fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P9)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ tám

[1]TRỞ NÊN NGHÈO
GIỮA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO NHẤT

Nhân danh Chúa, các Chị rất thân mến, các Chị đừng buồn phiền vì nỗi đau khổ của mình, hoặc vì chỉ thấy Chúa an ủi mình. Kìa, các Chị thấy biết bao nỗi khốn khổ mà các Chị không cứu giúp được. Chúa cũng thấy chúng … Các Chị hãy cùng với họ vác những nỗi khốn khổ của họ, hãy làm hết sức mình để giúp họ một phần nào, rồi Các Chị hãy bình an. Có lẽ các Chị cũng có phần nào thiếu thốn; Đó chính là sự an ủi của các Chị, vì nếu Các Chị sung túc, các Chị sẽ buồn phiền khi sử dụng sự sung túc ấy trong lúc các Chúa và Chủ của chúng ta đang hết sức đau khổ (LM 394).

Việc phục vụ người nghèo của Louise de Marillac và Nữ tử Bác ái là cách thể hiện sự lựa chọn đời sống của mình, quyết định đi theo Đức Kitô và biểu hiện lòng thương xót sâu xa của Chúa đối với tất cả những ai đang đau khổ. Nó đòi hỏi phải hợp nhất tình yêu Chúa với việc làm bên cạnh người nghèo :”Chúng ta phục vụ Chúa nơi bản thân người nghèo” (LM 313).

Trong đoạn Phúc Âm về cuộc Phán Xét chung (Mt 25,31-45), Chúa Giêsu nói rõ rằng người nghèo chính là Chúa; Người tự nhận biết chính mình giữa mối quan hệ của Người với người nghèo, người bị áp bức. Trong lúc cầu nguyện, Louise dừng lại, một cách ngạc nhiên và kính phục, ở nhân tính thánh thiện của Chúa Giêsu.

Trong nguyện gẫm tôi chiêm ngưỡng lâu dài nhân tính thánh thiện của Chúa chúng ta, với ước muốn làm vẻ vang và noi theo nhân tính ấy trong mức độ có thể nơi bản thân người nghèo và mọi người khác (LM 809).

Louise kinh ngạc về đức khiêm nhường của Chúa Giêsu, Người đồng hoá với người nghèo nhất. Người chấp nhận hiện diện ở thế gian, được người ta quan tâm và cảm thông, vì nhìn nhận những gì làm cho kẻ nhỏ nhất đó là làm cho chính mình.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đức bác ái, để thay thế cho sự bất lực của chúng ta không giúp được gì cho bản thân Chúa, điều này chạm đến trái tim tôi một cách hết sức đặc biệt và rất mật thiết (LM 809).

Khi mối quan hệ với người nghèo biến chất, Louise de Marillac mời gọi các Chị tự hỏi về các động lực của mình:

Đâu rồi, sự hiền từ và đức bác ái mà các Chị phải giữ gìn một cách hết sức yêu quý để đối xử với các Vị Chủ yêu dấu của chúng ta, là các bệnh nhân nghèo đáng thương? Nếu chúng ta lìa xa, dù chỉ là một lát, ý nghĩ họ là chi thể của Đức Kitô, thì chắc chắn đó sẽ là, đối với chúng ta, một nguyên nhân giảm bớt nơi chúng ta các nhân đức tốt đẹp ấy (LM 112).

Trong khi vẫn nhấn mạnh đến điều chắc chắn trong Phúc Âm, “Đó là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, Louise de Marillac nghi ngờ một xu hướng có nguy cơ xuất hiện: đó là sự nguy hiểm của một thuyết duy tinh thần, một tình yêu quá tâm tình của Chúa, không có quan hệ, không có hiệu quả, trong đời sống cụ thể. Tình yêu Chúa không thể giới hạn vào một kinh nghiệm thuần túy tinh thần, dù cho mãnh liệt như thế nào đi nữa. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa nhập thể. Mặc dù đau khổ, bạo lực, sợ hãi, nổi loạn, hoài nghi, người nghèo phải có thể chắc chắn mình được nhìn nhận, được quan tâm như là con người.

Nhân danh Chúa, Chị thân mến, hãy thường xuyên nghĩ rằng thật không đầy đủ nếu chúng ta chỉ có các ý định tốt, ý chí hoàn toàn hướng tới điều thiện, và làm điều thiện đơn thuần vì tình yêu Chúa. Vì khi chúng ta đã đón nhận giới răn yêu mến Chúa hết tâm hồn, thì chúng ta cũng nhận giới răn yêu mến tha nhân. Vì thế, cần phải có bề ngoài để cảm hóa họ (LM 433).

Cái nhìn đức tin định hướng hoạt động truyền giáo, không thể làm cho quên thực tại cụ thể của người nghèo.

Mọi việc phục vụ đều có những đòi hỏi, gặp phải nhiều khó khăn. Sự không có khả năng đem đến nguồn trợ lực thực tế cho những người đau khổ trở thành một nỗi day dứt thật sự. Sự chán nản rình rập các Chị trong cuộc nội chiến La Fronde, nỗi khốn khổ tột cùng, cảnh người tỵ nạn tìm kiếm sự cứu giúp một cách vô ích. Louise đề nghị chia sẻ thật sự nỗi đau khổ của người nghèo:

Khi biết được tất cả các nỗi buồn phiền và mất mát đã xảy ra tại Angers, tôi vô cùng xúc động, vì nỗi đau khổ mà người nghèo sẽ phải chịu: tôi van xin Chúa nhân lành an ủi họ và ban cho họ sự cứu giúp mà họ đang cần. Nhưng, các Chị rất thân mến, các Chị đã rất đau khổ; các Chị có suy nghĩ kỹ rằng thật chính đáng khi các nữ tỳ người nghèo phải đau khổ với các vị Chủ của mình không? (LM 388).

Các Chị được mời gọi chấp nhận sự bất lực, không thể hành động, đang làm cho các Chị day dứt, các Chị hãy khiêm tốn chia sẻ tận đáy lòng nỗi thất vọng của người nghèo.

Cho dù việc phục vụ như thế nào đi nữa, nó phải cho phép người nghèo, người bị loại bỏ, được nói, được người ta lắng nghe, được người ta chia sẻ những nỗi kinh hoàng, sợ hãi, những sự tìm kiếm của họ. Người nghèo, chủ yếu đó là người mà người ta không lắng nghe. Người nghèo sẽ chỉ tìm lại được nhân phẩm của mình, sự cân bằng thể xác và tâm lý của mình, trong một tương quan hữu ngã đích thực.

Thực hiện một việc phục vụ mới mẻ đòi hỏi phải có thời gian khám phá và hiểu được những gì người nghèo coi như là cốt yếu để cải thiện đời sống của mình. Người nào, nam hay nữ, đón tiếp người nghèo thì không được áp đặt những gì đã luôn luôn được làm trước đây. Lề thói là xấu, vì nó không phải là dấu hiệu của một sự quan tâm đích thực đến người đang chờ đợi một cử chỉ đặc biệt.


Về cách cư xử của các Chị đối với bệnh nhân, ước gì nó được thực hiện không phải một cách tắc trách, mà là một cách rất trìu mến, hãy hỏi thăm cách riêng về các nhu cầu của họ (LM 766).

Với một Chị vội vã hành động, Louise khuyên nên bắt đầu bằng cách “biết rõ các nhu cầu” (LM 614) trong thành phố mà Chị ấy mới đến. Ngài đề nghị nhìn xem thái độ của Chúa Giêsu. Người lắng nghe trước khi hành động. Với người mù ngồi bên vệ đường thành Giêricô kêu lớn tiếng van xin Chúa, Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Lc 18, 41). Người nghe lời van xin của ông Gia-ia: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu” (Mc 5, 23). “Không có người đem tôi xuống hồ” người bất toại nhận thấy (Ga 5, 7). Việc lắng nghe là bắt buộc, nó khiến chúng ta đặt mình trong sự thật, nó buộc phải chấp nhận các giới hạn của mình và của người khác.


Ngay từ khi thành lập Tu Hội Nữ tử Bác ái, Louise lập ra mỗi ngày có những giờ học để các nữ tỳ người nghèo có thể học đọc, đào sâu thêm đức tin của mình, học tập các việc săn sóc cần thiết cho bệnh nhân:

Để đáp ứng nhu cầu, cần phải có khả năng chuyên môn. Sự huấn luyện có tính cách đòi hỏi, nhưng nó thiết yếu. Đây là một dấu kính trọng đối với những ai đang được săn sóc, giáo dục, v..v… Tấm gương của Chúa Giêsu “đã tiêu hao sức lực và mạng sống của mình để phục vụ tha nhân” (LM 539) là một sự nâng đỡ cho các Chị nào có những khó khăn trong sự luyện tập này. Ngay từ khi thành lập Tu Hội Nữ tử Bác ái, Louise lập ra mỗi ngày có những giờ học để các nữ tỳ người nghèo có thể học đọc, đào sâu thêm đức tin của mình, học tập các việc săn sóc cần thiết cho bệnh nhân:

Khi tất cả trở về nhà, các Chị liền bắt tay vào việc, đọc để học, và sau đó các Chị lặp lại cho nhau các điểm chính của đức tin dưới hình thức những quyển tập giáo lý nhỏ, và đọc một chút Phúc Âm để tự cổ vũ thực hành các nhân đức và phục vụ tha nhân, theo gương Con Thiên Chúa (LM 722).

Việc huấn luyện nhân bản và nghiệp vụ và huấn luyện thiêng liêng không thể tách rời nhau.

Để đáp ứng nhiều nhu cầu đã được nhận biết, Nữ tử Bác ái dấn thân trong những việc phục vụ rất khác nhau: bệnh nhân, dân cư bị chiến tranh tàn phá, tù khổ sai, trẻ em bị bỏ rơi. Như Cha Vinh Sơn Phaolô, Louise de Marillac nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của việc không được đi đến những chỗ đã có người khác đáp ứng nhu cầu rồi. “Nữ tử Bác ái chỉ dành cho các bệnh nhân bị bỏ rơi, không có ai giúp đỡ họ” (Doc 817). Bằng cách cho phép những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội, những kẻ bị loại bỏ ra khỏi xã hội, được thoát cảnh đơn độc, vượt qua được nỗi thất vọng, ngài giúp họ tìm lại được một cuộc sống xứng đáng.

Ý thức về các đòi hỏi của mọi cuộc dấn thân phục vụ người nghèo, Louise cầu nguyện, khiêm tốn van xin Đức Giêsu Kitô:

Lạy Chúa, xin cho nhân tính rất thánh của Chúa trở thành tấm gương duy nhất cho đời sống chúng con (LM 706).


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngy với thnh nữ Louise de Marillac, trang 81-90

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *