fbpx

Tìm hiểu Kinh Mân Côi

Tháng 10 đã trở về, gợi lên trong  tâm hồn nhiều tín hữu công giáo, cách riêng tại Việt Nam, niềm hân hoan mong chờ họp nhau lần chuỗi Mân Côi để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria. Năm nay, do bị ngăn trở bởi đại dịch covid, người tín hữu không thể tụ tập để tổ chức những cuộc đọc kinh lần chuỗi Mân Côi chung, trong suốt tháng 10 này, làm dấy lên một bầu khí đạo đức và huynh đệ trong các gia đình và toàn giáo xứ.

Để tránh cho việc đạo đức tốt lành này trở thành máy móc, làm theo thói quen,  như đã từng thấy qua bao nhiêu thế hệ, bài học hỏi và suy niệm này muốn tìm hiểu sâu hơn nguồn gốc và lịch sử của kinh Mân Côi cũng như giá trị và lợi ích của việc thực hành đạo đức này mà đã được thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, từ nhiều thế kỷ qua, luôn tán thành và cổ võ.

Thế nhưng, trước hết, trong tiếng Việt, chúng ta cần phải xác định từ Mân Côi là gì.

1. Kinh Mân Côi là gì?

  • Trong tiếng La tinh, Mân Côi gọi là Rosarium. Trong cách đọc hán việt kinh Mân Côi được đọc là Mai Côi Kinh. Trong một cuốn từ điển Hán Việt thì từ “Mai Côi” được  định nghĩa là cây hoa hồng và thứ ngọc màu đỏ. Từ Mai Côi có nhiều biến thái khác như Vân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi, Mân Côi. Từ Mai Côi là đúng nhất, các từ khác chỉ là âm khác của Mai và Côi (“Côi” cũng được phát âm là “Khôi”)

           Từ “Rosarium” trong tiếng la tinh ban đầu có nghĩa là vườn hoa hồng (tiếng Pháp là Roseraie), sau này chỉ cái vòng hoa hồng mà người ta kết và đặt trên đầu các tượng Đức Mẹ vào thời Trung Cổ. Những bông hoa hồng đó tượng trưng cho các kinh nguyện mà người ta dâng kính Đức Mẹ. Mỗi một hoa hồng tượng trưng cho một kinh Kính Mừng. Cái mà chúng ta ngày nay gọi là xâu chuỗi hay tràng hạt xuất phát từ tiếng pháp “chapelet” có nghĩa là cái mũ nhỏ (“petit chapeau”) cũng có nghĩa là vòng hoa (couronne).  Từ đó phát sinh ý tưởng dùng một xâu hạt để cầu nguyện với Đức Mẹ. Tập tục này đã thịnh hành từ thế kỷ thứ 12 và đã được thánh Bênađô (dòng Xi-tô) góp phần phổ biến. Sang thế kỷ 13 thánh Đaminh cũng làm như vậy và truyền cho các tu sĩ trong Dòng đeo một xâu chuỗi ở đai lưng.

        Vậy  kinh Mân Côi là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ.  Kinh Mân Côi  được chia làm thành từng chục và bao gồm 200 kinh. Ở mỗi chục  bao gồm một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và cuối cùng là một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm: Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.

 2. Lịch sử kinh Mân Côi

          Lịch sử hình thành  kinh Mân Côi kéo dài từ thời Trung Cổ, nghĩa là từ thế kỷ 12 cho đến thế kỷ 16. Vào thế kỷ 12, việc đọc kinh Kính Mừng được phổ biến bên Tây Phương. Người ta đọc một tràng 150 kinh Kính Mừng, dựa theo tục lệ nơi một số đan viện cho phép các đan sĩ, gọi là qui sĩ (frère convers) không phải là giáo sĩ, không  biết đọc biết viết, được thay thế kinh nhật tụng bằng 150 kinh Lạy Cha (thay vì đọc 150 thánh vịnh bằng tiếng la tinh). Để đếm các kinh ấy, các thầy dòng dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây, gọi là “tràng hạt kinh Lạy Cha”. Sau đó, giáo dân bắt chước các thày dòng đọc 150 kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ thay vì 150 kinh Lạy Cha. Dù sao vào thời ấy, kinh Kính Mừng chỉ gồm có lời của sứ thần Gabriel và lời của bà Êlisabeth, nghĩa là chỉ dài bằng nửa kinh chúng ta đọc ngày nay, bởi vì phần thứ hai của kinh Kính Mừng chỉ thành hình trong những thế kỷ 14-15. Mặt khác, các đan sĩ cũng không đọc một mạch 150 kinh Lạy Cha, nhưng họ chia thành 3 phần tương ứng với những giờ kinh phụng vụ. Dựa theo tục lệ ấy, đan sĩ Henricô Kalkar (dòng Chartreux: một dòng khổ tu chiêm niệm do thánh Bruno sáng lập năm 1084) cũng chia “bộ thánh vịnh Đức Mẹ” thành 15 chục; ở đầu mỗi chục thì thêm kinh Lạy Cha. Cũng vào thời này mà nảy ra truyền thuyết về việc Đức Mẹ ban tràng hạt cho thánh Đaminh (1170-1221). Truyền thuyết này được tu sĩ Alain de la Roche, chân phước, dòng Đaminh (1428-1475) quảng bá. Thực ra  kinh Mân Côi (việc đọc 150 kinh Kính Mừng) đã ra đời trước thánh Đaminh (1170-1221) nhưng thánh Đaminh và các tu sĩ của Dòng đã có công phổ biến, không những khi giảng thuyết mà còn qua các hiệp hội thánh mẫu (hội Mân Côi). Phải đến thế kỷ 16 người ta mới kèm theo việc suy niệm các mầu nhiệm Tin Mừng kèm theo việc đọc kinh Kính Mừng.

        Vào khoảng những năm 1410-1439, đan sĩ Đôminicô nước Phổ (bây giờ là Đức) (dòng Chartreux, ở Cologne (Đức) đã đề nghị một hình thức mới để đọc “Thánh vịnh Đức Mẹ”: thay vì đọc 150 kinh Kính Mừng thì rút còn 50 thôi, nhưng mỗi kinh Kính Mừng được kết thúc với một đoạn Tin Mừng ngắn tưởng nhớ các mầu nhiệm của Đức Kitô : 14 câu nhắc tới cuộc đời ẩn dật, 6 câu nhắc tới đời công khai; 24 câu tưởng nhớ cuộc tử nạn; và 6 câu kính nhớ cuộc khải hoàn của Chúa và Mẹ Maria. Sáng kiến này được nhiều người tán thành và hưởng ứng noi theo.

       Sau này, “Thánh vịnh Đức Mẹ” được đổi tên thành “vòng hoa hồng Đức Trinh Nữ Maria” (Rosarium có nghĩa là vòng hoa hồng).  Vòng 150 kinh được chia thành 3 phần: mỗi phần dành cho việc suy niệm các mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn, Vinh hiển của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Vào năm 1521, một tu sĩ cũng dòng Đaminh đã đơn giản cách đọc kinh bằng việc phân chia ba mầu nhiệm lớn thành 15 mầu nhiệm nhỏ.

3. Các  Đức giáo hoàng và  kinh Mân Côi


Đức Giáo Hoàng Sixtô IV

  • Đức giáo hoàng Sixtô IV (1471-1484). Phải đi ngược lên đến thế kỷ 15, ta mới thấy kinh Mân Côi được Giáo Hội công giáo chính thức chuẩn nhận. 
  • Thánh giáo hoàng Piô V, (1566-1572). Sang thế kỷ 16, đức Piô V, dòng Đaminh, năm 1569, đã xác định việc đọc kinh Mân Côi và cơ cấu hóa  kinh này, chia thành 15 mầu nhiệm. Cũng chính ngài đã thiết lập lễ kính Đức Bà Mân Côi (ban đầu gọi là Đức Bà Chiến thắng (Notre-Dame de la Victoire) để kính nhớ việc chiến thắng đạo quân Thổ nhĩ kỳ trong trận hải chiến ở vịnh Lêpantô, ngoài biển phía Tây Hy Lạp, ngày 07/10/1571) mà Đức thánh cha tin là nhờ vào sự bầu cử của Đức Mẹ Mân Côi, vì trước đó ngài đã yêu cầu toàn thể Giáo Hội lần chuỗi Mân Côi khấn xin Đức Mẹ cứu giúp.

Từ đó đến nay, các vị giáo hoàng không ngừng khuyến khích việc lần hạt Mân Côi.

  • Đức Lêô XIII (1878-1903). Đặc biệt ngài đã ban bố 12 thông điệp và 2 tông thư để cổ võ và  khuyến khích việc đọc  kinh Mân Côi và ban nhiều ân xá kèm theo. Năm 1883, Ngài đã long trọng ấn định tháng 10 từ năm đó sẽ hoàn toàn được dâng hiến cho “Nữ Vương Mân Côi” và thiết lập tháng 10 sẽ là tháng Mân Côi. Cũng chính Ngài từ năm đó đã cho thêm vào kinh cầu Đức Bà, lời cầu “Nữ Vương rất thánh Mân Côi”. Năm 1893, trong thông điệp Laetitiae Sanctae (=Niềm vui thánh thiện), ngài khẳng định “hoàn toàn xác tín việc thực hành  kinh Mân Côi có khả năng làm phát sinh sức mạnh  tinh thần và đem lại dồi dào hoa trái, không những cho các cá nhân mà còn cho toàn thể xã hội”, 

            Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima, việc đọc  kinh Mân Côi càng được đẩy mạnh hơn nữa.

  • Đức Piô XI, năm 1937, nhận xét rằng, thế kỷ đầy kiêu căng ngày nay, từ chối kinh Mân Côi, tuy kinh này được vô số người thánh thiện thuộc mọi lứa tuỗi và địa vị quý mến. Ngài kêu gọi các tín hữu đọc  kinh Mân Côi tại gia ngõ hầu “các kẻ thù của Thánh Danh Thiên Chúa bị đẩy lui, thúc đẩy ăn năn sám hối và quay về đường ngay nẻo chính, cậy dựa vào sự che chở và bảo trợ của Đức Mẹ”.
  • Thánh giáo hoàng Gioan XXIII (1958-1963) tâm sự rằng ngài đọc thêm mỗi ngày 10 kinh Kính Mừng để cầu nguyện và phó thác cho Chúa Giêsu tất cả các trẻ sơ sinh trong 24 giờ trước đó. Trong một thông điệp ban hành năm 1959, ngài khuyến khích việc cầu nguyện hằng ngày và khẳng định rằng: “ kinh Mân Côi là một phương thế cầu nguyện suy niệm tuyệt hảo và ngài không bao giờ  bỏ lần chuỗi đầy đủ một ngày nào trong năm”. Ngài mời gọi các tín hữu lần hạt Mân Côi để cầu cho công đồng chung đang được chuẩn bị và cho mọi nhân đức kitô giáo mà người ta chờ đợi nơi Giáo Hội.
  • Thánh Giáo hoàng là Phaolô VI (1897-1978), sau công đồng Vatican II ban hành một tông huấn dành riêng cho việc tôn sùng Đức Maria, mang tựa đề là Marialis Cultus (=Tôn sùng Đức Maria) năm 1974, trong đó ngài bàn về kinh Truyền Tin và kinh Mân Côi, gợi lên một vài suy tư để làm cho “việc đọc  kinh Mân Côi được mạnh mẽ và ý thức hơn”, nhấn mạnh đến giá trị ngợi khen và cầu khẩn và nhất là tầm quan trọng của việc chiêm niệm. Ngài cũng tha thiết khuyến khích việc lần chuỗi Mân Côi trong gia đình.

 

  • Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ai cũng biết lòng sùng mộ sâu xa của vị giáo hoàng này đối với Đức Trinh Nữ Maria. Ngài đã nhiều lần khuyến khích việc đọc kinh Mân Côi  trong suốt 27 năm làm giáo hoàng.  Năm 2002, ngài ban hành một tông thư dành riêng cho  kinh Mân Côi với tựa đề là “Rosarium Virginis Mariae” (=Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria) trong đó ngài  giải thích sâu rộng ý nghĩa và giá trị của kinh này, nhấn mạnh đến việc chiêm ngắm Chúa Kitô (qua việc hồi tưởng, học hỏi, họa theo, khẩn cầu, loan báo).  Nhằm bổ túc cho chiều hướng đó, ngài thêm 5 mầu nhiệm sự Sáng (bao gồm sứ vụ công khai của Chúa Kitô ). Ngài nhiệt liệt kêu gọi các tín hữu sốt sắng và siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Cũng trong tông thư này, ngài công bố Năm Mân Côi từ tháng 10, 2002 đến tháng 10, 2003, để mời gọi các tín hữu “chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô cùng với Đức Maria”.
  • Đức Bênêđictô XVI (2005-2013) cũng ước muốn làm sinh động việc đọc kinh Mân Côi . Năm 2008, ngài nói tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả: “ Kinh Mân Côi không phải là một việc đạo đức lỗi thời mà người ta tiếc nhớ. Trái lại, kinh Mân Côi đang trải nghiệm một Mùa Xuân mới. Điều đó chắc chắn là một dấu chỉ hùng hồn nhất nói lên tình yêu của các thế hệ trẻ đối với Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ Người. Trong thế giới hết sức phân rẽ ngày nay, kinh nguyện này giúp chúng ta đặt Chúa Giêsu vào trung tâm”.

“Chuỗi Mân côi luôn đồng hành trong đời tôi” (ĐGH Phanxicô)

  • Đức Thánh Cha Phanxicô (2013- ). Vào tháng 10 năm 2018, ngài  xin các tín hữu cầu nguyện với  kinh Mân Côi mỗi ngày ngõ hầu Đức Maria cứu giúp Hội Thánh trong một thời kỳ bị đánh dấu bởi những tiết lộ về những lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ, các tu sĩ và giáo dân, gây ra những chia rẽ nội bộ.  Mới đây, trong một tông thư gửi cho hết các tín hữu, được công bố ngày 25 tháng 4 năm 2020, ngài khuyến khích tái khám phá vẻ đẹp của việc đọc kinh Mân Côi tại gia, đọc chung với nhau hay đọc một mình. Ngài còn soạn hai kinh nguyện dâng lên Đức Trinh Nữ, cầu khấn Mẹ Thiên Chúa cứu giúp trước những thách thức và những hoàn cảnh khốn quẫn do đại dịch covid gây ra. Ngài bảo đảm: “Chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô với trái tim của Đức Maria, Mẹ chúng ta, sẽ làm cho chúng ta hợp nhất với nhau hơn xét như là một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta thắng vượt cơn thử thách”. Trong lời giới thiệu cho một cuốn sách của một linh mục có tựa đề là “ Kinh Mân Côi, kinh nguyện của tâm hồn”, ngài viết: “ Kinh Mân Côi là kinh nguyện đi theo suốt đời tôi. Cũng là kinh nguyện của những kẻ đơn sơ và của các thánh…Đó là kinh nguyện của tâm hồn tôi

4. Ý nghĩa và giá trị của kinh Mân Côi

Trong tông huấn Marialis Cultus (Tôn sùng Đức Maria), đức Phaolô VI đã nêu lên những giá trị của  kinh Mân Côi và sau này Đức Gioan- Phaolô II đã triển khai sâu rộng hơn trong tông thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh nữ Maria). Đó là một kinh nguyện dựa trên Tin Mừng:  kinh Mân Côi nêu lên những mầu nhiệm chính rút ra từ các sách Tin Mừng và các công thức chứa đầy chất Tin Mừng.  Kinh Mân Côi giúp việc chiêm niệm, hỗ trợ kinh nguyện phụng vụ. Ta có thể tóm tắt những nét nổi bật của  kinh Mân Côi như sau:

