fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P10)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ mười

[1]CÙNG NHAU SỐNG SỨ MẠNG

Các Chị hãy nhớ rằng Nữ tử Bác ái đích thực, để làm tốt những gì Thiên Chúa yêu cầu, phải trở nên một. Và vì bản chất hư hỏng đã lấy mất sự hoàn hảo ấy của chúng ta, do tội lỗi, tách chúng ta ra khỏi sự hiệp nhất của chúng ta là Thiên Chúa, nên chúng ta, do tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, phải chỉ là một tâm hồn và hành động chỉ trong một tinh thần như Ba Ngôi Thiên Chúa.
Vì thế, khi Chị săn sóc bệnh nhân cần đến sự giúp đỡ của Chị bạn đang dạy học trẻ em, thì Chị nầy chắc chắn sẽ giúp Chị ấy, và cũng vậy, khi Chị săn sóc trẻ em xin sự giúp đỡ của Chị đang lo cho người nghèo, thì Chị này củng sẽ làm như thế, coi việc này hay việc kia cũng chỉ là việc của Thiên Chúa. Cả hai Chị sẽ cùng nhau coi như mình được Chúa Quan phòng chọn để cùng nhau nhất trí hành động (LM 764).


Để đem Tin Mừng cho thế gian, Chúa Giêsu đã không chỉ cần đến một người duy nhất, nhưng Người chọn một nhóm nhỏ các tông đồ. Cuộc vận động của thánh Phaolô đến gặp thánh Phêrô và các anh em ở Giêrusalem, cho thấy thánh nhân hiểu tầm quan trọng của Hội Thánh, sự nâng đỡ lẫn nhau, sự phân định chung.


Khi Vinh Sơn Phaolô xúc tiến phục vụ người nghèo tại nhà, ngài làm việc ấy với một nhóm phụ nữ. Cùng nhau, họ nhận trách nhiệm về sứ mạng mới này. Họ bảo đảm làm việc này thường xuyên bằng cách phân công cho nhau.

Việc làm theo nhóm như vậy là một sự an toàn cho những người được viếng thăm, vì họ chắc chắn được cứu giúp mỗi ngày. Sự lan rộng các Phụng hội ra nhiều thành phố và làng mạc khiến cho các Bà Bác ái lên đường với số lượng đáng kể, họ sẽ nhanh chóng được các Nữ tử Bác ái giúp đỡ. Các Linh mục Tu hội Truyền giáo, các nhà quản trị, các y sĩ, cũng sẽ gia nhập phong trào này để cứu giúp người túng thiếu.

Không ai lấy sứ mạng này làm của riêng mình, Louise de Marillac giải thích với các Nữ tử Bác ái như thế. Việc phục vụ được giao không phải là việc làm của một người duy nhất. Trong dự phóng đời sống ngài viết cho hai Chị được sai đến một bệnh viện, một Chị săn sóc bệnh nhân, còn Chị kia thì đặc biệt lo cho trẻ em bị bỏ rơi nhặt ngoài đường phố, Louise tỏ ra rất nghiêm khắc. “Phải coi chừng đừng làm (một mình) các công việc mà Chúa cho chúng ta vinh dự được Chúa tuyển dụng để thực hiện” (LM 764). Sứ mạng chung này bên cạnh người nghèo đòi hỏi phải biết nghiên cứu chung các tiếng kêu được nghe thấy và các nhu cầu được nhận biết, thẩm tra tính thích đáng của các hoạt động đã được xúc tiến.

Việc làm theo nhóm hay cộng đoàn đòi hỏi nhiều đức tính nơi mỗi thành viên. Các Tông đồ do Chúa Giêsu chọn đã nhanh chóng trải nghiệm điều này: vấn đề ngôi thứ, uy quyền, tính tình khó khăn, không thông cảm thái độ của vài người. Louise de Marillac sẽ phải can thiệp để điều hoà hoạt động của nhóm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tương quan giữa nhiều người khác nhau. Nếu việc sống chung sứ mạng yêu cầu phải chia sẻ các thực tại đời sống, thì Louise de Marillac giải thích rằng nó cũng đòi hỏi một cuộc chuyển động nội tâm bằng cách trút bỏ, phân tán chính mình.

Từ việc suy nghĩ chung thường xuyên xuất hiện những sự đánh giá khác nhau về các trường hợp cụ thể. Làm sao tránh được sự đối đầu, làm sao dám nói mà không gây ra ngay một sự chống đối nào? Cách làm việc, quan hệ với bệnh nhân, có thể sinh ra sự không hiểu biết và xung khắc. Sự kiện vài bệnh nhân, vài trẻ em thích người này hay người kia, nói lên điều ấy. Những phản ứng khó chịu, thậm chí ganh tỵ, có thể xảy ra trong nhóm.


“Do tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi,
Chúng ta phải chỉ là một tâm hồn và hành động chỉ trong cùng một tinh thần
giống như Ba Ngôi Thiên Chúa” (LM 764).

Louise de Marillac không ngần ngại đề nghị các Chị hãy chiêm ngưỡng đời sống của Ba Ngôi giữa Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ngài cổ vũ các Chị sống trong một sự hiệp thông sâu sắc, dấn thân vào đó từng cá nhân với một sự lựa chọn tự do và ý thức: “do tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúng ta phải chỉ là một tâm hồn và hành động chỉ trong cùng một tinh thần giống như Ba Ngôi Thiên Chúa” (LM 764). Chỉ là một tâm hồn, đó là hợp nhất bằng một tình cảm sâu sắc, một tình bạn chân thật. Chỉ là một tinh thần, đó là hợp nhất bằng cùng một thần khí, cùng một tính năng động. Đó chính là nhìn nhận rằng nếu Thiên Chúa kêu gọi mỗi người một cách riêng biệt, thì Chúa chỉ nhắm cùng một ơn gọi, cùng một sứ mạng: làm nữ tỳ của Chúa, phục vụ Chúa trong người nghèo.

Để giữ gìn sự hiệp nhất này, Louise thường nói đến “sự nâng đỡ”(“support”). Ngài biết rằng mọi công trình xây dựng đều cần có nền móng vững chắc. Từ hiện tại “ủng hộ viên”(“supporter”) (của một đội bóng đá, chẳng hạn) giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa từ “sự nâng đỡ”(“support”) dùng trong thế kỷ XVII. Ủng hộ viên, đó là những người khuyến khích kẻ khác, nâng đỡ họ trong một cơn thử thách khó khăn.

Các Chị hãy hết sức đoàn kết với nhau, điều này sẽ giúp cho các Chị nâng đỡ lẫn nhau rất nhiều … khi các Chị thấy nơi người này hay người kia vài khuyết điểm, các Chị sẽ thông cảm thứ lỗi cho người ấy (LM 113).

Đối với Louise de Marillac, nâng đỡ là nền tảng của sự đoàn kết cộng đoàn.
Louise de Marillac cũng nhấn mạnh đến khía cạnh kia của mầu nhiệm: sự khác biệt giữa các ngôi vị. “Hãy làm vẻ vang sự hiệp nhất của Thiên Chúa trong sự khác nhau giữa các ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi” (LM 288). Trong một cặp vợ chồng, dù cho hợp nhất như thế nào đi nữa, cả hai đều học biết tôn trọng nhau trong tính cá biệt của họ. Các thành viên trong cùng một nhóm, tập họp lại để làm một công việc chung, đều phải nhìn nhận cá tính của nhau và tôn trọng nó.

Ở bệnh viện Angers, các Bà Bác Ái đến thăm các bệnh nhân. Trong cuộc thăm viếng này, các bà phân phát cho họ một bữa ăn xế nhỏ; cùng đi với mình, có một Chị biết rõ các bệnh nhân. Các Chị thấy việc đi theo này làm mất thời giờ và các Chị ước ao dứt khoát từ bỏ cuộc thăm viếng này của các Bà. Louise đề nghị các Chị hãy cùng nhau suy nghĩ. Các Chị nhắm tới lợi ích nào, lợi ích của các Chị, lợi ích của các bệnh nhân hay lợi ích của các Bà? Các Chị có nghĩ rằng chỉ có việc làm của mình là tốt không? Các Chị tôn trọng sự dấn thân của các Bà, niềm vui của các bệnh nhân được viếng thăm như thế nào? Chấp nhận sự khác biệt nơi người khác, đó là một cách tự xây dựng chính mình, xác định rõ người ta là gì mà không tự kiêu, nhưng chỉ để nhận ra các ân huệ của Chúa nơi mình.

Trong Chúa Ba Ngôi, sự bình đẳng giữa ba ngôi vị cho thấy vẻ đẹp của Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu này đòi hỏi từ chối tham vọng quyền lực cũng như không từ chức hoặc ước ao, một cách vô ý thức, được người khác sáp nhập vào. Sự bình đẳng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là một lời kêu gọi hãy hoà hợp với nhau.

Hãy hiệp nhất bằng một sự trao đổi hoàn toàn chân thật trong tư tưởng, lời nói và hành động; và như vậy để làm vẻ vang sự hiệp nhất đích thực trong sự khác biệt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (LM 794).

Tiếp nhận tính bổ sung đòi phải nhận một cách thuận lợi ý kiến của người kia hay của những người kia như một điều bổ sung cho quan điểm riêng của mình. Louise khuyên nên biết cách trình bày ý kiến của mình một cách hết sức khiêm nhường: “Trong tất cả các cuộc tranh luận này, các Chị hãy rất khiêm nhường, hãy coi chừng đừng để người ta tố cáo các Chị là ngạo nghễ hoặc tự phụ” (LM 585).

Cùng nhau phục vụ giữa một nhóm đòi hỏi phải biết vượt qua những bất đồng. Vì thế, cần phải rõ ràng về mục đích của hoạt động được tiến hành. Louise yêu thích cầu nguyện với Chúa, xin Chúa cho mục đích của mọi việc phục vụ được tôn trọng:


Xin cho chúng con biết nhìn xem vinh quang Chúa trước tiên,
rồi mới nhìn xem quyền lợi của những người mà cùng với họ chúng con hoạt động,
để phục vụ người nghèo tốt hơn, tùy theo tình trạng tinh thần của họ (LM 763).


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngày với thnh nữ Louise de Marillac, trang 99-107

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *