29.10.2021 – THỨ SÁU TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN
Lc 14,1–6
“Đức Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về” (Lc 14,4)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Năm 2014, mẹ tôi bị “hội chứng Cushing”, cả người phù lên nhưng cơ và khớp lại yếu nhược. Đã thế, chạm đến chỗ nào trên người thì mẹ tôi cũng kêu đau, ngay cả khi bác sĩ khám bệnh sờ nắn rất nhẹ nhàng, mẹ tôi cũng không chịu nổi. Nhìn mẹ đau như thế, tôi chỉ ước ao có được liệu pháp thần kỳ nào để chữa cho mẹ khỏi bệnh ngay lập tức.
Trong Tin Mừng hôm nay, cũng có một người bị bệnh phù thũng đã đi theo Chúa Giêsu vào tận nhà ông thủ lãnh nhóm Pharisêu. Có lẽ ông biết hôm ấy là ngày sa-bát, nên ông không dám lên tiếng xin Người cứu chữa, nhưng ông lại đứng trước mặt Đức Giêsu và Người đã nhìn thấy ông trong tình trạng đau đớn như vậy. Người không thể cầm lòng được trước sự đau đớn ấy. Người quyết định hành động để cứu chữa ông.
Đức Giêsu biết rõ những người Pharisêu đang “cố dò xét Người”. Bởi vì hôm đó là ngày Sabát mà theo họ suy luận là “không được phép làm bất cứ việc gì”. Thế nên, Đức Giêsu lên tiến hỏi: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” Nhưng họ làm thinh cách cố chấp. Tuy thế, Người vẫn nhẹ nhàng đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về, vì Người không muốn trì hoãn việc “cứu người”. Người hành động vì lòng thương xót và với quyền năng của Thiên Chúa. Người chữa ông khỏi chứng phù thũng và ban lại sức khỏe, để ông trở về với cuộc sống của một con người khỏe mạnh thể xác và tinh thần.
Sau đó, với sự kiên nhẫn tuyệt vời, Đức Giêsu phân tích cho những người Pharisêu biết được giá trị của con người trước mặt Thiên Chúa, với câu hỏi: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” Đứa con trai mang giá trị của tình yêu, hoặc con bò có giá trị kinh tế đối với họ thế nào, thì đối với Thiên Chúa, mỗi một con người được Thiên Chúa dựng nên còn quý giá trước mặt Chúa hơn thế nữa. Chính vì vậy, luật ngày Sabát được làm ra để giải thoát con người,[1] giải thoát không chỉ khỏi lao dịch mà khỏi tất cả mọi gánh nặng của đau khổ, bệnh tật và cái chết.
Chắc hẳn trong cuộc sống, không ít lần chúng ta cũng cảm thấy việc buộc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật là một gánh nặng. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức được giá trị của chính mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy việc được tham dự thánh lễ để tôn vinh Chúa cùng với cộng đoàn Giáo Hội là một vinh dự, cho dù chỉ là tham dự thánh lễ trực tuyến. Đồng thời, khi đến trước mặt Chúa với tất cả nỗi thống khổ của mình như người bệnh kia, chúng ta luôn được Chúa đỡ lấy, chữa lành và cho về trong bình an, chúng ta sẽ được sống như những con người lành mạnh thể xác và tinh thần.
Cơn đại dịch vẫn chưa kết thúc. Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi chúng ta ra khỏi thái độ vô cảm trước sự tiều tụy, đói rách của anh chị em bên cạnh mình, đừng thờ ơ trước các vấn đề của người nghèo. Chúng ta không thể nhân danh bất cứ luật lệ nào để có thể từ chối hỗ trợ những người đang rất cần được giúp đỡ.
Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ Maria cũng luôn muốn chúng ta được sống trong bình an và hạnh phúc. Mẹ không ngần ngại vượt đường xa để giúp đỡ người chị họ đang rất cần được giúp đỡ. Mẹ cũng vượt lên thân phận người nữ để đến với Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana để chuyển cầu cho nhu cầu của họ. Ngày nay, Mẹ vẫn luôn ở bên, nâng đỡ và chữa lành cho bao người trên thế giới về phần hồn lẫn phần xác, và ban ơn hoán cải cho các tội nhân.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi quan tâm giúp đỡ những người nghèo, bệnh tật…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ khơi lại trong tim con ngọn lửa yêu thương, để con biết cảm thương, nâng đỡ và chữa lành những nỗi đau thể xác cũng như tâm hồn của người anh em con, để họ cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Chúa.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/973915536804961)
[1] X. Mc 2,27.