NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?
Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…
Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]”. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…
Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó.
∞∞∞
Ngày thứ mười bốn
[1]ĐÓN NHẬN
ƠN CHÚA THÁNH THẦN
Các linh hồn thật sự nghèo khó và ước ao phục vụ Chúa phải hết lòng tin tưởng khi Chúa Thánh Thần đến với mình mà không thấy có một sự kháng cự nào, Người sẽ đặt họ vào tâm trạng thích hợp để làm theo thánh ý Chúa, và đây phải là điều ước ao duy nhất của họ (LM 793).
Trên Trời dưới đất có điều gì tuyệt hảo hơn sự kiện quí báu Chúa Thánh Thần ngự đến không? Làm sao sống một cách phi lý, sau khi hiến thân hoàn toàn để chuẩn bị tiếp nhận lợi ích vô biên này? Phải chăng con nên ước ao chết đi, ôi lạy Chúa, khi lãnh nhận điều ấy!… Làm sao con không thể chết dần đi ngay khi còn ở thế gian này, trong đại dương của thần tính Chúa! Ít nhất nếu con hết sức hạnh phúc được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, thì con phải hết lòng ước ao điều này biết chừng nào (LM 808).
Năm 1623,
ánh sáng Chúa đã đến chiếu soi đêm tối mà ở đó Louise vật lộn từ nhiều tháng, vì cơn bệnh của người chồng và những thắc mắc về ơn gọi của mình.
Louise de Marillac luôn luôn biểu hiện một sự trìu mến đặc biệt đối với Lễ Hiện Xuống: ngài thích nhớ lại những ơn nhận được vào ngày này. Năm 1623, ánh sáng Chúa đã đến chiếu soi đêm tối mà ở đó ngài vật lộn từ nhiều tháng vì cơn bệnh của người chồng và những thắc mắc về ơn gọi của mình. Năm 1642, bối rối vì các khó khăn mà ngài gặp phải khi theo đuổi công trình do Tu Hội xúc tiến, ngài bổng nhiên nhận được, như đến từ Thiên Chúa, ánh sáng và những điều sáng tỏ. Khi Lễ Hiện Xuống trở lại, Louise de Marillac mời gọi các Chị tiếp nhận ơn Chúa Thánh Thần này:
Xin Chúa Giêsu Kitô vui lòng ban cho chúng ta Thần Khí của Người trong ngày lễ thánh này, để chúng ta được tràn đầy Thần Khí, hầu chỉ có thể nói và làm vì vinh quang Chúa và Tình yêu thánh của Chúa (LM 349).
Chỉ trong cuộc tĩnh tâm năm 1657 khi Louise de Marillac suy ngắm lâu dài ơn Chúa Thánh Thần này, ngài mới khám phá hoạt động của Người bên cạnh các môn đệ và trong Giáo Hội. Tin Mừng thánh Gioan hướng dẫn việc cầu nguyện của ngài: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Trong khi vẫn tự hỏi về bản tính của Chúa Thánh Thần, ngài đặt câu hỏi này với chính Chúa Giêsu Kitô: “Vậy thì sự đến của Thần Khí An ủi mà Chúa Cha sẽ sai đến qua Ngài là gì?” (LM 809). Thần Khí An ủi, đó chính là Thần Khí Đức Kitô phục sinh. Người khiến cho các môn đệ nhìn thấy ý nghĩa sâu sắc của tất cả những gì các ông đã sống với Thầy mình trong thời gian Người sống giữa các ông, và ban cho các ông sức mạnh và can đảm để “làm chứng cho Thần tính” (LM 810) của người phàm Giêsu.
Louise mong mỏi lãnh nhận ơn này của Chúa, nhưng ngài nhận ra mình bất xứng với một ân sủng như thế, vì nhận thấy các thói quen xấu của mình. Ngài chỉ có thể trông cậy vào chính Thiên Chúa:
Con van xin Chúa nhân lành chuẩn bị linh hồn con lãnh nhận một cách hữu ích các ân sủng của Chúa Thánh Thần sau khi con làm các việc đền tội cần thiết là sẵn sàng tình nguyện tách ra khỏi tất cả các thỏa mãn trần thế (LM 394).
Ngài ước mong Thần Khí Chúa, ngọn lửa cháy rực này đến tiêu hủy tất cả những gì là xấu xa nơi ngài, và Người tái lập, củng cố, phát triển các ân sủng đã nhận khi lãnh nhận Phép Rửa.
