fbpx

LỄ KÍNH SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA – Ngày 08.9

Hằng năm, vào ngày 8 tháng 9, Hội Thánh Công giáo và Chính thống giáo mừng kính sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là một trong 20 lễ kính Đức Mẹ trong lịch phụng vụ Rôma. Các sách Tân Ước không hề nói gì về nơi chốn cũng như ngày tháng Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đã sinh ra. Tân Ước cũng không nói đến cha mẹ Đức Maria là ai, tên gì, và hoàn cảnh cuộc sinh hạ.

Lịch sử

Từ đầu thế kỷ thứ 5, người ta đã tôn kính, gần bên hồ nước Bêt-da-tha phía bắc  Giêrusalem nơi Đức Giêsu đã chữa lành một người bất toại (Ga 5, 1-18), là nơi Đức Maria đã sinh hạ, vì truyền thống đông phương định vị tại đây ngôi nhà của bà Anna và ông Gioakim, song thân của Đức Maria. Một ngôi thánh đường đã được xây lên tại đây, thời nữ hoàng Êuđoxia ở Constantinopolis (375-404), dâng kính Đức Trinh Nữ Maria, được cung hiến một ngày 8 tháng 9. Hằng năm người ta vẫn mừng kỷ niệm ngày cung hiến này.  Vào thế kỷ thứ 5, lễ này được nới rộng đến Constantinopolis, thủ đô mới của đế quốc Rôma, thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đến cuối thế kỷ thứ 7, Thánh Giáo Hoàng Sergiô I, một người gốc đông phương (triều đại: 687-701), cho ghi lễ này vào lịch phụng vụ của Giáo Hội Rôma, vào ngày 8 tháng 9, được xem là ngày sinh của Đức Maria. Nhà thờ theo nghi lễ Byzantinô tại Rôma mừng ngày 8 tháng 9 như lễ sinh nhật Đức Mẹ. Sau này, người ta sẽ thiết lập thêm lễ kính việc Thụ Thai của Đức Maria, 9 tháng trước, nghĩa là ngày 8 tháng 12. Vào thời Trung Cổ, lễ kính Sinh nhật Đức Mẹ được mừng kính rất trọng thể, với tuần bát nhật.  

Nhà thờ thánh Anna tại Giêrusalem bị quân Ba tư phá hủy năm 614, được tái thiết năm 1009. Ngôi nhà thờ hiện nay đã được thập tự quân xây năm 1140, được nâng lên hàng vương cung thánh đường và được dâng kính thánh nữ Anna, để nhắc nhớ cuộc sinh hạ Đức Maria tại đó. Sau khi thập tự quân bại trận và vua hồi giáo là Salađin chinh phục Giêrusalem, năm 1192 nhà thờ biến thành trường dạy luật hồi giáo (kinh Coran), sau đó bị bỏ phế qua nhiều thế kỷ. Từ năm 1856, để tỏ lòng biết ơn  hoàng đế Napoléon III nước Pháp là người đã giúp ông về mặt chính trị chống lại nước Nga, vua Thổ Nhĩ Kỳ tặng thánh đường và mảnh đất này cho chính phủ Pháp. Vì thế, cho đến ngày nay, vương cung thánh đường Thánh Anna vẫn là lãnh thổ của Pháp.

 Theo một sách Tin Mừng ngụy thư, nghĩa là không được Giáo Hội chính thức nhìn nhận là Thánh Kinh, sách Tin Mừng tiên khởi (protévangile) của Giacôbê (được gán cho Giacôbê người Công chính, anh em của Đức Giêsu, được biên soạn vào hậu bán thế kỷ thứ 2, sách này ban đầu mang tựa đề là Cuộc Sinh hạ Đức Maria),  cha mẹ của Đức Maria tên là Gioakim và Anna. Bà Anna son sẻ. Ông Gioakim buồn phiền, không muốn tái xuất hiện trước mặt vợ, lui vào sa mạc ăn chay 40 ngày. Một thiên thần đến với bà Anna và loan báo bà sẽ có một người con; sau đó thiên thần cũng hiện đến với ông Gioakim và loan báo cùng một tin vui. Như thế, cuộc sinh hạ của Đức Maria được trình bày như một phép lạ (Xem sách Tin Mừng tiên khởi chương 1 đến 5). Theo một ngụy thư khác, mang tựa đề là Tin Mừng về cuộc sinh hạ Đức Maria và thời thơ ấu của Đấng Cứu Thế, ông Gioakim và bà Anna đều thuộc chi tộc Giuđa và thuộc dòng dõi vua Đavit.

Đức Maria đã sinh ra vào năm nào?

