29.5.2022 – LỄ CHÚA THĂNG THIÊN – NĂM C
Lc 24, 46-53
“Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,48)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Năm 1979, Phạm Tuân, người đầu tiên của Việt Nam và châu Á được chọn vào đội bay quốc tế thứ 6 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô và được bay lên vũ trụ vào năm 1980,[1] là niềm tự hào cho người Việt Nam và cho cả châu Á. Tuy nhiên, ông chỉ ở trong không gian chưa đầy 8 ngày, và sau đó cũng không thể đưa người khác lên vũ trụ với ông được.
Với Đức Giêsu thì khác: Người vốn ở trên Trời, không phải trên bầu trời trong không gian vũ trụ, mà là trong vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế…”[2] để chia sẻ thân phận người và nói với chúng ta rằng: “quê hương chúng ta ở trên trời”[3]. Sau hiến thân chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại, Người về Trời để dọn chỗ cho chúng ta, vì Người muốn chúng ta cũng được ở với Người để chiêm ngưỡng vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người.[4]
Lễ Chúa Lên Trời hôm nay đánh dấu một giai đoạn mới, một chặng đường mới trong hành trình của các môn đệ sau ba năm theo Thầy, được chiêm ngắm và học với Thầy trong cách tương quan với Thiên Chúa và với hết mọi người. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần, củng cố đức tin, thanh luyện lòng mến, trao quyền tha tội, trao trách nhiệm giảng dạy cho các ông. Người nhắc cho các ông tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy[5], nhất là về biến cố khổ nạn và Phục Sinh Người vừa trải qua mà các ông đã chứng kiến, để các ông trở thành nhân chứng cho Người.
Đây là giai đoạn quan trọng để các môn đệ minh chứng lòng tin, tình yêu và sự trung thành với Thầy: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân….Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (c.47).
Truyền giáo và chứng nhân là hai sứ mạng luôn đi đôi và bổ túc cho nhau. Chúng ta không thể truyền giáo nếu không là chứng nhân, và ngược lại: chỉ cần trở thành chứng nhân thì cũng là nhà truyền giáo. Nhưng điều quan trọng nhất của người môn đệ chính là: Tôi không thể là chứng nhân của Đức Kitô nếu tôi không có Thánh Thần của Đức Kitô, bởi vì: “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.”[6]
Chính vì thế, chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, soi sáng và dạy dỗ chúng ta trước mọi việc làm, mọi quyết định và chọn lựa lớn nhỏ mỗi ngày. Có rất nhiều cơ hội để ta làm chứng nhân cho Chúa, như khi ta mau mắn trợ giúp người khó khăn, không chấp nhất lỗi lầm của người khác, giải thích tốt cho tha nhân, tận dụng thời giờ để làm việc đạo đức và có ích.
Mẹ Maria là người được tràn đầy Thánh Thần của Chúa Kitô ngay từ khi Mẹ đón nhận và cưu mang Người. Cũng từ đó, Mẹ trở nên nhà truyền giáo tuyệt vời. Với bài ca Magnificat, Mẹ cao rao quyền năng và tình thương Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người…”[7] Mẹ đem Chúa đến cho gia đình bà Êlisabeth, Mẹ dạy các gia nhân tại Cana hãy làm theo những gì Chúa Giêsu dạy bảo; Mẹ hiện diện và cùng cầu nguyện với các tông đồ trong lễ Ngũ Tuần… Qua những lần hiện ra trong suốt dòng lịch sử, Mẹ luôn mời gọi chúng ta đến với Chúa Giêsu.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi sống sứ mạng là chứng nhân của Chúa Giêsu bằng cách sống thành thật, vui tươi, bác ái với mọi người.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Chúa Thánh Thần đến tràn đầy trên Giáo Hội, cách riêng khi chúng con đang hướng về Thượng HĐGM thế giới 2023, để Người hướng dẫn Giáo Hội và từng người chúng con trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Kitô. Nhờ đó, chúng con cũng được “ở với Chúa Kitô” cùng với Mẹ, và chiêm ngưỡng vinh quang của Người đến muôn đời. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=124348153604650&id=10…52347517)
[1] X. https://vi.wikipedia.org/wiki/Phạm_Tuân
[2] Kinh Tin Kính
[3] Pl 3,20
[4] X. Ga 17,24
[5] X. Lc 24,44
[6] Rm 8,9
[7] Lc 1,49”