  1. Kinh nguyện đơn giản. Kết cấu của nó chỉ gồm những kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh mà người tín hữu nào cũng thuộc lòng. Lời nguyện sau kinh Sáng Danh (“Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…” đã được thêm vào và được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1930, dựa theo lời tường thuật của ba trẻ tại Fatima theo đó Đức Mẹ dạy đọc lời nguyện này sau mỗi chục kinh. (Kinh này là tùy ý). Kinh Mân Côi thích hợp với những người đơn sơ và bình dân, và dành cho những tâm hồn khiêm nhu bé mọn.
  2. Kinh nguyện phản ánh lược đồ lời rao giảng tiên khởi của các tông đồ nghĩa là cuộc nhập thể, đời sống, cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô.
  3. Kinh nguyện tập trung vào mầu nhiệm nhập thể – cứu chuộc nên có chiều kích qui hướng rõ nét về Chúa Kitô. Tâm điểm của kinh Kính Mừng là những lời: “Và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ”. Ta có thể nói việc lặp lại kinh Kính Mừng làm thành cái nền trên đó diễn ra việc chiêm niệm các mầu nhiệm về Chúa Kitô và Đức Mẹ.
  4. Cơ cấu của kinh Mân Côi:

–           Kinh Lạy Cha: Sau khi nghe công bố Lời Chúa (mầu nhiệm suy ngắm), tâm trí chúng ta hướng lên Chúa Cha. Trong mỗi mầu nhiệm, Chúa Giêsu đều dẫn đưa chúng ta đến Chúa Cha mà Người luôn hướng lòng trí về.

–           10 kinh Kính Mừng: Phần đầu của kinh Kính Mừng rút ra từ lời chào của sứ thần Gabriel và của bà Êlisabeth, là một việc  chiêm ngắm thờ phượng mầu nhiệm được thực hiện nơi Đức Trinh Nữ Nazareth. Rõ ràng trọng tâm của kinh Kính Mừng là danh Chúa Giêsu.  Việc lặp lại kinh Kính Mừng giúp cho ta tham dự vào niềm hân hoan, thán phục, tâm tình tạ ơn trước mầu nhiệm vĩ đại nhất lịch sử loài người.

–           Kinh Sáng Danh: Việc tôn vinh Ba Ngôi là đích điểm của việc chiêm ngắm kitô giáo. Thực vậy, Chúa Kitô là con đường dẫn đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta không ngừng ở truớc mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh để ca tụng, tôn thờ và cảm tạ. Quả thực kinh Sáng Danh là chóp đỉnh của việc chiêm ngắm cần được làm nổi bật.

  1. Kinh nguyện chiêm niệm. Tuy đơn giản, nhưng kinh Mân Côi mang một nội dung phong phú, bởi vì đi đôi với việc đọc kinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của đức tin kitô giáo. Không có chiêm niệm,  kinh Mân Côi trở thành cái xác không hồn và có nguy cơ biến thành việc lặp đi lặp lại những công thức như cái máy, điều Chúa Giêsu đã quở trách. Trái lại, việc lặp lại những câu kinh tạo ra sự thanh thản trong tâm hồn để có thể chiêm ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu thế.
  2. Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ. Kinh Mân Côi không phải là một cử hành phụng vụ nhưng đầy chất Kinh Thánh và xoay chung quanh mầu nhiệm Chúa Kitô, đặc biệt là mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua (=Tử nạn-Phục sinh) . Nhờ tình yêu phát sinh từ việc chiêm ngắm, giúp người đọc  kinh Mân Côi tưởng nhớ đến các mầu nhiệm và kích động ý chí rút ra những qui luật cho đời sống. Vì vậy  kinh Mân Côi là việc chuẩn bị tâm hồn tín hữu rất tốt dẫn đến việc cử hành các bí tích, cách riêng là bí tích Thánh Thể. (Tuy nhiên, có một sai lầm vẫn tồn tại ở một vài nơi là lần chuỗi trong khi tham dự cử hành phụng vụ, đặc biệt là trong khi tham dự thánh lễ).
  3. Kinh nguyện đi sát với cuộc đời. Khi cùng với Đức Maria rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ qua những chặng đường từ Narareth, Bêlem, Giêrusalem, qua những biến cố vui, thương, buồn, người tín hữu tìm thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình , trộn lẫn vui buồn, âu lo và hy vọng. Vì vậy, trong cuộc gặp gỡ với cuộc sống tại thế của Đấng cứu chuộc, chúng ta có thể đem đến vô số những khó khăn, lo toan, mệt nhọc và dự án ghi dấu cuộc đời mình. “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 55, 23). Suy ngắm kinh Mân Côi cốt tại việc trao phó những gánh nặng của chúng ta cho trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Kitô và Mẹ thánh Người”.

KẾT

Sau khi tìm hiểu về  kinh Mân Côi, nhất là sự chuẩn nhận và tán thưởng cổ võ của các Đức giáo hoàng xuyên qua bao nhiêu thế kỷ, chúng ta không còn có thể hoài nghi gì về giá trị và sự cần thiết của  kinh Mân Côi. Người tín hữu công giáo chúng ta có huấn quyền của Giáo Hội, thay mặt Chúa Kitô dẫn dắt đoàn chiên Chúa, không thể sai lầm về mặt đức tin và luân lý.

Trong tông thư  “Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria”, Đức Gioan-Phaolô II năm lần nhắc đến một nhân vật người Ý, tên là Bartolo Longo (1841-1926). Trước khi trở thành luật sư, anh đã sống một cuộc đời phóng túng, tham dự những buổi chiêu hồn. Khi được 30 tuổi, anh gặp được một linh mục Đaminh đưa anh trở về với đức tin công giáo. Sau một cuộc hành trình trở lại kéo dài, anh gia nhập Dòng Ba Đaminh và hiến thân làm nhiều công việc từ thiện giúp người nghèo và các con em những người bị giam tù. Một ngày kia đi đến Pompêi (gần Napôli) nơi đã xảy ra thảm họa núi lửa phun năm 79 sau công nguyên vùi lấp toàn thành phố và vùng lân cận, trong khi đang gặp khủng hoảng và tuyệt vọng, bỗng anh nghe có tiếng nói bên tai: “Nếu con tìm kiếm ơn cứu rỗi, hãy phổ biến  kinh Mân Côi”. Bốn năm sau, Bartolo Longo quyết tâm hiến thân cho công trình vĩ đại nhất của cả cuộc đời là việc xây dựng một thánh đường tại Pompêi dâng kính Đức Bà Mân Côi. Ông thành lập nhiều hiệp hội đạo đức và từ thiện, đặc biệt là Tu hội Các Nữ Tử Rất thánh Mân Côi. Ông còn soạn nhiều bản kinh dâng kính Đức Mẹ. Ông qua đời năm 1926, ở tuổi 85, dâng tất cả tài sản cho Tòa Thánh. Đức giáo hoàng Gioan- Phaolô II đã tuyên phong ông lên hàng chân phước năm 1980 và tuyên bố ông là “Tông đồ của  kinh Mân Côi”. Bartolo Longo định nghỉa  kinh Mân Côi là “sợi dây xích êm ái nối kết ta với Thiên Chúa”..

Vì thế, để kết thúc bài này, chúng ta có thể noi gương thánh giáo hoàng Gioan- Phaolô II, mượn một đoạn trong lời khẩn cầu của chân phước Bartolo Longo dâng lên Nữ Vương rất thánh Mân Côi:

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II

“Ôi tràng hạt Mân Côi rất thánh của Đức Maria, là sợi dây xích ngọt ngào nối kết chúng tôi với Thiên Chúa, là mối dây tình yêu liên kết chúng tôi với các thiên thần, là ngọn tháp cứu độ chống lại những cuộc tấn công của hoả ngục, là bến an toàn trong thế giới đắm chìm của chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ tràng hạt này. Tràng hạt Đức Mẹ Mân Côi sẽ là nguồn an ủi của chúng tôi trong giờ lâm tử: chúng tôi sẽ hôn kính lần cuối khi cuộc sống sắp tắt. Và lời cuối cùng thốt ra từ miệng chúng con sẽ là danh thánh ngọt ngào của Đức Mẹ, lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi tại Pompei, lạy Mẹ rất yêu dấu, Nơi nương ẩn của các tội nhân, Đấng ủi an tối cao những người sầu khổ. Xin chúc tụng  Mẹ khắp mọi nơi, hôm nay và mãi mãi, dưới đất cũng như trên trời. Amen”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *