fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – CHÂN PHƯỚC GIÁO DÂN FREDERIC OZANAM (Kỳ đầu)

CHÂN PHƯỚC GIÁO DÂN
FREDERIC  OZANAM, SSVP

(1813-1853)

Sáng lập Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô
(Société de St Vincent de Paul: SSVP)  
Ngày lễ hằng năm: 09.9

 Frédéric sinh năm 1813, là con của cha mẹ người Pháp nhưng ra đời tại Milan, nước Ý. Hai năm sau, gia đình hồi hương về Pháp và sống tại Lyon.

Thời thơ ấu, cậu được giáo dục bởi cha mẹ Công Giáo và các anh chị tốt lành, lại là học sinh ngoại trú trường Học Viện Hoàng Gia ở Lyon; thế nhưng vẫn có những tật xấu như nhiều trẻ em khác: bướng bỉnh, dễ cáu giận, lười biếng, không biết vâng lời. Bị phạt thì nổi loạn chống lại… “Dần dần, tôi đã cải thiện; sự đua tranh đã chữa lành tính lười biếng của tôi. Tôi rất mến thày giáo của tôi. Tôi có đôi chút thành công, nó động viên tôi…[1] .

Biến cố “được rước Chúa lần đầu” làm cho cậu được vui sướng, hạnh phúc và để lại nơi cậu ấn tượng khó quên: “Ôi ngày vui sướng và diễm phúc! Xin cho tay phải tôi tê bại đi và lưỡi tôi dính lên vòm nếu tôi quên ngày này![2] Từ đó cậu được biến đổi nhiều, trở nên khiêm tốn, dễ thương, dễ bảo hơn…

CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐỔI ĐỜI TUỔI THANH NIÊN
Lên 16 tuổi, cậu bắt đầu học triết và bị xáo trộn tinh thần, tâm hồn bất an vì sự nghi ngờ về Đức Tin. May thay! Cậu được một linh mục khôn ngoan hướng dẫn. Cậu đã hứa nếu biết được Sự Thật thì cậu sẽ hiến cả cuộc đời bảo vệ Sự Thật đó. Một thời gian sau, cậu đã thoát cơn khủng hoảng, Đức Tin được củng cố vững chắc nhờ những nền tảng tri thức và giáo lý Công Giáo, nhất là việc suy gẫm Lời Chúa. Giữ lời hứa, cậu đã dấn thân cả đời bảo vệ Chân Lý, và rất cảm thông với những người không tin.

Lên 18 tuổi, chiều theo ý muốn của thân phụ, cậu vào đại học Paris để học luật, và thực tập nơi một luật sư địa phương.

Cậu được Chúa ban cho nhiều “nén bạc”, cách riêng là về văn chương và lịch sử. Sau khi đậu tú tài, cậu liên tiếp đạt các văn bằng cử nhân và thạc sĩ về luật và văn chương, làm giáo sư tại đại học Sorbonne và là thành viên của Hội Đồng Sử Học. Tuy nhiên, trong những lúc rảnh rỗi, cậu tiếp tục học văn và đóng góp nhiều bài về triết học và lịch sử cho tờ báo của trường.

Thời gian ở Paris, cậu rất đau khổ vì nhớ nhà và vì không thích hợp với các bạn bè ở ký túc xá. Nhưng may mắn thay! Cậu có dịp quen biết với gia đình André-Marie AMPÈRE và tạm trú ở đây 2 năm, cậu được nuôi dưỡng thêm với những món ăn tinh thần bổ ích vừa trí thức vừa Kitô Giáo.


[3]André-Marie Ampère (1775 –  1836)

Ampère  là một tín hữu Công Giáo người Pháp, là nhà vật lý  và là một trong những nhà phát minh ra điện từ trường và hình thành một định luật mang tên ông (định luật Ampère). Một điều trùng hợp giữa Ampère và Frédéric Ozanam là biến cố được rước Chúa lần đầu đã để lại trong cả hai người một ấn tượng khó quên. Ngoài ra, nhờ ở đây, cậu có thêm cơ hội gặp gỡ những nhân vật sáng chói cho việc phục hưng Kitô Giáo, như Chateaubriand, Montalembert, Lacordaire và Ballanche. Đúng như câu tục ngữ nổi tiếng mà cha ông  chúng ta thường dùng để răn bảo con cháu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”[4]

Tốt nghiệp luật sư, cậu đã thực hành nghề này nhưng không xác tín lắm. Không muốn làm việc chuyên môn cách máy móc, cậu tiếp tục cuộc tìm kiếm Sự Thật và tìm cách hành động để chứng minh Kitô Giáo là nguồn gốc cho sự tiến bộ và phát triển của các xã hội.

 Cậu rất tâm đắc lời thánh Giacôbê: ” đức tin không có việc làm là đức tin chết[5]. Với các bạn sinh viên cùng quan điểm, họ đã hợp sức để sống Đức Tin Công Giáo của họ bằng những hành động bác ái cụ thể, thực tế nhất.     

 (Còn tiếp)


Bài hát: Đường chân lý


[1] Các thánh và các chân phước GĐVS, Tổng hợp-2011, trang 183
[2] Nt. trang 184
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Andre-Marie Ampère
[4]https://cunghocvui.com/bai-viet/gan-muc-thi-den-gan-den-thi-rang.html
[5] Gc 2, 17

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *