Lc 13,1-9
“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa…” (Lc 13,8)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG
Hơn một tháng qua, sự việc Cha Giuse Trần Ngọc Thanh bị sát hại ngay khi đang ngồi tòa giải tội vẫn âm ỉ như một vết thương chưa được băng bó, trong lòng những người đã từng quen biết và yêu mến cha, cũng như với mọi người Kitô hữu chúng ta. Tuy nhiên, với cái nhìn đức tin, chúng ta thấy đó quả là một “cái kết đẹp của một hành trình rất đẹp” trong cuộc đời của Cha cố Giuse: Cha đã bị sát hại ngay khi đang thi hành sứ vụ linh mục.
Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái chưa có được cái nhìn đức tin như thế. Họ cho rằng những ai tội lỗi mới bị Thiên Chúa trừng phạt bằng những tai họa hoặc bệnh tật, còn nếu vẫn được bình an thì họ cứ yên tâm rằng mình không có gì đáng trách. Chính vì thế, khi nghe kể sự việc mấy người Ga-li-lê bị giết giữa đền thờ, Chúa Giêsu đã nhắc nhở chính những người kể chuyện hãy nhìn lại mình và sám hối: “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (c.5). Chúa cũng nhắc đến sự kiện tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết một số người, như một lời cảnh tỉnh tất cả mọi người: hãy sám hối.
Với dụ ngôn cây vả ba năm chưa ra trái, Chúa cũng nói với từng người chúng ta hôm nay: Hãy sám hối và trổ sinh những hoa trái như lòng Chúa mong ước.
Thật vậy, hầu hết mỗi người chúng ta, ai cũng đã có những lần “chết hụt”, nhất là trong cơn đại dịch này. Thế nhưng chúng ta vẫn hiện hữu cho đến hôm nay, vẫn được hít thở không khí, sử dụng nguồn nước, được mặt trời chiếu sáng và sưởi ấm mỗi ngày…và biết bao hồng ân khác nữa… Đó chẳng phải là thời hạn cuối cùng mà chính “Người Làm Vườn” tốt lành đã xin “Ông Chủ” gia hạn cho chúng ta sao? Thiên Chúa vẫn nhân từ cho ta cơ hội, tiếp tục ban ơn cho ta với hy vọng “may ra sang năm nó có trái” (c.9). “Sang năm” ấy, không phải là sau 12 tháng nữa, nhưng là đúng vào giờ Chúa muốn, có thể là lần sau, dịp sau…
Chúng ta được mời gọi sám hối ngay trong Mùa Chay này, không trì hoãn, nhất là khi cơn đại dịch vẫn tiếp tục lan đến khắp mọi nhà. Chớ gì chúng ta nhận ra những dấu hiệu, những cách Chúa dùng để giáo dục ta ý thức về tội lỗi. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, và Người có quyền năng rút từ điều dữ ra điều lành cho những ai tin tưởng vào Người.[1] Chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều này: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.”[2] Cũng thế, mỗi chúng ta cần nhìn ra những dấu chỉ và lời mời gọi của Chúa để sinh “hoa quả xứng với lòng sám hối”,[3] bằng sự hoán cải nội tâm, ý thức sự bất toàn và tội lỗi của mình để trở về làm hòa với Chúa, với anh chị em, sống sự liên đới với những người đang đau khổ, chăm sóc môi trường thiên nhiên…
Mẹ Maria đã tận dụng những ân huệ Chúa ban để trổ sinh những hoa trái tuyệt vời. Cả cuộc đời Mẹ luôn trĩu đầy hoa thơm trái ngọt làm “đẹp lòng Thiên Chúa”[4], và hoa trái đẹp nhất của Mẹ là chính Chúa Giêsu “con lòng Bà gồm phúc lạ”. Việc phải về Belem khai hộ khẩu khi Mẹ sắp đến ngày sinh con là một sự khó khăn bất ngờ, nhưng Mẹ đã đón nhận như là ý Chúa, nhờ đó, Mẹ góp phần làm cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh về Đấng Cứu Thế giáng sinh tại Belem.[5] Với lòng yêu mến Chúa, Mẹ khám phá ra tất cả mọi biến cố Chúa dẫn đưa Mẹ đều là biến cố cứu độ, và Mẹ chỉ một lời xin vâng trong tin tưởng, phó thác.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi lắng nghe tiếng Chúa qua biến cố đại dịch và trong Mùa Chay này để thực hành, với niềm xác tín vào tình thương của Chúa.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhận biết những ân huệ Chúa ban cho đời con, và biết sinh hoa trái xứng với lòng sám hối để được hưởng ơn cứu độ. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
Đọc toàn bài Phúc Âm:
https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/1059781144885066
[1] Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải, tr.1772
[2] Rm 8,28
[3] Lc 3,8
[4] Lc 1,30
[5] X. Mt 2,5-6