NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?
Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…
Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]”. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…
Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó.
∞∞∞
Ngày thứ mười một
[1]THÁNH THIỆN
TRONG SỰ ĐƠN SƠ
Tôi đã nhiều lần ngợi khen Chúa về ân sủng Thiên Chúa đã ban cho các Chị, đồng thời xin Chúa ban cho các Chị ơn quên mình và khổ chế sự ước muốn tự mãn ẩn giấu nơi các Chị dưới vẻ xinh đẹp bề ngoài tìm kiếm một sự hoàn thiện cao cả. Chúng ta rất sai lầm, nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm được điều ấy, và hơn thế nữa, nếu chúng ta nghĩ có thể đạt được sự hoàn thiện ấy bằng sức riêng và bằng cái nhìn liên tục hay chính xác nhận ra tất cả các chuyển động và khuynh hướng của linh hồn chúng ta. Mỗi năm một lần, chúng ta nên chăm chú tìm kiếm chính xác điều ấy, bằng cách ngờ vực chính bản thân mình và thừa nhận sự kém cỏi của mình, nhưng chúng ta lại liên tục làm cho tâm trí chúng ta đau khổ vì phải tự xem xét mình tỉ mỉ và duyệt xét tất cả các ý tưởng của mình, đây là một việc làm vô ích nếu không nói là nguy hiểm. Tôi nói với các Chị những gì trước đây tôi đã được nghe nói.
Chị thân mến, tôi xin Chị hãy giúp tôi bằng lời cầu nguyện của các Chị, cũng như tôi giúp các Chị bằng lời cầu nguyện của tôi, để chúng ta có thể được Chúa ban ơn bước đi trong đường lối tình yêu thánh của Người, chỉ như vậy thôi, thật sự như vậy, chứ không làm gì quá phức tạp, sợ rằng chúng ta giống như những người, càng tìm kiếm điều không tưởng thì càng trở nên nghèo nàn hơn, thay vì giàu thêm (LM 518-519).
“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,48), Chúa Giêsu nói với đám đông bao quanh Người. Phải hiểu lời kêu gọi hoàn thiện này như thế nào? Các nhà linh đạo thế kỷ XVII đã tìm cách trả lời câu hỏi này, họ đã đọc những quyển sách về chủ đề này, như cuốn Con Đường trọn lành của thánh Têrêxa Avila, Luật trọn lành của Benoit de Canfield. Tiếp theo họ, Louise de Marillac tự hỏi. Phỏng theo một đoạn trong cuốn Dẫn nhập vào đời sống sùng mộ của thánh Phanxicô Salêsiô, ngài ước ao, “với tư cách kitô hữu và người công giáo, trở thành một phụ nữ sùng đạo” (LM 688).
Trong những năm đầu đời sống quả phụ, ngài hoàn chỉnh một luật sống rất nghiêm khắc, bao gồm một danh sách các kinh, các bài suy gẫm, các ngày ăn chay. Với sự giúp đỡ của Cha Vinh Sơn Phaolô, ngài sẽ hiểu rằng đó không phải là sự trọn lành!
Trong các cuộc tĩnh tâm, ngài chiêm niệm “sự hoàn thiện vô biên của Chúa” (LM 698). Ngài không sợ cầu xin Chúa: “Con rất tin tưởng và chắc chắn về lòng nhân từ của Chúa, Chúa sẽ ban cho con tình yêu thánh của Chúa, nhưng con phải làm việc và con lắng nghe Chúa” (LM 698). Ngài biết rằng Chúa Giêsu chỉ cho thấy con đường trọn lành. Thánh Phêrô xác nhận điều này trong Thư thứ nhất của ngài: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1, 15)
Louise de Marillac cố gắng giúp các Nữ tử Bác ái tiến tới trên con đường trọn lành này. Như mọi kitô hữu, Các Chị được mời gọi làm sao cho tình yêu Chúa và tha nhân được lớn lên nơi chính mình. “Các Chị được Chúa kêu gọi dùng tất cả các tư tưởng, lời nói và hành động của mình để tôn vinh Chúa; và vì thế, không làm điều gì chống lại các giới răn của Chúa, và để các Chị tự hoàn thiện bằng cách thực hành các lời khuyên của Chúa” (LM 633).
Nhưng con đường phải đi đầy dẫy các trở ngại. Nhiều Chị đau buồn vì tiến tới chậm chạp. Các Chị ngã lòng. Louise xác định rõ với các Chị rằng sự hoàn thiện không phải là “một sự tìm hiểu buồn bã tất cả những gì diễn ra trong tâm trí chúng ta, sự tìm hiểu này thường kết thúc bằng cách đưa tới nhân đức tưởng tượng, làm cho bực bội, và cuối cùng dẫn tới sự nhàm chán nhân đức vững chắc. Sự hoàn thiện không phải như vậy, mà là tình yêu thương vững bền” (LM 597).
Các hành động hết sức đơn sơ của đời sống hằng ngày không làm đổi hướng khỏi sự tiến tới thiêng liêng, chúng thường là nơi Chúa tỏ hiện:
Tất cả các hành động của đời sống các Chị, ngay cả các hành động có vẻ phải làm cho các Chị xa cách sự kết hợp mật thiết với Chúa mà các Chị hết sức hăng say đạt tới, đều có thể giúp cho các Chị hoàn thiện hoá chính mình theo các ý định của Chúa. Sự kết hợp này thường được thực hiện nơi chúng ta và không có chúng ta, bằng một cách mà chỉ có Chúa biết, chứ không phải theo cách mà chúng ta có thể tưởng tượng (LM 512).
Tính cầu toàn là nguy hiểm: nó được nhận ra, thường xuyên nhất, khi tâm trí căng thẳng liên tục vì cứ ước ao làm mọi sự một cách hoàn hảo. Sự ước muốn này là lừa đảo, vì nó xuất phát từ một việc tìm kiếm thỏa mãn cá nhân, ước ao được nhìn nhận đã tiến tới sự thánh thiện! Louise cố gắng giải thích cho một Chị biết rằng Chị ấy hiểu sai.
Chúng ta sai lầm nhiều… nếu chúng ta nghĩ đạt được sự hoàn thiện ấy bằng sức riêng và với cái nhìn liên tục hay chính xác nhận ra tất cả các chuyển động và tình trạng của linh hồn chúng ta (LM 518).
Những Chị khác, để tự khẳng định mình đi đúng đường trọn lành, bằng mọi thứ khổ chế: ăn chay, đọc kinh dài dòng, đền tội đủ cách… Louise, trước đây đã từng biết xu hướng này, lưu ý Chị Laurence trẻ đừng nghe theo ảo tưởng:
Đôi khi chúng ta thấy muốn làm những việc đền tội to lớn, những việc đạo đức lạ thường mà không thấy rằng kẻ thù của mình vui thú khi thấy tâm trí chúng ta mất thời giờ với những điều ước ao vô ích, vì chúng bỏ qua các nhân đức thông thường có dịp hiện ra hằng giờ (LM 480).
Một cách kiên nhẫn, Louise de Marillac dẫn các Chị trên một đường lối đơn sơ, dạy cho biết, như đích thân ngài cố gắng làm, đánh bật những gì nơi mình chống lại sự hoàn hảo của đức bác ái.
Vì thế, tất cả chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm thoát ra khỏi các phán đoán và ý riêng, sự lười biếng, sự thô bạo và nhất là tính kiêu ngạo của mình thường là nguồn gốc của mọi sự bất toàn của chúng ta (LM 127).
Chúng ta không đo lường sự thánh thiện được. Nó thể hiện cường độ của đức bác ái, nó biểu hiện một cách đặc biệt trong đức bác ái đối với tha nhân. “Hãy hiền từ, kiên nhẫn và khắc phục mọi mâu thuẫn mà các Chị gặp phải. Hãy có một tâm hồn cao thượng, không thấy gì là khó khăn vì tình yêu rất thánh của Chúa” (LM 137). Thánh Phaolô nhấn mạnh với các tín hữu Côlôxê: “Đức ái là mối dây của sự hoàn thiện” (Cl 3, 14).
Louise khuyến khích các Chị sống đức bác ái này trong mọi nơi mọi lúc, mặc dù có nhiều trở ngại khác nhau có thể xuất hiện.
Vì thế, các Chị hãy đổi mới, các Chị thân mến, trong những lúc sốt sắng đầu tiên của các Chị, và hãy bắt đầu bằng cách thật sự ước ao làm đẹp lòng Chúa, nhớ lại rằng Chúa đã dẫn dắt các Chị bằng sự Quan phòng của Chúa đến nơi mà các Chị đang ở, và kết hợp các Chị với nhau để các Chị giúp đỡ lẫn nhau mà hoàn thiện mình (LM 113).
Công đồng Vatican II sẽ xác nhận “rằng lời kêu gọi tiến tới sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của đức ái nhắm tới tất cả những ai tin vào Đức Kitô, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào… sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn trong các điều kiện sống” (LG số 40).
Một cách hết sức tin tưởng, Louise dám xin Chúa cho chính mình và cho tất cả các Chị tìm kiếm đi theo Chúa Giêsu, được mặc lấy các nhân đức thần linh.
Để chứng tỏ tình yêu Chúa dành cho chúng con, Chúa đã dùng Con Chúa để dạy chúng con phải trở nên hoàn thiện như chính Chúa là Đấng hoàn thiện… Con hy vọng, với lòng nhân từ của Chúa, Chúa sẽ làm cho chúng con thông phần vào các nhân đức chủ yếu ở nơi Chúa (LM 712).
[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngày với thánh nữ Louise de Marillac, trang 109-117