Các tài liệu cổ xưa không cho ta biết gì về thời gian sinh hạ Đức Maria. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể suy đoán phỏng chừng. Khi Đức Giêsu chào đời, có lẽ Đức Maria khoảng 15 tuổi. Phong tục người Do thái thời đó muốn các thiếu nữ kết hôn không lâu sau tuổi dậy thì, sau thời gian đính hôn. Vậy nếu có thể xác định năm sinh của Đức Giêsu, thì chỉ cần trừ đi 15 năm là phỏng đoán tuổi của người mẹ. Vậy Đức Giêsu đã giáng sinh năm nào? Tin Mừng cho biết Đấng Cứu Thế đã chào đời khi vua Hêrôđê còn sống và trị vì tại Giêrusalem. Ông đã chết năm 4 trước công nguyên. Như vậy, Đức Giêsu đã giáng sinh vào khoảng năm 6 hay 7 trước công nguyên.  Cùng một trật, chúng ta có thể kết luận Đức Maria  có lẽ đã chào đời khoảng năm 20 trước công nguyên. Chúng ta  cũng được biết, 20 năm trước công nguyên, vua Hêrôđê khởi đầu công trình vĩ đại tái thiết đền thờ Giêrusalem với khoảng 11000 công nhân. Công trình này kéo dài đến năm 63, sau công nguyên.

Tuy nhiên Hêrôđê và cả thành Giêrusalem không biết rằng, cách đó không đầy 100 mét về phía bắc, một đền thờ khác được âm thầm xây dựng. Một trẻ thơ vừa chào đời, đặt tên là Maria, trong nhà ông Gioakim và bà Anna. Đức Maria là ngôi đền thờ sẽ mang trong mình vua cả trời đất, như Hòm Bia Thiên Chúa, còn cao trọng hơn bội phần đền thờ của Hêrôđê, mà sẽ bị tướng Titus và quân Rôma phá hủy năm 70 sau công nguyên, 7 năm sau khi hoàn thành.

Tên đặt cho đứa trẻ

Trẻ nam được đặt tên vào ngày chịu phép cắt bì, 8 ngày sau khi sinh, còn trẻ nữ được đặt tên vào bất kỳ ngày nào trong vòng 30 ngày sau khi sinh. Đứa trẻ được tiền định này nhận tên là Maria. Không có chút nghi ngờ gì về điều này. Đức Maria được gọi như thế trong Tin Mừng thánh Mat-thêu (5 lần), thánh Mác-cô (1 lần) và nhất là thánh Luca (13 lần), thánh Gioan (2 lần). Vào thời đó, người ta đọc là Mariam (tiếng Aram), chứ không phải là Myriam, khi người ta còn nói tiếng hip-ri. Tên này khá thông thường nơi người Do thái, như ta thấy trong các sách Tin Mừng, như Maria Magđala, Maria Bêtania, em của Martha, Maria mẹ của Giacôbê và Maria mẹ của Gioan Mác-cô.

Người ta vẫn chưa rõ từ nguyên (gốc) của tên này. Từ nguyên bình dân thường được chấp nhận ngày nay là “Bà chủ”, “Công Chúa” hay “Bà” (Dame, Lady). Như vậy Đức Maria chính là “Đức Bà” (Notre-Dame, Our Lady), như chúng ta thường gọi. Có lẽ tên Maria, cũng như Martha, xuất phát từ tiếng Aram “Mara”, có nghỉa là “Chúa”, như trong thuật ngữ “Maranatha” (xem 1 Cr 16, 22; Kh 22, 20).

