27.9.2021 – THỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
Lc 9,46-50
“Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,48)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Người thầy hỏi học trò:
- Theo con, giữa bình trà với ly trà, cái nào nhận được nước trà?
- Thưa Thầy, là ly trà được nhận nước ạ.
- Vậy muốn nhận nước trà, ly trà phải nằm cao hơn hay thấp hơn bình trà?
- Dạ thưa thầy, ly trà phải nằm thấp hơn bình trà.[1]
Câu chuyện có ý răn dạy con người phải biết sống khiêm tốn, đặt mình ở vị trí xứng hợp để mưu ích cho bản thân. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn dạy ta đi xa hơn sự khiêm tốn, đó là biết hạ mình, trở nên người rốt hết trong tất cả mọi người: “ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”
Chúng ta thường có xu hướng đánh giá người khác dựa trên sự giàu sang, quyền lực hay địa vị của người ấy. Chính vì thế mà nhiều người đã ra sức tìm kiếm tiền bạc, chức quyền, địa vị…bằng mọi cách, kể cả làm những điều sai trái. Ngay giữa hàng ngũ các Tông đồ, những người từng được ở với Chúa Giêsu cũng vẫn có suy nghĩ phân biệt cao thấp, tranh giành lớn nhỏ… Đức Giêsu đã đảo ngược tiêu chuẩn của họ khi Người ôm một em bé vào lòng. Chưa có vị Rabbi nào lại quan tâm đến trẻ nhỏ và những người kém cỏi như thế. Họ chỉ quan tâm đến những người đáng kính nể, chứ hạng đàn bà con nít thì chỉ nhận được sự nghiêm nghị và xa cách mà thôi.
Đối với Chúa Giêsu, “điều quan trọng không phải là trở thành người lớn nhất, nhưng là người gần gũi Chúa Kitô nhất, và để đón nhận Chúa Kitô thì phải tiếp đón Người ở giữa những thành phần bé nhỏ nhất.”[2] Do đó, khuôn mẫu của một vị lãnh đạo theo cách của Chúa Giêsu là “phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.[3] Khi đón tiếp một em nhỏ hay những người yếu thế trong xã hội nhân danh Đức Giêsu, tức là mang trong mình sự đơn sơ, không mưu cầu tư lợi cho bản nhân và biết phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người xây dựng một Giáo hội mà trong đó, những người thấp hèn nhất cũng không bị bỏ quên, và những người lãnh đạo biết hạ mình phục vụ mọi người như người nhỏ bé nhất.
Chính Đức Giêsu đã đồng hóa mình với những người bé mọn, hèn kém, dễ bị tổn thương nhất: những người nghèo đói, bệnh tật, tội lỗi. Nhờ đời sống cầu nguyện, Thánh Vinh Sơn Phaolô mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ, đã nhận ra dung mạo của Chúa Giêsu đau khổ nơi những người nghèo, những trẻ em. Ngài đã đi nhặt các trẻ sơ sinh bị vứt bỏ trong thùng rác, gốc cây…đem về chăm sóc cho thành người. Trong khi xã hội muốn loại trừ những người nghèo già yếu vô gia cư và đem nhốt họ để “làm sạch” thành phố, Thánh Vinh Sơn đã cố gắng để có một ngôi nhà cho họ ở, chữa bệnh và tạo công ăn việc làm cho họ sống đúng với phẩm giá con người. Ngày nay, các con cái nam nữ của cha Vinh Sơn vẫn tiếp tục phục vụ người nghèo cả về thể xác lẫn tinh thần.
Cùng với Đức Giêsu, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về sự khiêm hạ. Mẹ nhìn nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn”[4] của Thiên Chúa, để phục vụ kế hoạch cứu độ toàn thể nhân loại. Mẹ sẵn sàng giúp đỡ chị Elisabeth, giúp đám cưới tại Cana…Với một đời sống đơn sơ, khó nghèo và âm thầm hy sinh, Mẹ kết hiệp mọi đau khổ của Mẹ với công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu. Phúc Âm không hề nói đến sự có mặt của Mẹ khi Chúa Giêsu thành công lừng lẫy, nhưng lại kể chuyện Mẹ đi tìm gặp Chúa khi người ta nói Chúa bị mất trí. Mẹ theo sát Chúa trong cuộc khổ nạn cho đến khi Chúa được an táng trong mồ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sẵn sàng giúp đỡ mọi người cách âm thầm và khiêm tốn.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con cảm nhận sâu xa sự khiêm hạ của Chúa Giêsu và của Mẹ, để con sống khiêm nhường với hết mọi người.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/953439445519237)
[1] X. https://minhchantuong.com/dao-duc-truyen-thong/bai-hoc-ve-su-khiem-ton/
[2] Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải, tr 1756
[3] Mc 9,35
[4] Kinh Magnificat.