Lễ mừng trọng thể hằng năm: 08.12
Ngày 08.12.1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI, qua sắc chỉ Ineffabilis Deus:
“Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô , của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là ‘Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội ”(TCF: 204).
Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội này của Đức Maria đã được Thiên Chúa ban cho ngay từ giây phút Mẹ được thụ thai trong lòng bà thánh Anna. Đặc ân này có nghĩa là Mẹ không mắc tội tổ tông truyền và mọi tỳ ố do nguyên tội này gây ra. Nếu đi tìm trong Kinh Thánh chúng ta không thấy đoạn văn nào nói cụ thể về việc Đức Maria không mắc nguyên tội, nhưng có hai đoạn Kinh Thánh quan trọng mà Giáo Hội đã tìm thấy như là nền tảng, qua đó Thiên Chúa mạc khải đặc ân này:
- Sáng thế 3,15: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
- Luca 1, 3: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Vài hàng lịch sử:
Ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, người ta đã nhìn nhận sự thánh thiện của Đức Maria. Thêm vào đó, sau khi công đồng Êphêsô định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vào năm 431, niềm vui nở rộ trong Giáo Hội và người ta nhìn nhận nơi Đức Maria không có tội lỗi hay khuyết điểm nào. Thế nhưng, tiến trình hình thành tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội còn phải trải qua rất nhiều cam go.
- Năm 1568, thánh Giáo Hoàng Piô V đã đưa lễ ấy vào sách kinh La Mã, nhưng vấn đề Đức Maria vô nhiễm còn bị tranh luận nhiều.
- Năm 1617, một sắc lệnh của ĐGH Phaolô V cấm những người chống lại sự vô nhiễm nguyên tội, bênh vực công khai luận án của mình. Nhưng cùng lúc đó, tòa án dị giáo La Mã chống lại tước hiệu vô nhiễm dành cho Đức Maria và năm 1627 xin được một sắc lệnh tịch thu hết các sách mang tước hiệu đó.[1]
- Ở thế kỷ 17, hai Đấng Sáng Lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái là thánh Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660), và thánh Louise de Marillac (1591-1660) đã sống vào thời kỳ có cuộc chạm trán giữa những người tán thành sự vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria với những người bác bỏ điều ấy. Thế nhưng, nhờ sự suy niệm lâu dài về sự cao cả của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, các ngài đã có những trang tuyệt vời về tầm quan trọng của sự vô nhiễm nguyên tội: “Lạy Đức Trinh Nữ, con muốn ca ngợi Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Con Ngài và nhờ Ngài mà sự thụ thai của Mẹ được trong trắng không tì vết, vì Mẹ đã được ngăn ngừa trước nhờ công nghiệp của cái chết của Con của Mẹ.” [2]
Tuy nhiên, ý thức mình là con của Giáo Hội, các ngài tùy thuộc vào quyết định của Giáo Hội về vấn đề này; nhưng các ngài vẫn dạy các Nữ Tử Bác Ái phải noi gương các nhân đức của Mẹ, vì Mẹ là Thày dạy đời sống thiêng liêng. Hơn nữa, các ngài xin các Chị phải tha thiết cầu nguyện để nài van Mẹ che chở Tu Hội và xin Mẹ làm Mẹ duy nhất của Tu Hội.
- Đến thế kỷ 19, Đức Mẹ đã hiện ra với Sơ Catherine Labouré (1830), một Tập Sinh của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, tại nhà nguyện của nhà mẹ ở Paris, truyền đúc mẫu ảnh Đức Mẹ có hàng chữ: “Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ”, trao tặng cho người ta đeo vào cổ và đọc câu kinh này với lòng tin tưởng sẽ được Mẹ ban cho nhiều ơn lành trọng đại. Mọi việc được tiến hành theo lệnh truyền của Đức Mẹ và nhiều ơn lạ từ Trời được ban cho những người đeo ảnh và cầu nguyện với lời kinh trên, nên mẫu ảnh được người ta gọi là Ảnh Phép Lạ.
- Tuy nhiên, sứ điệp của các cuộc hiện ra này không phải chỉ tóm lại trong một loạt lời nói và cử chỉ của Đức Trinh Nữ Maria, hay của Mẫu Ảnh; nó còn là một khuôn mặt: Sơ Catarina Labourê. Chúng ta hãy nghe các lời nói của Đức Hồng Y Gerlier, Tổng Giám Mục Lyon, đã phát biểu tại nhà thờ Đức Bà Paris: “Sơ Catarina Labourê đã cộng tác vào công việc quan phòng này: việc định nghĩa tín điều vô nhiễm nguyên tội…Được Đức Trinh Nữ chọn, người bạn thân tín ưu việt của Mẹ là một thiếu phụ kín đáo và khiêm tốn, một tâm hồn tinh tuyền và thẳng thắn, không có khả năng bầy đặt ra sứ điệp mà Sơ không hiểu. Sơ là một dụng cụ, quí báu nhưng âm thầm, của một công việc thần linh: sự truyền bá việc tôn sùng Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”[3]
- 24 năm sau (1830-1854), Giáo Hội đã công nhận đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ là do Thiên Chúa ban và đã long trọng tuyên bố tín điều MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI, như đã nói ở trên.
- Tuyệt vời thay! 4 năm sau, vào ngày 25.3.1858, tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã xưng danh của mình, khi hiện ra với cô bé Bernadette: “Ta là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, như để phê chuẩn cho tín điều trên.
Đức Mẹ hiện ra với Sơ Catherine |
Đức Mẹ hiện ra với Bernadette |
Ơn vô nhiễm được ban cho Đức Maria, còn chúng ta thì sao?
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.[4]
“Chúng ta gọi là ân sủng tất cả những gì bắt nguồn từ Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng còn phải nẩy mầm trên trái đất chúng ta. Đức Maria thật sự đầy ân sủng, vì Chúa Giêsu đã sinh làm con của ngài, cũng như Người (Chúa Giêsu) vốn sinh làm con Thiên Chúa Cha từ trước muôn thuở”.[5] Khi chiêm ngắm Đức Maria, “Đấng đầy ân sủng”, chúng ta hiểu tất cả những gì Đức Maria “có”, Đức Maria “là” đều do Thiên Chúa ban tặng; chúng ta cần hiểu thêm là Đức Maria đã mở rộng lòng đón nhận những gì Chúa mời gọi và đáp lại cách rõ ràng và dứt khoát qua tiếng “XIN VÂNG”. Mẹ đã sống lời xin vâng đó ngày qua ngày cách trung tín, như một hành trình đức tin, cho đến khi về Trời gặp Đấng đã ban cho Mẹ đầy ân sủng. Còn chúng ta thì sao?
- [6]Chúng ta thường hay nghĩ Đức Maria gặp may, hoặc tại vì Thiên Chúa đã chọn Mẹ. Điều này đúng! Nhưng Đức Maria vô nhiễm không phải là một ngoại lệ, ngược lại Mẹ là qui luật hiện hữu theo Thiên Chúa, Mẹ là thụ tạo nhân bản nhất, không hề co cụm lại. Chính chúng ta mới là ngoại lệ, vì chúng ta không để cho Thiên Chúa thực hiện và không cho phép Thiên Chúa sử dụng chúng ta.
- Khi sứ thần đến truyền tin, Đức Maria có thể từ chối và không nhận lời mời này; nhưng dù chưa hiểu rõ, Mẹ đã hoàn toàn tự nguyện đáp lời Thiên Chúa và để Ngài tự do sử dụng mình trong kế hoạch cứu độ của Ngài. “Còn chúng ta muốn lắng nghe Thiên Chúa với điều kiện Ngài cho chúng ta biết các lý do, chúng ta muốn tự mình xác minh mọi sự. Nếu Thiên Chúa đưa mọi lý do cho Adong-Evà, có lẽ họ đã vâng lời. Nhưng vâng lời các lý do, hẳn là họ không vâng lời Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ yêu cầu họ một điều kiện là tin tưởng vào Ngài. Thật khó mà chúng ta tin tưởng vì chúng ta luôn lý luận theo lô-gic của tội nguyên tổ! Tội lỗi, sự nghi ngờ nhốt chúng ta trong chính mình và hạn chế sự tin tưởng của chúng ta”.[7]
- Đức Maria được Thiên Chúa ban đầy ân sủng, chúng ta cũng nhận được vô vàn ân sủng của Thiên Chúa: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần…”[8]Chúng ta nhìn ngắm những ơn phúc đã được Thiên Chúa ban cho và tự hỏi chúng ta đã sinh lợi ra như thế nào?
Mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa đã làm nơi Đức Mẹ những điều kỳ diệu, cám ơn Đức Mẹ đã sẵn sàng mở cửa tâm hồn để Chúa ngự vào và hoàn toàn tự do thực hiện chương trình của Ngài nơi Mẹ và qua Mẹ. Mẹ đã trải nghiệm cuộc sống dương thế, xin Mẹ giúp đỡ chúng ta sống đức tin vững vàng, khiêm tốn vâng phục và kiên nhẫn trong những cơn gian nan thử thách cá nhân cũng như cộng đồng: đại dịch Covd-19, tai nạn, bão lũ…
Sống được như thế, cả cuộc đời chúng ta là một bài ca tạ ơn, như thánh Phaolô đã xác tín: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”[9].
[1] X. Sr Elisabeth Charpy, NTBA-Đường thánh thiện, Louise de Marillac, trang 174-175
[2] Nt. trang 175
[3] Sơ Anne Prévost, Nữ Tử Bác Ái – Tiếng vang Tu Hội, số 4/2014, trang 49-50.
[4] Lc 1, 28
[5] Kinh Thánh Tân Ước, Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải trang 270.
[6] X. Sơ Anne Prévost, Nữ Tử Bác Ái-TVTH số 4/2014, trang 36.
[7] Nt.
[8] Ep 1, 3-14
[9] 1Cr 15,10