 Suy niệm

  • Ở thế kỷ thứ 8, thánh Gioan thành Damas, Syrie (676-749), một linh mục đan sĩ có những bài giảng tuyệt vời ca ngợi Đức Maria, ngài cử hành lễ sinh nhật Đức Mẹ trong vương cung thánh đường kính tước hiệu này với những lời lẽ như sau: “Tất cả các dân tộc, hãy đến, hãy đến, hỡi những người thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, mọi tuổi tác và mọi phẩm vị. Chúng ta hãy hân hoan mừng kính cuộc sinh hạ của Đấng mà hôm nay là niềm hoan lạc cho toàn thế giới. Hôm nay là khởi đầu ơn cứu rỗi cho thế giới”. Những lời này được phụng vụ theo nghi lễ byzăngtin lấy lại một phần khi công bố vào dịp này: “Ngày hôm nay là khúc dạo đầu của niềm vui cho toàn thế giới. Ngày hôm nay, các luồng gió loan báo ơn cứu độ đã bắt đầu thổi”. Vậy chúng ta phải dâng lời ca tụng nào lên Mẹ của Lời, nếu không phải là lời nói của chúng ta! Chớ gì toàn thể tạo thành hãy vui mừng hân hoan, tất cả hãy ca khen cuộc hạ sinh của một người nữ thánh!
  • Maria vừa chào đời. Sau một đêm đen dài đằng đẵng, nghĩa là ròng rã suốt bao nhiêu thế kỷ, bình minh đã ló dạng và sau đó là buổi rạng đông rực rỡ, rạng đông của ngày cứu độ. Một con én không làm nên mùa xuân nhưng là dấu hiệu báo trước mùa xuân đang đến. Tựa như cầu vồng giữa đám mây sau một trận mưa lớn, chưa phải là bầu trời trong xanh và ngày chói chang ánh sáng, tuy nhiên, nó làm chứng rằng cơn giận của Thiên Chúa đã nguôi, cuộc hòa giải chắc chắn sẽ được thực hiện, hòa bình trở lại. Phải, những cơn mưa đã chấm dứt, mùa đông của những hình phạt đã qua đi, hoa sẽ lại nở  rộ trên mặt đất chúng ta…
  • Rạng đông không phải là mặt trời nhưng đến trước mặt trời và bảo đảm chắc chắn mặt trời sẽ mọc lên sáng chói. Chỉ một mình Đức Giêsu là Mặt Trời công chính, như Vầng Đông từ trên cao sẽ xuất hiện để “soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1, 79). Nhưng Đức Maria, khi chào đời, cũng “xuất hiện như rạng đông”, theo lời sách Diễm Ca (6, 10). Mẹ đi trước và chuẩn bị cho Đấng là sự sống và ánh sáng chiếu soi loài người sẽ đến, và chính Mẹ cũng được chan hòa ánh sáng đó và rọi chiếu trên chúng ta.
  • Trong lời nguyện hiệp lễ lễ sinh nhật Đức Mẹ, Hội Thánh cũng cầu nguyện: Xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời”.


Đức Maria chào đời đem lại niềm vui cho toàn thể nhân loại

  • Khi một trẻ thơ sinh ra trong một gia đình, toàn thể gia đình vui mừng. Khi Đức Maria chào đời, ngài đem lại niềm vui cho toàn thể nhân loại bởi vì ngài là hừng đông của ngày cứu độ. Đức Maria là bà Evà mới. Bà Evà đã nói không với kế hoạch của Thiên Chúa còn Đức Maria đã thưa vâng, và Mẹ là niềm hy vọng tuyệt vời cho tất cả chúng ta. Nhờ sự vâng phục của Mẹ, ơn cứu độ đã đến cho mọi người, và cùng với ơn cứu độ là niềm vui bao la. Vậy, nếu tại các nước còn theo nền quân chủ, người ta mừng sinh nhật của các vua hay nữ hoàng, thì phần chúng ta phải làm gì để mừng kính sinh nhật của Mẹ Thiên Chúa, nhờ Mẹ mà nhân loại được đổi mới, nhờ Mẹ mà hình phạt bà Evà biến thành niềm vui và cũng nhờ Mẹ mà ngày hôm nay chúng ta được thừa hưởng phúc lành?
  • Khi mừng kính lễ sinh nhật Đức Mẹ, Hội Thánh liên tưởng đến niềm hy vọng bao la của biết bao bà mẹ trong suốt thời kỳ thai nghén. Phải, trái tim bé bỏng bắt đầu đập là dấu chỉ của lòng từ ái của Thiên Chúa. Chính Ngài, là Chúa tể trời đất, là Đấng đã lập trình như thế chứ không phải các bà mẹ. Ai có thể khiến cho tình yêu sẽ ngự trị trong cuộc sống của thai nhi bé nhỏ này mà trái tim là biểu tượng? Nhân ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta nghĩ đến tất cả những nỗi lo âu, những niềm hy vọng, những lời cầu nguyện của tất cả các bà mẹ đang chờ sinh con và phó thác nơi Đức Maria. Chúng ta cũng muốn chung vui với các bà mẹ trẻ, lần đầu tiên được ôm con trên đôi cánh tay, và niềm vui của các người cha được  nhìn ngắm hoa trái tình yêu của họ.
  • Sau hết, nhân dịp mừng lễ sinh nhật của Đức Mẹ, thật là một điều tốt đẹp và bổ ích nếu mỗi người chúng ta nhớ lại trong tâm trí rạng đông sáng ngời của những buổi đầu, khi chúng ta mới bước chân vào đời…Đồng thời, khi nhìn lại, dưới ánh sáng của Tin Mừng, mọi yếu đuối, thất vọng hay tội lỗi của mình, chúng ta cũng nên để cho Chúa thanh tẩy đời sống chúng ta. Chúng ta có thể cầu xin cùng Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ hoàn toàn tinh tuyền, giúp chúng ta tìm lại niềm phấn khởi ban đầu hầu có sức khắc phục những yếu đuối của ngày hôm nay, ngày mai và mãi mãi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *