fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P13)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ mười hai

[1]KINH NGẠC TRƯỚC
BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Chúng ta phải tìm thấy nơi Thiên Chúa một động lực nào thúc đẩy hành động hết sức tuyệt vời và khó hiểu như thế theo nghĩa loài người; và vì không thể biết động lực nào khác ngoài tình yêu thuần túy của Thiên Chúa, nên chúng ta phải, bằng những hành động thán phục, thờ phượng và yêu mến, tôn vinh và vinh danh Chúa vì nhận biết điều Chúa đã yêu thương phát minh ra để kết hiệp với chúng ta.
Chúng ta hãy lãnh nhận Bí tích rất uy nghi này, như là Thiên Chúa, Đức Vua và vị Hôn Phu của chúng ta, dâng lên Bí tích ấy những hành vi thờ phượng, lệ thuộc, tin tưởng và hoàn toàn phó thác tất cả những gì chúng ta là. Chúng ta hãy nài xin Chúa chiếm hữu trọn vẹn chúng ta, chúng ta hãy kết hiệp với Chúa như với vị Hôn phu chúng ta, hoàn toàn theo ý của Người, thực hiện nhiều hành vi yêu mến. Và chúng ta hãy chú ý đến điều gì Chúa vui lòng thực hiện nơi chúng ta, mặc dù chúng ta không thấy Người (LM 811-812).




Louise de Marillac muốn chúng ta chia sẻ sự thán phục của ngài trước phát minh Bí tích Thánh Thể lạ lùng này. Chúa Giêsu, khi Giờ Chúa gần đến, tìm được phương thế kéo dài sự hiện diện của Người dưới trần gian.

Con Thiên Chúa chưa hài lòng mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa loài người, nhưng còn muốn kết hợp không thể tách rời bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người, Người đã làm điều này sau khi Nhập thể qua sự phát minh tuyệt vời Bí tích Thánh Thể, mà ở đó cư ngụ liên tục sự viên mãn của Thiên Chúa nơi Ngôi thứ hai của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh (LM 776).

Louise thấy như Chúa muốn lặp đi lặp lại với loài người tất cả chiều sâu của Tình yêu Chúa. Cuộc Nhập thể đã biểu hiện sự ước ao sâu sắc kết hiệp này, còn Bí tích Thánh Thể thì thực hiện điều ấy một cách cao cả hơn nữa.

Trong lúc suy gẫm về Bí tích Thánh Thể, Louise de Marillac không dừng lại ở khía cạnh “tưởng niệm và hy tế” của Bí tích Thánh Thể, nhưng ngài suy nghĩ lâu dài về việc hiệp lễ, “hành động hết sức tuyệt vời và khó hiểu theo nghĩa loài người” (LM 811). Lãnh nhận Mình Chúa Kitô, đó là thông phần vào sự Sống của Thiên Chúa. Đức Kitô hiến mình làm lương thực để con người có thể múc lấy nơi Chúa một năng lượng mới để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thế gian.

Lấy thánh vịnh 41, Louise biểu lộ lòng khát khao Chúa: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước, hồn tôi cũng trông mong được gần Chúa tôi: tôi sẽ chuẩn bị bằng cách mong mỏi được kết hiệp với Chúa” (LM 771). Các lời khuyên của Tông đồ Phaolô nói với ngài: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này” (1Cr 11, 28). Để dọn mình Rước lễ, ngài cố gắng loại bỏ nơi ngài tất cả những gì hiện ra với ngài như là một sự ngăn trở kết hiệp ấy. Sự ngăn trở chính, đối với ngài, đó là “chiều theo ý riêng” (LM 772). Nhưng vì ngài nhận thấy rằng “phẩm cách cao cả của Bí tích cực thánh này khiến chúng ta không thể xứng đáng sẵn sàng lãnh nhận” (LM 811), nên ngài hoàn toàn phó thác vào Tình yêu của Chúa Giêsu.

Khi Rước lễ, ngài tiếp nhận “Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự đơn nhất của bản thể, điều này phải làm cho chúng ta có sự kính trọng mà mỗi thọ tạo phải có đối với Đấng Tạo hoá” (LM 811). Phải chăng con người thật sự có thể kết hiệp như thế với Chúa của mình? Louise ngây ngất trước hành động hết sức cao cả như thế. Ngài cảm thấy bất xứng với một quà tặng lớn lao như vậy. “Như lương thực do thân thể con người dùng cho nó có đủ phẩm chất cần thiết, cũng vậy, sự kết hiệp của Chúa với linh hồn tôi, sẽ làm cho linh hồn tôi đồng hình đồng dạng với Người, và… sẽ giúp tôi thực hành đời sống rất thánh của Chúa” (LM 771).

Rước lễ, đối với Louise de Marillac, là một khoảnh khắc đặc biệt. Vào lúc Chúa Giêsu thật sự hiện diện, ngài muốn chú tâm đến những gì Chúa vui lòng thực hiện nơi ngài. Ngài ấp úng diễn tả quà tặng Tình yêu kỳ diệu này. Khi hiến mình làm lương thực, Chúa Giêsu ước ao “làm cho chúng ta thông phần vào tất cả các hành động của đời sống của Chúa, đặt chúng ta trong điều kiện thực hành các nhân đức của Người và làm cho chúng ta giống như Người bằng tình yêu của Người” (LM 772).

Trong một vài lần rước lễ Louise de Marillac được đánh dấu bởi những kinh nghiệm thần bí. Ngày 5 tháng hai 1630, ngài tham dự thánh lễ trước khi đi thăm viếng Phụng hội Bác ái ở Saint-Cloud.

“Khi Rước lễ, tôi thấy như Chúa Giêsu cho tôi có ý tưởng lãnh nhận Người như là vị hôn phu của linh hồn tôi, và thậm chí đối với tôi, như là trong một lễ cưới” (LM 702).

Louise biết các bài viết của thánh nữ Têrêxa Avila và thánh Gioan Thánh Giá nói về cuộc hôn nhân thần bí. Ngài viết tiếp: “Tôi cảm thấy kết hiệp với Chúa mật thiết hơn với ý nghĩ này, rất lạ lùng đối với tôi” (LM 702). Thật khó diễn tả rõ ràng những gì đang xảy ra trong linh hồn vào lúc ấy kết hiệp sâu xa với Chúa Tình yêu. Cho dù ngài Rước lễ hay thờ lạy trước Mình Thánh Chúa, Louise chiêm ngưỡng không ngừng ước ao mà Thiên Chúa muốn “Ngôi Lời kết hiệp với con người trong tình yêu” (LM 728) và ngài mong mỏi đáp lại tiếng gọi ấy.

Khi Rước lễ vào ngày 15 tháng tám 1659, vài tháng trước khi qua đời, đối với Louise là một cuộc gặp gỡ lạ lùng làm cho ngài thông phần vào tất cả các mầu nhiệm của Đức Kitô:

Khi thấy Bánh thánh, tôi cảm thấy khát khao lạ lùng vì có cảm tưởng như Chúa Giêsu muốn hiến thân cho tôi với sự đơn sơ của Tuổi thơ thần linh của Chúa (LM 819).

Louise sống các khoảnh khắc sau Rước lễ trong sự hồi tâm sâu sắc. Ngài rất chú tâm đến sự hiện diện của Chúa, trong một thái độ phó thác trước Thiên Chúa Tình yêu này: đây không còn là linh hồn đến với Chúa của mình, mà là chính Chúa đến với linh hồn. Ngài lặp lại, với từ ngữ riêng của ngài, điều mà thánh Hilariô, giám mục thành Poitiers, đã giải thích với các tín hữu giáo phận của mình: “Rước lễ, đó là làm cho chúng ta được ở trong Đức Kitô và Đức Kitô ở trong chúng ta”. Kinh cám ơn của ngài với Ba Ngôi Thiên Chúa cho phép ngài lặp lại với Chúa tất cả niềm vui, tất cả lòng biết ơn của ngài.


Chúng ta hãy vui lên trong khi chiêm ngưỡng sự phát minh tuyệt vời và sự kết hiệp yêu thương mà qua đó Chúa, ở trong chúng ta, làm cho chúng ta một lần nữa trở nên giống Chúa bằng sự trao đổi, chẳng những của ơn Chúa, mà còn là của chính Chúa nữa (LM 811).

Rước lễ đem lại một sức mạnh đặc biệt vì cho chúng ta có “khả năng sống trong Đức Giêsu Kitô, trong khi Người sống trong chúng ta”(LM 811). Khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô, Louise thông phần vào sự sống của Chúa. Ngài cảm tạ Chúa, vì “Chúa là Ngôi Lời làm người, đã muốn ở trần gian, để tất cả mọi người không bao giờ lìa xa Chúa” (LM 709).

Louise cảm thấy nơi ngài có một lòng ước ao sâu sắc muốn đem Sự Sống ấy cho tất cả mọi người, nhất là những ai khó vượt qua nhiều khó khăn hằng ngày. Theo chân Đức Kitô, mọi Kitô hữu cũng đều được kêu gọi tận hiến nếu muốn đem sự sống và tình yêu cho tha nhân.

Để trung thành đáp lại tình yêu Đức Giêsu Kitô dành cho chúng ta trong Bí tích cực thánh này, chúng ta hãy hết lòng yêu mến nhân tính thánh thiện và thần linh của Người (LM 772).


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngày với thánh nữ Louise de Marillac, trang 119-126

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *