fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(Phần cuối)

Các bạn thân mến,

Thế là chúng ta đã hoàn tất hành trình
“Cầu Nguyện 15 Ngày Với Thánh Nữ Louise De Marillac”.
Xin chúc tụng Chúa và cám ơn thánh nữ Louise!

Louise de Marillac là một phụ nữ của thế kỷ XVII, cùng thời với thánh Vinh Sơn Phaolô. Một tình bạn chân thật, sâu sắc, biết tôn trọng cá tính của nhau, đã liên kết hai vị thánh.

Trong công cuộc phục vụ người nghèo, trẻ em bị bỏ rơi, các tù nhân khổ sai cũng như bệnh nhân. Louise de Marillac đã biết vận dụng tất cả các giá trị nữ tính của mình. Niềm tin vào Đức Kitô nhập thể của bà đã hướng dẫn đời bà vượt cả bóng tối và ánh sáng.

Cho đến nay, Louise de Marillac vẫn luôn là:

  • Nguồn cảm hứng cho những ai đấu tranh cho quyền làm người trong thế giới hôm nay.
  • Nguồn động lực vượt lên số phận, với ân sủng của Thiên Chúa.
  • Gương mẫu cho một “phong cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này”.[1]

Nguyện xin thánh nữ luôn ở kề bên và hỗ trợ chúng ta mỗi ngày trên con đường hướng tới một đời sống tốt đẹp và thánh thiện hơn!


Ngày thứ mười lăm

[2]CON XIN PHÓ THÁC
LINH HỒN CON TRONG TAY CHÚA


“Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa”

Phương cách duy nhất cho tôi được Chúa thương xót trong giờ lâm tử, đó là, trong giây phút ấy, linh hồn tôi mang dấu ấn Đức Giêsu Kitô. Vì thế, tôi rất tin tưởng nơi Người vì Người đã cho tôi chắc chắn rằng Người sẽ làm tất cả mọi sự nơi tôi, mà không kể đến nỗi khốn khổ và bất lực của tôi. Vì chết là một sự dứt bỏ bắt buộc tất cả mọi sự, nên tôi muốn cố gắng dứt bỏ một cách tự nguyện và hiệu quả tất cả mọi sự, để gắn bó với Chúa trong hiện tại và một cách thường xuyên (Tĩnh tâm 1633 – LM 713).

Tôi xin các Chị, các Chị thân mến, hãy thường xuyên cầu xin Chúa dủ lòng thương xót tôi trong giờ lâm tử, nhờ công nghiệp của sự chết rất quí báu của Chúa (LM 415).

Trong lần tĩnh tâm năm 1633, Louise, khi suy nghĩ về sự chết, tỏ ra thanh thản, vì phó thác vào lòng thương xót của Chúa. Nhưng năm 1659, khi thấy sức khoẻ của mình suy giảm, cái chết đến gần, ngài có vẻ hoảng sợ.

Nhìn Tu Hội Nữ tử Bác ái, ngài nhận thấy cộng đoàn này, đối với Tu Hội mà ngài đã ra sức làm việc và đau khổ nhiều, đang đánh mất sự nổi tiếng của mình là nhiệt thành và trung thực. Trong một bức thư gởi cho Cha Vinh Sơn Phaolô, ngài giải thích rằng có những Chị nghi ngờ vài kiểu sống. Họ không thích cách ăn mặc của các cô gái thôn quê vùng Ile de France áp đặt cho họ, họ mong muốn, như các nữ tu, mang một khăn trùm có vẻ đoan trang hơn. Họ ước ao có nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa. Vì hiểu tầm quan trọng của việc phục vụ người nghèo, nên họ đề nghị thiết lập giữa Tu Hội hai nhóm khác biệt: nhóm các chị nữ tỳ sẽ tiếp tục hoạt động của mình vì lợi ích người nghèo mà không thay đổi gì cả về kiểu sống của mình, và nhóm các Chị kia sẽ áp dụng nội cấm với một kiểu sống tu viện. Louise rất sợ một sự thay đổi cơ cấu và định hướng của Tu Hội Nữ tử Bác ái.

Biết bao nhiêu năm cố gắng, cảnh giác, cổ vũ để đi đến những đề xuất như thế! Louise cảm nhận điều này như là một sự thất bại cá nhân vừa là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Sự bối rối xâm chiếm linh hồn ngài. Louise cân nhắc “sự thiệt hại sẽ đến với nhiều người nghèo, cho phần rỗi linh hồn họ cũng như cho lợi ích vật chất của họ, nếu Tu Hội hư mất” (LM 817).

Ngài tự hỏi: phải chăng điều ngài đã luôn luôn gọi là ý định của Chúa đối với Tu Hội chỉ là ảo tưởng? Để đem lại cho người nghèo những gì cần thiết cho họ, cho họ có một đời sống khá hơn, ngài tưởng đã hiểu rằng đời sống mới mà ngài thực hiện là đi theo Đức Kitô trong sự nghèo khó và khiêm nhường. Và kìa, biết bao nhiêu Chị nhìn về một hình thức đời sống tu trì cơ cấu hoá hơn, được sắp đặt tốt hơn. Louse không thể chấp nhận một tình huống có thể xảy ra như thế. Ngài thoáng thấy “tai họa đời đời và không thể tránh khỏi xứng đáng dành cho các Chị nào, do ác tâm, sẽ gây ra sự mất đi hay sụp đổ của một sự việc mà Chúa đã làm, theo sự Quan phòng của Chúa như có vẻ Tu Hội đã được sinh ra như thế” (LM 817).

Sẽ phải từ bỏ những gì đã được thiết lập chăng? Chúa có muốn điều gì khác cho Tu Hội Bác ái không? Louise de Marillac muốn gặp Cha Vinh Sơn Phaolô để cùng suy nghĩ với Cha, nhận được các lời khuyên của Cha. Nhưng giờ đây, Cha rất cao tuổi, không còn rời khỏi phòng, và suốt ngày ngồi trên ghế bành. Chính ngài cũng bệnh, và không thể đi đến nhà Cha. Có vẻ ngài không còn có một sự nâng đỡ nào của loài người nữa.


“Cha cho tôi biết tôi hơi hấp tấp vì quá hăng hái,
và sự đam mê của tôi thỉnh thoảng có thể được thực hiện ở đó” (LM 804).

Sự tranh cãi mà Louise de Marillac gặp phải, đối với ngài, là một cơn khủng hoảng, một chuyến đi qua sa mạc. Ngài đọc lại các lời khuyên mà Cha Vinh Sơn Phaolô đã cho ngài vài năm trước: “cha cho tôi biết tôi hơi hấp tấp vì quá hăng hái, và sự đam mê của tôi thỉnh thoảng có thể được thực hiện ở đó” (LM 804). Mượn lời cầu nguyện trong các thánh vịnh, ngài van xin Chuá: “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước Thánh Nhan, đêm ngày con kêu cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức” (Tv 87, 1-2).

Louise không muốn nghi ngờ lòng nhân từ của Chúa. Trong khi cầu nguyện, ngài suy ngắm giai đoạn cơn Cám dỗ của Chúa trong sa mạc.

Chúa chúng ta được Chúa Thánh Thần đưa vào sa mạc để bị cám dỗ, tôi sẽ tôn vinh Người bằng cách thanh thản chịu đựng ma quỷ cám dỗ tôi và kiềm chế tính kiêu ngạo của tôi (LM 712).

Ngài nhìn nhận ngài khó chấp nhận và khắc phục cơn cám dỗ này. Như Abraham, ngài sẽ biết dâng lên Chúa những gì ngài yêu quí nhất không? Ngài sẽ biết từ bỏ công trình của ngài không? giao lại, một cách hết sức tin tưởng, trong tay Chúa và các Chị không? để họ gánh vác nó sau khi ngài qua đời. Hành động phó thác này đòi hỏi nơi Louise chấp nhận như hạt lúa phải chết đi để sinh hoa trái.

Niềm tin của ngài vào Tình yêu Thiên Chúa nói với ngài rằng Chúa sẽ không cho phép người nghèo bị bỏ rơi. Từ từ, lời cầu nguyện của ngài trở nên tin tưởng hơn: “Chúa là nguồn mạch mọi ân sủng, xin Chúa vui lòng làm sao cho không bao giờ linh hồn con phó thác nơi Chúa” (LM 771). Ngài dâng cho Chúa tất cả nỗi lo âu giày vò ngài hết sức gay gắt và bày tỏ với Chúa tất cả sự tin tưởng của ngài: “Lạy Chúa, Chúa biết việc Chúa làm và sẽ làm cho Tu Hội. Con rất tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa” (LM 444).

Louise để cho mình bị xâm chiếm bởi ơn Chúa. Một cố gắng hoán cải thật sự được thực hiện nơi ngài. Một trong các bức thư cuối cùng của ngài, ngày 12 tháng giêng 1660, là sự khích lệ cho một Chị sắp qua đời. Cái chết, được nhận thấy như là tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, được đề cập một cách bình thản.

Tôi xin Chị cho chúng tôi gởi lời chào Chị Marie yêu dấu của chúng ta cho tất cả các Chị, và bảo với Chị ấy rằng toàn thể cộng đoàn cầu nguyện cho Chị ấy, để Chị ấy sẵn sàng ra tòa phán xét chung, nếu Chúa gọi Chị ấy, và trong tình trạng có thể tham dự đời đời vào công nghiệp cái chết của Chúa Giêsu, chịu đóng đinh để cứu rỗi Chị ấy và toàn thể nhân loại (tháng giêng 1660-LM 669).

Một cách khiêm nhường, trong khi cầu nguyện, Louise phó thác trong tay Chúa sự biến chuyển có thể xảy ra giữa Tu Hội Nữ tử Bác Ái. Thế giới thay đổi, Louise ý thức về điều này. Việc phục vụ sẽ phải để ý tới “sự khám phá các nhu cầu sắp đến, ở Pháp cũng như ở nơi khác” (LM 782), và luôn luôn định hướng về “những ai bị tước mất tất cả mọi sự” (LM 821). Từ từ, mọi sự sợ hãi biến mất. Louise chuẩn bị gặp Chúa.

Trong một hành động tin tưởng yêu mến, con xin Chúa, lạy Chúa, từ nay ban ơn cho con được cố gắng nhiều hơn và ước ao làm đẹp lòng Chúa, và vì thế, khắc phục mọi thói xấu cho tới thói xấu nhỏ nhất, vì muốn yêu mến Chúa vì tình yêu Chúa (LM 806).

Một cách hết sức thanh thản, hôm trước ngày qua đời, Louise thổ lộ với các Chị hiện diện xung quanh giường ngài về những hy vọng của ngài đối với Tu Hội mà ngài đã hết sức yêu mến và phục vụ:

Các Chị thân mến, tôi cầu xin Chúa ban cho các Chị được ơn bền đỗ trong ơn gọi của mình để phục vụ Người theo cách thức mà Người yêu cầu các Chị. Các Chị hãy hết sức chăm lo phục vụ người nghèo và sống chung tốt đẹp với nhau trong sự hiệp nhất chặt chẽ và thân tình để noi gương đời sống của Chúa chúng ta và sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa (LM 823).


Thứ Hai ngày 15 tháng ba 1660, khoảng 11 giờ sáng,

Louise lặp lại lời Chúa Giêsu, thì thầm một cách hết sức chân thật:
“Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa”
(LM 813).


[1] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 12 
[2] Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngày với thánh nữ Louise de Marillac, trang 143-150

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *