[1]Được Thiên Chúa Sai Đi, Qua Các Thế Kỷ
Với Tư Cách Sứ Giả Của Niềm Hy Vọng
Bên Cạnh Người Nghèo Và Những Người Tội Lỗi.
Thiên chức làm mẹ thiêng liêng của Đức Maria không giới hạn ở thời gian cuộc đời trần thế của Mẹ. Sau khi đã về trời và sống đời đời, Mẹ tiếp tục đồng hành với Giáo Hội trên con đường dương thế. Sứ mạng từ mẫu của Mẹ trong Giáo Hội vẫn liên tục, vai trò của Mẹ trong ơn cứu độ không chấm dứt[2]. Đức Maria tiếp tục thực hiện với Giáo Hội những gì Mẹ đã làm với Chúa Giêsu: Mẹ chăm sóc tất cả các con cái đã được Ngài trao phó, Mẹ luôn chạy đến nơi mà người ta có nhu cầu.
Thật vậy, mọi cuộc hiện ra của Đức Maria ở nơi này, nơi khác là sự kéo dài của mầu nhiệm “Thăm Viếng”. Với sự tế nhị của một người mẹ tuyệt vời, Mẹ ưu tư cho con cái được cứu độ và với Chúa Giêsu, Mẹ không muốn mất một người con nào. Qua mỗi cuộc hiện ra, Mẹ đi vào tương quan với những người có thị kiến, tỏ cho họ trái tim từ mẫu của Mẹ và giúp họ khám phá ra hay tái khám phá ra Thiên Chúa yêu thương họ biết bao, làm cho họ được chan chứa NIỀM HY VỌNG.
Đức Maria không có nguyện vọng nào khác là chứng tỏ cho con người tình thương và sự an ủi của Đức Kitô. Những cuộc chữa lành về thể xác, nhất là về tinh thần có được nhờ mẫu Ảnh Phép Lạ là một thí dụ tuyệt vời về điều đó. Những cuộc hiện ra của Đức Mẹ trên thế giới thì rất nhiều, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về một vài nơi đã được Giáo Hội công nhận và đã trở thành nơi hành hương tôn kính Mẹ.
Đức Mẹ đã tới thăm viếng các con cái của Mẹ tại Lộ Đức, Fatima, Lavang…
đem đến cho họ tình yêu thương ấm áp của Mẹ
và Mẹ trở nên SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG cho con người.
Tại Lộ Đức cũng như ở Fatima, chúng ta rất dễ dàng nhận ra Đức Mẹ lo lắng biết bao về ơn cứu độ cho con cái mình. Đối với Đức Mẹ, đây là việc quan trọng hàng đầu, một vấn đề sinh tử. Đức Mẹ nói với cô bé Bernadette Soubirous, năm 1858: “Hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi. Hãy sám hối cho những người tội lỗi”… Năm 1917, khi hiện ra với ba trẻ nhỏ ở Fatima, Ðức Mẹ đã truyền dạy phải thực hiện 3 mệnh lệnh để cứu nhân loại và cứu các linh hồn khỏi lửa hỏa ngục. Đó là Ăn năn đền tội, và cải thiện đời sống-Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Ðức Mẹ-Lần Chuỗn Mân côi.
Gần gũi chúng ta hơn là Đức Mẹ La-vang. Mẹ đã hiện ra năm 1798 tại Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị. Đức Mẹ không chỉ hiện ra để an ủi vỗ về giáo dân đang phải lẩn trốn vì bị bách hại, dạy người ta hái lá cây về nấu nước uống để được khỏi bệnh; nhưng còn để củng cố đức tin cho con cái của Mẹ, sẵn lòng hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để thánh hóa bản thân và mưu ích cho Giáo Hội và xã hội. Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận đã tóm tắt sứ điệp La-vang: “Dựa vào những dữ kiện được rao truyền về Ðức Mẹ đã hiện ra cách đây 200 năm tại vùng rừng núi hẻo lánh La-vang, nơi ẩn lánh của những người Công giáo Việt Nam đang chịu khốn nạn vì Ðạo Ngay. Dựa vào những lời kinh của ông bà ta ngày xưa cầu nguyện cùng Ðức Mẹ La-vang, và cách ông bà ta hiểu biết và sống sứ điệp ấy,để mời gọi người Việt Nam Công giáo hôm nay tích cực thánh hoá bản thân, phục vụ Xã hội và Giáo hội”[3].
Thánh hoá bản thân gồm 5 điểm, điểm đầu tiên là CẦU NGUYỆN. Phục vụ Giáo hội và Xã hội cũng gồm 5 điểm, điểm cuối cùng là CHỨNG NHÂN HY VỌNG. Đây là hai điểm then chốt cho đời sống người tín hữu, biến họ thành “muối”, thành “men” có khả năng làm “dậy men” ngay trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Đối với Gia Đình Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn, chúng ta đã quá rõ qua những lần hiện ra với Sơ Catherine Labouré, Đức Mẹ mời gọi Sơ và chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để múc lấy ánh sáng và năng lượng cần thiết cho cuộc sống làm con của Chúa và dấn thân phục vụ tha nhân. Ngoài ra, Mẹ còn ban cho chúng ta một phương tiện đơn sơ, cụ thể và rất hữu hiệu là mẫu Ảnh Phép Lạ. “Mẫu Ảnh sẽ trở nên Ánh Sáng, dẫn dắt những ai đeo Ảnh này và làm cho họ trở nên SỨ GIẢ HY VỌNG”[4]. Câu chuyện “một ơn lạ phi thường” của Alphonse Ratisbonne là một bằng chứng cụ thể.[5]
Bản chất của mỗi người tín hữu chúng ta là truyền giáo. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy mạnh dạn ra đi khỏi chính mình để loan báo Tin Mừng Chúa yêu thương chúng ta, mang đến cho người khác những gì chúng ta mang trong tim mình, theo đường hướng của Giáo Hội, qua Đức Thánh Cha Phanxicô: “những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra”.[6]
[1] Anne Prévost, NTBA-Tiếng vang Tu Hội số 5/2015 trang 71tt
[2] X. Lumen gentium số 62
[3] HY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Nguồn www.catholic.org.tw
[4] https://gdanhducmebanon.org/2019/03/17/mau-anh-duc-me-ban-on/
[5] https://gdanhducmebanon.org/mot-on-la-phi-thuong/
[6] Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2021