18.10.2021 – THỨ HAI – LỄ THÁNH LUCA
Lc 10,1-96
“LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG MÀ THỢ GẶT LẠI ÍT…” (Lc 10,2)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Có lần, mấy nhà truyền giáo đang làm việc ở Ấn Độ đến gặp Mahatma Gandhi và hỏi ông bí quyết để truyền giáo cho người Hindu. Ông Gandhi mời các vị ấy suy nghiệm bí quyết từ cánh hoa hồng. Người ta thích hoa hồng không phải chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài, mà còn vì mùi hương quyến rũ từ bên trong tỏa ra. Ông kết luận: muốn truyền giáo thành công, phải sống gắn kết với Chúa và rao giảng bằng chính gương sống cụ thể hơn là bằng lý thuyết suông. Tục ngữ Việt Nam cũng nói “hữu xạ tự nhiên hương” là vậy.
Quả thế, truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, cho thấy sức sống của một Giáo hội được sai đi. Cánh đồng truyền giáo mênh mông luôn thiếu những thợ gặt lành nghề, những chứng nhân tỏa hương nhân đức. Nhóm bảy mươi hai môn đệ được Chúa Giêsu sai đi hôm nay khác với nhóm mười hai Tông đồ. Nếu các tông đồ là thành phần ưu tuyển, có danh tính rõ ràng, như các linh mục, tu sĩ ngày nay, thì nhóm bảy mươi hai là giáo dân, là tất cả các Kitô hữu, những người đã được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy.
Ý thức mình chỉ là thợ gặt chứ không phải là người gieo, cũng không tốn công chăm bón. Chính Đức Giê-su là Hạt Giống, mà Thiên Chúa đã gieo vào thế gian và Chúa Thánh Thần tác động cho nẩy mầm và sinh hoa kết trái. Như thế, khi được người ta đón nhận Tin Mừng, người môn đệ được sai đi sẽ không tự mãn vì tài năng hay công sức của riêng mình, cũng không thất vọng khi bị người ta từ chối không đón tiếp. Hành trang duy nhất người môn đệ cần có không phải là những phương tiện vật chất như “túi tiền, bao bị, giày dép…”(c.4), mà chính là lối sống khó nghèo, đơn sơ, phó thác tất cả nơi Thiên Chúa. Chính lối sống đó nói lên sự bình an nội tâm của người môn đệ và là lời chúc bình an hữu hiệu dành cho những ai đón nhận Tin Mừng, là lời công bố ơn cứu độ, sự giải thoát và là dấu chỉ “Triều Đại Thiên Chúa đã đến”(c.9).
Hôm nay, Giáo hội mừng kính Thánh Luca, một trong những người giáo dân nhiệt thành của Giáo Hội sơ khai. Vốn là một y sĩ, Luca cộng tác chặt chẽ với thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng. Ngài là tác giả sách Tin Mừng thứ III và sách Tông đồ Công Vụ.[1] Tuy nhiên, truyền giáo không chỉ là việc ra đi đến những vùng đất xa xôi, gặp những con người xa lạ, khác văn hóa, nhưng còn là bằng lời cầu nguyện hy sinh và đời sống tốt lành hàng ngày. Têrêsa Hài đồng Giê-su, vị nữ tu trẻ chỉ ở trong bốn bức tường của Dòng Kín, đã trở thành bổn mạng các xứ truyền giáo, đem được rất nhiều linh hồn về với Chúa nhờ lời cầu nguyện và biết bao hy sinh trong đời sống thường ngày.
Thế giới đầy lo âu vì đại dịch hôm nay rất cần được nhìn thấy nơi mỗi Kitô hữu chứng tá của một niềm xác tín hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng yêu thương và quan phòng mọi sự, một thái độ sống khiêm tốn, quảng đại, và liên đới với anh chị em xung quanh.
Đức Maria, nhà truyền giáo tuyệt vời đã được diễm phúc cưu mang Ngôi lời trong cung lòng và đem Chúa đến cho nhân loại, đại diện là Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Elizabeth. Mẹ không chỉ là làm cho con người biết đến Chúa Giêsu, mà còn chỉ cho con người cách nên giống Chúa Giêsu nữa. Sau khi Chúa Giê-su về trời, Mẹ đã ở giữa các môn đệ để nâng đỡ, dạy họ cầu nguyện và cùng cầu nguyện với họ xin Chúa Thánh Thần ngự xuống khi họ chuẩn bị thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi xác tín về sứ mạng truyền giáo của mình và sống tích cực sứ mạng này bằng đời sống khiêm nhường, bác ái, quan tâm tới những người bé mọn.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con cách làm cho mọi người nhận biết Chúa bằng chính đời sống khiêm nhường và bác ái nha Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho Giáo Hội có nhiều thợ gặt sẵn sàng ra đi loan báo và làm chứng cho Tin mừng.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/966937607502754)
[1] Col 4,14: 2 Tm 4,10-12