
Ôi lạy Chúa! Con thật có lý do để thú nhận và nhìn nhận rằng con không làm điều gì đáng giá! Tâm hồn con không vì thế mà cay đắng, mặc dù có lý do để sợ lòng thương xót của Chúa không còn muốn thể hiện trên một vấn đề luôn làm mất lòng Chúa (LM 126).
Khi tiếp nhận sự tin tưởng lạ lùng này mà Chúa ban cho ngài, ngài có thể công bố: “Chúc tụng Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; trong sự thương xót cao cả của Chúa, Chúa đã làm cho tôi tái sinh”(1 P 1,3). Một cách khiêm nhường, ngài cầu xin: “Lạy Chúa, con phó thác vào lòng thương xót vô biên của Chúa và con ước ao dứt khoát phục vụ và yêu mến Chúa một cách trung thành hơn (LM 692).
Vì Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn được gặp Chúa và hiểu được lòng thương xót vô biên của Chúa, nên Louise de Marillac cố gắng hướng dẫn các Nữ tử Bác ái cũng khám phá được điều ấy. Khi có ai ý thức mình là tội nhân, thì lúc ấy sẽ hiện ra cho người ấy khuôn mặt nhân từ của Chúa. Thường thường chính khi có dịp phạm tội và được tha thứ mà người Kitô hữu nhận thấy mầu nhiệm tình yêu tha thiết của Thiên Chúa.
Trong khi cảm thông với nỗi đau khổ nội tâm của một Chị, Louise de Marillac vẫn xin Chị ấy đừng bằng lòng với tình trạng này:
Tôi xin Chị, Chị hãy cố gắng tách ra khỏi các đau khổ ấy, hơn là sống với chúng. Kẻ tử thù của chúng ta là ma quỷ rất thường xuyên dùng các dịp này để bày ra cho chúng ta các tư tưởng không hay, và mục đích chính của nó là làm cho chúng ta ngã lòng, mà chúng ta không nhận thấy, không phục vụ Chúa nữa (LM 74).
Chị Madeleine, Chị phụ trách cộng đoàn bệnh viện Angers, đã không chịu đựng được sự mâu thuẫn mà không phản ứng dữ dội. Cách xử sự của Chị ấy đã gây nên một sự khó chịu giữa cộng đoàn Chị. Cảm xúc tội lỗi xâm chiếm tâm hồn Chị không cho phép Chị tìm lại được sự bình an. Louise khuyên Chị hãy dám nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình:
Phải chăng chúng ta nghĩ rằng không có ai được nói trái ngược với chúng ta? Phải chăng chúng ta nghĩ rằng tất cả mọi người đều phải chịu thua chúng ta, và người ta buộc phải nhìn nhận tất cả những gì chúng ta nói và làm đều tốt? (LM 127).
Nếu chúng ta nên nhìn nhận các sai lầm của mình, thì chúng ta không được phóng đại chúng, thổi phồng các hậu quả đáng tiếc của chúng. Louise mời gọi Chị ấy nhất là đừng để cho nỗi cay đắng xâm chiếm tâm trí Chị: “Tôi không tin Chị hết sức đau khổ như Chị đã trình bày với tôi. Chị đừng nhìn lỗi lầm ấy một cách cay đắng” (LM 127).
Dựa vào kinh nghiệm riêng, Louise dạy các Chị đón nhận lòng nhân từ của Chúa làm ta tin tưởng không mệt mỏi. “Tôi hy vọng nhờ lòng nhân từ của Chúa tất cả các vụ tranh chấp nhỏ đã xảy ra sẽ giúp các Chị hoàn thiện” (LM 193).
Chúa Giêsu đã chia sẻ nỗi khốn khổ của con người. Nữ tử Bác ái cam kết đi theo Người. “Theo gương Đức Giêsu Kitô, các Chị hãy hết sức cảm thông với các bệnh nhân đáng thương rất đau khổ mà không có ai giúp đỡ” (LM 800). Lòng thương xót của Chúa không có giới hạn.
Người Samari, sau khi thấy người bị thương,
liền săn sóc, đưa người ấy lên lưng lừa của mình, dẫn tới nhà trọ.
Để hành động bác ái trở thành sự biểu hiện của tình trìu mến nhân từ ấy, cần phải chứng kiến tận mắt, cảm nhận tận đáy lòng nỗi đau khổ của người kia. Lòng trắc ẩn không thể thụ động, nó đưa ra những sáng kiến để hành động. Đoạn Phúc Âm về người Samari tốt lành là một thí dụ rất rõ. Người Samari, sau khi thấy người bị thương, liền săn sóc, đưa người ấy lên lưng lừa của mình, dẫn tới nhà trọ. Hành động cụ thể mà lòng trắc ẩn ấy gợi lên biểu lộ sự quan tâm đối với người kia.
Chúng ta hãy luôn luôn đặt trước mặt khuôn mẫu của chúng ta là đời sống gương mẫu của Đức Giêsu Kitô mà chúng ta được kêu gọi noi theo, chẳng những với tính cách kitô hữu, mà còn để được Chúa chọn phục vụ Chúa nơi bản thân người nghèo.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau với Chúa nhân lành. Xin lòng thương xót của Chúa chúc phúc đổ tràn trên chúng ta ân sủng và ánh sáng của Chúa để chúng ta có thể tôn vinh Chúa mãi mãi đến muôn đời (LM 260).