26.12.2021 – CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT
Lc 2,41-52
“…cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.” (Lc 2,42)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
– Cháu được bố mẹ cho về thủ đô dự lễ Vượt qua, cháu có thích không?
– Thưa, cháu vừa thích vừa không thích?
– Tại sao thích?
– Thưa, tại cháu thấy Đức Giavê được tôn vinh đến tột độ.
– Tại sao không thích?
– Cháu rất buồn khi thấy người nghèo và người bệnh nhiều quá…không có ai yêu thương và kính trọng họ cả…
…Bỗng mẹ và bố con ào tới.
– Con!
– Mẹ, bố!
– Tại sao con ở lại đây mà không nói gì với bố mẹ, để bố và mẹ vất vả tìm con bốn ngày nay?…[1]
Bạn thân mến,
Theo dõi câu chuyện đến đây, hẳn bạn đã hình dung được cậu bé đó chính là Đức Giêsu, và câu chuyện Người ở lại Đền thờ khi mười hai tuổi đã được thánh sử Luca kể lại? Đúng thế đấy! Cuộc đối thoại trên đây là mẩu suy tư theo Tin Mừng của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, giúp ta hình dung rõ nét hơn về Đức Giêsu với những nét mà Tin Mừng không thể kể hết.
Chúng ta mừng Lễ Chúa Giáng Sinh suốt tám ngày, và Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh là Lễ Thánh Gia Thất. Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, ba mẫu gương cho mỗi thành viên trong các gia đình.
Hình ảnh đẹp nhất của Thánh Gia mà Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta là “cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (c.42). Điều đó diễn tả bầu khí hạnh phúc trong gia đình nhờ biết quy hướng về Chúa, cùng nhau tìm kiếm và thực thi ý Chúa. Chính vì thế, khi có sự cố ngoài ý muốn xảy ra: cha mẹ lạc mất con, thì mọi việc vẫn được giải quyết hết sức êm đẹp.
Các gia trưởng chắc chắn phải khâm phục Thánh Giuse hết sức, vì khi lạc mất con như thế, ông bố nào chẳng đổ hết trách nhiệm lên đầu vợ bằng câu: “Coi con như thế à?” hay những câu đại loại như vậy. Ở đây, ta không hề nghe Thánh Giuse nói câu nào, cũng như trong cả Phúc Âm ngài chẳng hề nói gì. Đó cũng không phải là sự lầm lũi hay im lặng đáng sợ, nhưng chắc chắn sự im lặng thánh thiện của ngài là sự trầm tĩnh đầy cảm thông, bao dung và an ủi, để làm chỗ dựa cho Đức Maria trong lúc đau khổ vì mất con. Rồi khi gặp lại Con, ngài cũng chẳng rầy trách câu nào!
Còn Chúa Giêsu, Thiên Chúa nhập thể, không muốn là một “thần đồng”, nhưng Người đi theo mức tăng trưởng tự nhiên của kiếp người: “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (c.52). Chính vì thế, khi Người cứ qua khu vực của cha rồi lại về bên mẹ, có thể đã bị dòng người đẩy đưa và lạc mất, nên quyết định thông minh nhất là trở lại Đền Thờ để cha mẹ có thể tìm thấy mình? Và chính bầu khí linh thánh tại Đền Thờ đã giúp cho cậu thiếu niên Giêsu khám phá ra sứ mạng là phải thực thi ý muốn của Thiên Chúa là Cha của Người.
Riêng Đức Maria, khi biết đã lạc mất con, chắc rằng Mẹ đã đau khổ tột cùng, nhưng Mẹ cũng không trách móc Thánh Giuse hay vật vã làm khổ người khác. Đức tin đã cho Mẹ vượt lên trên nỗi đau để kiên trì tìm kiếm Con cho đến khi tìm thấy. Tuy nhiên, khi đã tìm thấy Con, Mẹ gặp lại Con trong một “ý thức mới mẻ” về sứ mạng của Người khiến Mẹ không thể hiểu nổi ngay lập tức. Mẹ đã phải dùng cả cuộc đời để lắng nghe và suy đi nghĩ lại những lời nói và việc làm của Chúa để có thể hiểu được Người mỗi ngày một hơn.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Thánh Gia, dù ở vai trò làm cha, mẹ hay con cái, tôi cùng với gia đình dành thời giờ thờ phượng Thiên Chúa trên hết, sau là chăm sóc người thân trong nhà và cùng nhau quan tâm đến những người trong dòng họ, hàng xóm láng giềng.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho gia đình chúng con luôn biết chiêm ngắm Thánh gia và sống đúng vai trò của mình, biết cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa và nâng đỡ nhau vượt qua gian nan. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc đoạn trích Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/1009075779955603)
[1] X. https://sites.google.com/site/giaolychotoi/guong-duc-suy-niem/nhat-ky-dhuc-giesu#8