07.01.2022 – THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-16
“Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” (Lc 5,13)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
“Khi nghe tin mình là F1, tâm trạng tôi lo lắng và rối bời… nỗi lo lớn nhất vẫn là nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm chéo khi phải sinh hoạt chung… lo tình trạng sức khỏe có thể chuyển biến; lo gia đình, lo con cái; lo không ai chăm sóc; lo công việc và lo cả việc bị mọi người kỳ thị. Nếu sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đang nghi nhiễm và nhiễm COVID-19 trong xã hội không tồn tại hoặc giảm bớt thì họ sẽ giảm bớt một nỗi lo và gánh nặng. 14 ngày cách ly tập trung là một thử thách rất lớn về tinh thần. Thật không dễ dàng để vượt qua.”[1]
Trên đây là đôi dòng tâm sự của một nhân viên y tế đã từng tham gia chống dịch, nhưng đến khi chính mình là F1, đã phải trải qua những thử thách về tinh thần lớn như thế. Vào thời Chúa Giêsu, sự phân biệt đối xử và luật cách ly đối với bệnh nhân phong cùi còn khủng khiếp hơn nữa. Thời gian cách ly kể như vô hạn, một hình thức loại trừ khỏi xã hội. Theo sách Lêvi, “người mắc bệnh phong phải buông tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!… nó phải ra riêng, chỗ của nó là một nơi bên ngoài trại.”[2] Bệnh nhân vừa đau đớn thể xác, vừa buồn tủi về tinh thần.
Chúa Giêsu thấu biết nỗi khát khao của người “toàn thân bị bệnh phong” trong bài Tin Mừng hôm nay, và đã cho anh có cơ hội gặp Người, trong khi luật không cho phép tới gần họ. Khi nhận ra Đức Giêsu, ngay lập tức, anh sấp mặt xuống phủ phục – đây là hành vi đức tin của thụ tạo đối với đấng tạo hóa là Thiên Chúa: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Quả là một lời cầu nguyện đẹp, vì anh không ép buộc Chúa phải làm theo ý mình; anh trình bày ước nguyện rồi tin tưởng, phó thác vào ý muốn, cách thế và thời giờ của Đức Giêsu như một đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng vào tình thương và sự tốt lành của cha nó.
Thái độ khiêm tốn của anh đã thật sự chạm đến trái tim vốn rất nhạy cảm của Chúa Giêsu. Không cầm lòng được, Người vừa chạm vào cái thân thể đầy thương tích của anh vừa nói: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (c.13) Cử chỉ đụng chạm của Đức Giêsu biểu lộ Người là Đấng đầy lòng thương xót. Lời nói đi kèm với hành động của Người là hình ảnh của một “Bí tích”, qua đó bệnh nhân được ơn “tái sinh” và hòa nhập lại với cộng đồng.
Lời cầu nguyện khiêm tốn, đầy tin tưởng và phó thác của người phong cùi hôm nay được xem là mẫu mực cho chúng ta. Đứng trước các đau khổ xác hồn, chúng ta đừng “chỉ cách cho Chúa” làm theo ý mình. Thiên Chúa có tầm nhìn xa hơn và Người luôn muốn điều tốt nhất cho ta. Tuy nhiên, “Ân sủng có vào những thời điểm của nó. Chúng ta hãy phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa và tránh lấn bước Ngài. ”[3] Vì thế, khiêm nhường, tín thác và năng lãnh nhận các bí tích là cách tốt nhất để ta nhận được ơn Chúa.
Khiêm nhường và tín thác cũng chính là thái độ và tâm tình của Mẹ Maria trước lời đề nghị của Thiên Chúa qua Sứ thần và trong suốt đời Mẹ. Trước mặt Thiên Chúa, Mẹ đã buông tất cả cuộc đời, thân xác, linh hồn, những dự tính riêng tư… để “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”[4] Niềm tín thác của Mẹ đã làm rung động trái tim của Thiên Chúa, Người đã dùng Lời của Người chạm đến Mẹ và thánh hóa cung lòng Mẹ. Cũng chính Lời ấy đang tiếp tục chạm đến những thương tích của nhân loại hôm nay bằng tình yêu cứu độ của Người.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sống tâm tình tín thác và thuận theo ý Chúa.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con nhận biết Chúa sâu xa hơn và biết mình rõ hơn, để con khiêm nhường, hạ mình trước mặt Chúa, tín thác vào tình thương và sự quan phòng của Chúa, xin Chúa làm cho con mọi sự theo ý Người.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/1016261739237007)
[1] X. http://benhvientiengiang.vn/chi-tiet-tin?/nhieu-cam-xuc-trong-nhung-ngay-cach-ly/32424033
[2] Lv 13,45-46.
[3] Thánh Vinh Sơn, Coste II, 453, L. 704 gửi Bernard Codoing
[4] Lc 1,38.