18.4.2022 – THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mt 28,8-15
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Còn nhớ một lần ghé thăm gia đình có cụ ông mới qua đời. Thấy tôi đến, cháu nội của cụ khoảng hơn 10 tuổi vào phòng lấy cuốn album lễ tang ra khoe. Vừa chỉ vào tấm hình ông, cháu tự hào:
- Hình ông con đẹp lắm, ông con về thiên đàng rồi cô ơi.
- Thế à, sao con biết hay vậy?
- Dạ, anh Giáo Lý Viên của con nói mình là con của Chúa, mình sống tốt như Chúa dạy. Sau khi chết, mình được về với Chúa.
- Sướng quá nhỉ! Thế bà con đâu rồi?
- Dạ, bà con ở trong phòng. Bà con cũng hết khóc rồi!
- Tuyệt vời!
Bạn thân mến,
Cuộc sống của chúng ta cần phải loan báo niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh cho thế giới hôm nay ngay trong các biến cố đời thường như thế đó. Cháu bé này đã tin và đã sống niềm tin của cháu. Xác tín rằng “được về với Chúa” làm cháu vui tươi hạnh phúc và lan tỏa niềm vui cho người thân, cách riêng là bà nội của cháu.
Chính vì thế, sau khi sống lại, lời đầu tiên Chúa Giêsu đã nói với các phụ nữ: “Về báo tin cho các anh em của Thầy để họ đến Galilê, họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Galilê chính là nơi lưu dấu những kỷ niệm đầu tiên của tình Thầy Trò, là quê hương của những người môn đệ mà từ đó, các ông đã nghe được Tiếng Gọi và dấn bước theo Thầy. Galilê hôm nay là cuộc sống hằng ngày của người đã nhận được Tiếng Gọi làm con Chúa, qua Bí Tích Rửa Tội, với những cố gắng, thất bại, đắng cay, buồn vui, những “hoàn cảnh đặc biệt” và đặc thù của mỗi người, như câu chuyện của gia đình có tang chế trên đây.
Sau khi Phục Sinh, Đức Kitô đã gặp gỡ các tông đồ và các nữ môn đệ ngay trong hoàn cảnh sống của họ: trên đường đi, giữa lúc hội họp, hay khi họ đang đánh cá… Điều đặc biệt là chính Ngài đi bước trước, Ngài cất tiếng chào: “Chào chị em!”[1]; Chúa gọi tên cô Maria cách thân mật, nhờ vậy cô mới nhận ra Ngài. Chúa tỏ mình khi cùng đi với hai môn đệ trên đường Em-mau và qua việc đồng bàn với các ông.
Như vậy, từ sau biến cố Phục Sinh, tất cả mọi sinh hoạt bình thường đều trở thành điểm hẹn để Chúa gặp gỡ con người bằng nhiều cách: mỗi biến cố, mỗi con người, qua gia đình, công việc… Nhưng, để gặp được Ngài hay không còn tùy thuộc nơi mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là chính chúng ta có khao khát để gặp Ngài hay không. Thánh sử Mat-thêu thuật lại: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ”[2]. Chúa Phục Sinh đã đáp lại sự tìm kiếm này, dành nhiều ưu ái và trân trọng các phụ nữ. Nhờ cảm nhận tình thương của Ngài, các bà không còn sợ hãi: “chị em đừng sợ!”, trái lại đã tự tin để bước vào hành trình loan báo Tin Mừng.
Phúc âm không nói gì về việc Chúa Phục Sinh hiện ra với Đức Mẹ, nhưng chắc chắn Mẹ đã được gặp Chúa Phục Sinh ngay trong cuộc sống âm thầm của Mẹ. Vì hơn ai hết, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ là người đầu tiên được đón nhận ơn cứu độ do công nghiệp của Chúa[3]. Mẹ đã liên kết mật thiết với Chúa từ khi đáp lời xin vâng để cưu mang Ngài, dưỡng dục Ngài và luôn hiệp hành với Ngài trong đau khổ đến tận cùng là cái chết; thì khi Chúa Phục Sinh, Mẹ cũng là người được gặp Chúa trước tiên. Giáo Hội đã ca khen Mẹ: “Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng. Alleluia! Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia…”[4]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi luôn có mặt tại những “điểm hẹn” của Chúa dành cho tôi, để gặp được Chúa Giêsu nơi đó và cảm nếm niềm vui có Chúa Phục Sinh ở với tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết sống niềm vui Phục Sinh và biết lan tỏa niềm vui ấy với mọi người trong cuộc sống. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/1077848023078378)
[1] Mt 28,
[2] Mt 28,1
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đức_Mẹ_Vô_ Nhiễm_ Nguyên_ Tội
[4] Kinh Lạy Nữ vương