21.5.2022 – THỨ BẢY TUẦN V PHỤC SINH
Ga 15,18-21
“Họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy.” (Ga 15,21)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
“Tôi tên là Cécilia. Nhưng tôi có một tên khác đẹp hơn nhiều, đó là: Kitô hữu.” Thánh nữ Cécilia đã hãnh diện tuyên xưng danh hiệu Kitô hữu của mình, và ngài đã chịu tử đạo vì nhất quyết trung thành với Chúa Kitô.[1]
Vậy Kitô hữu là gì? “Kitô hữu (là người) công khai tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để làm vinh danh Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần.”[2]
Chính vì nguồn gốc thần linh này mà ngay từ buổi sơ khai, Giáo Hội của Chúa Kitô luôn bị thù ghét và bắt bớ, bởi chính vị thủ lãnh của Giáo Hội là Chúa Giêsu đã bị thế gian thù ghét, bắt bớ, kết án và giết chết cách tàn bạo khủng khiếp nhất.
Chúa Giêsu thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về thế gian. Cũng thế, người môn đệ “không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (c.19). Qua mọi thời đại, Giáo Hội và các Kitô hữu cũng sẽ bị thế gian thù ghét, hạch sách, bắt bẻ, bách hại như họ đã từng đối xử với Chúa Giêsu: “họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy” (c.21).
Lịch sử hơn 2000 năm của Giáo Hội được ghi dấu với muôn vàn cuộc bách hại các Kitô hữu ở khắp nơi, và cho đến nay, người môn đệ của Chúa Giêsu vẫn luôn bị kỳ thị và gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, trong công việc và thi cử. Xã hội vẫn e ngại Kitô hữu chính hiệu mặc dù luôn tín nhiệm họ, vì “chất Kitô” ở trong họ, nên họ làm việc tốt, chân thật và thẳng thắn. Ngay trong mỗi gia đình, những người sống đúng với tinh thần Kitô giáo hơn, có trách nhiệm hơn, thì liền gặp phải chống đối và thù ghét của những người khác. Nhưng “không ai biết đầu mối của thù hận ấy là gì, trừ ra ác quỷ, kẻ gây xào xáo để làm ta nản lòng.”[3]
Tuy nhiên, nếu ta hiểu là Chúa Giêsu đã vì ta mà xuống thế gian làm người để sống với ta, cứu vớt và đưa ta về với Thiên Chúa Cha thì hẳn ta sẽ dám tuyên xưng đức tin, dám lội ngược dòng để sống các giá trị Tin Mừng, chấp nhận bị chê cười, bị xúc phạm, bị loại trừ vì dám sống chân thật, yêu thương và tha thứ như Chúa đã sống. Chúng ta trung thành với Chúa không phải vì Chúa sẽ cứu ta thoát khỏi sự bách hại của thế gian, nhưng bởi vì ta, Chúa đã chịu thế gian bách hại trước, và hiện nay Người vẫn đang đồng hành với ta trong cuộc chiến hôm nay. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”[4]
Đức Maria, người đầu tiên gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu cả trong thân xác và tâm hồn, Mẹ được bà Êlizabeth nhận biết là “Mẹ Thiên Chúa”, là người “có Chúa Kitô” và mang Chúa Kitô trong lòng. Mẹ đã đồng hành và liên kết mật thiết với Chúa Giêsu trong suốt hành trình dương thế và đặc biệt trong cuộc khổ nạn, với danh nghĩa là mẹ của Người: “Đứng gần thập giá có mẹ Người.”[5] Cho dù cả đám đông hò la và kết án Chúa, Mẹ vẫn trung thành với Người, và nhờ đó, Mẹ đã cùng Người chiến thắng thế gian.
Sự thù ghét của thế gian đã làm cho Trái Tim Mẹ và Trái Tim Chúa Giêsu cùng chịu thương tích vì yêu thương, nhưng vẫn tiếp tục mở ra để đón nhận, để ôm lấy và tha thứ cho các tội nhân sám hối.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi sống đúng danh hiệu Kitô hữu bằng việc cầu nguyện, hy sinh và liên đới với người khác…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con ơn can đảm như Mẹ khi xưa, để con không từ chối hy sinh vì được gắn bó với Chúa Kitô. Xin Mẹ nâng đỡ những ai đang phải chấp nhận những từ bỏ lớn lao để trung tín với niềm tin vào Thiên Chúa hôm nay. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=120326227340176&id=10…52347517)
[1] X. http://www.truyen-tin.net/BiographyOfSaints.aspx?SID=221
[2] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Hợp nhất, số 20.
[3] Lời Chúa cho mọi người, tr.1851, phần chú giải
[4] Ga 16,33
[5] Ga 19,25