Louise có một tri giác rất mạnh và hoàn toàn nội tâm về Tình yêu Thiên Chúa, đối với ngài đó chính là một nguồn năng lượng. Như các tác giả Kinh Thánh, Louise nhận ra “Thiên Chúa là một ngọn lửa thiêu” (Dt 12, 26). Ngài bị xâm chiếm bởi niềm vui khi chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy của quà tặng Chúa ban, làm cho ngài được sống bằng chính sự sống của Chúa. “Hãy sống tùy thích, nhưng bằng sự sống của Chúa hoàn toàn là tình yêu” (LM 808). Nếu Louise de Marillac khám phá tất cả vẻ lộng lẫy của ơn Chúa Thánh Thần, thì ngài không muốn hưởng thụ một cách ích kỷ. Ơn này chỉ nhằm mục đích làm sáng danh Chúa. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được thể hiện bằng “sự cháy rực của tình yêu” và ban sức mạnh cần thiết để sống như những tín hữu đích thực.
Mọi kitô hưũ đều được kêu gọi để cho ngọn lửa thần linh này xâm chiếm con người mình, đón nhận sự viên mãn của tình yêu mà Thần Khí đến đổ xuống tâm hồn họ.
Mọi đời sống phải trở thành sự ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Kitô hằng sống, Thần Khí Tình yêu, bằng lời nói cũng như bằng hành động. Mọi kitô hưũ đều được kêu gọi để cho ngọn lửa thần linh này xâm chiếm con người mình, đón nhận sự viên mãn của tình yêu mà Thần Khí đến đổ xuống tâm hồn họ. Đó là điều ước mong của Louise đối với các Chị:
Tôi van xin Chúa nhân lành chuẩn bị linh hồn chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, để khi cháy bỏng vì lửa tình yêu thánh của Chúa, các Chị được thiêu đốt trong sự hoàn hảo của tình yêu này, sẽ làm cho các Chị yêu mến thánh ý Chúa (LM 351).
Một khía cạnh đặc biệt của vai trò Chúa Thánh Thần được Louise de Marillac báo hiệu. “Tôi đã thấy một trong các hiệu quả của Chúa Thánh Thần ở trong Thiên Chúa, đó là sự hiệp nhất” (LM 808). Sự hiệp nhất này hiện hữu giữa chính Thiên Chúa Ba Ngôi được Louise chiêm ngưỡng và thường xuyên trình bày như là khuôn mẫu đời sống cộng đoàn và việc làm hợp tác. Chúa Thánh Thần cũng hành động nơi mỗi người và cung cấp cho họ một sự ổn định nội tâm, giúp cho tất cả các năng lực của họ được cân bằng. “Chúa Thánh Thần, bằng quyền năng hợp nhất của Chúa, làm cho ý chí dễ dàng kết hợp một cách hoàn hảo (hai năng lực khác của linh hồn: trí thông minh và óc phán đoán) sao cho nơi linh hồn không có một sự rối loạn nào” (LM 809). Chúa Thánh Thần dẫn dắt con người đến sự hoàn hảo của hữu thể như Thiên Chúa ước ao.
Louise de Marillac cũng cố gắng đi vào mầu nhiệm Hội Thánh ra đời vào ngày ấy, khi Thần Khí được đổ đầy. Như Công đồng Vatican II sẽ nhấn mạnh, mầu nhiệm này chỉ giải thích được trong ánh sáng Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ôi bí mật sâu xa và không thể dò xét! Thiên Chúa Ba Ngôi hoàn hảo trong tiềm năng, sự khôn ngoan và tình yêu, Chúa hoàn tất công trình thiết lập Hội Thánh mà Chúa muốn làm cho trở thành Mẹ những kẻ tin (LM 809).
Chúa Thánh Thần đến xác nhận với các kitô hữu rằng Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người, Người ban cho họ sức mạnh cần thiết để sống như những kẻ tin đích thực. Chúa Giêsu đã xác nhận điều này với các Tông đồ ít lâu trước khi chết. “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27). Thần Khí ban cho các Tông đồ “quyền năng thực hiện những kỳ công” bằng cách làm chứng cho Chúa Giêsu, và “Người đã truyền cho các ông sự sống thánh thiện” (LM 809). Hội Thánh là nơi nâng đỡ đức tin các kitô hữu.
Louise nhận ra đây là một vinh dự và hạnh phúc cho mọi kitô hữu được kêu gọi như vậy làm chứng cho Đức Kitô chết và sống lại. Lời cầu nguyện thường xuyên của ngài với Chúa Thánh Thần biểu lộ sự khát khao sâu xa được đón nhận lửa tình yêu này:
Chúa còn nhìn thấy vài sự yếu đuối nơi con, Chúa hãy thiêu đốt chúng, lạy Chúa là lửa cháy rực của tình yêu thần linh… Xin Chúa đoái thương đến với con và thiết lập lại nơi con các ân sủng mà Chúa nhân lành đã ban cho con khi lãnh nhận Phép Rửa. Lạy Thần Khí Chí Thánh, xin ban cho con điều kỳ diệu này bằng sự kết hiệp tình yêu mà Chúa có từ thuở đời đời với Chúa Cha và Chúa Con (LM 808).
[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngày với thánh nữ Louise de Marillac, trang 135-142