29.6.2022 – THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ
Mt 16,13-19
“Anh là Phêrô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.” (Mt 16,19a)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng, đó chính là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Rôma. Ngay sau khi đồng ý ưng thuận kết quả bầu cử của Mật tuyển viện, Đức Thánh Cha được các Hồng Y lần lượt tiến lên chúc mừng và hứa vâng phục ngài. Tuy là kết quả của việc bầu cử theo cách thế nhân loại, nhưng Giáo Hội đều tin rằng: chính Thiên Chúa mới là Đấng tuyển chọn và soi sáng cho các hồng y cử tri, để bầu chọn người mà Chúa mong muốn.
Nhìn lại điểm khởi đầu của Giáo Hội và phút “đăng quang” của vị giáo hoàng đầu tiên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về đường lối và cách thức hành động của Thiên Chúa: Thiên Chúa không chọn người có khả năng, nhưng Chúa ban khả năng cho người Chúa chọn. Thật vậy, Chúa Cha đã tuyển chọn Phêrô khi Người mặc khải cho ông nhận biết Chúa Giêsu là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c.16). Lời tuyên xưng đầy xác tín của tông đồ Phêrô hoàn toàn không phải là kết quả sự hiểu biết của con người, mà là một ơn ban của Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu nói Phêrô là người có phúc, vì được chính Chúa Cha mặc khải cho ông biết về Con của Người. Cũng theo nghĩa đó, một khi được nhận biết và tin vào Chúa Giêsu là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” như thánh Phêrô, tất cả chúng ta cũng là người có phúc.
Khi gọi ông là Phêrô (nghĩa là Tảng Đá), thay cho tên gọi Simon, Chúa Giêsu muốn đặt ông làm nền tảng hữu hình cho ngôi nhà Thiên Chúa là Hội Thánh, và Người trao “quyền giữ cửa” cho Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (c.19) Chính Chúa Giêsu đã thiết lập quyền bính tối cao đó của thánh Phêrô và các giám mục Rôma kế vị ngài sau này. Điều đó không có nghĩa là tiếng nói của các ngài sẽ át đi các tiếng nói khác trong một Giáo Hội nín thinh, cũng không thanh minh cho một cơ cấu bóp nghẹt sự sống. Quyền bính ấy chỉ có ý nghĩa khi mỗi phần tử trong Giáo Hội tập cho mình thói quen suy nghĩ và nói lên suy nghĩ của mình.
Thánh Phaolô, vốn là một biệt phái trẻ trung nhiệt thành với đạo Do thái, ông đã hăng say bách hại những ai tin theo Chúa Giêsu mà ông cho là “tà đạo”. Nhưng sau khi được nhận biết Đức Giêsu, ông đã trở nên tông đồ nhiệt thành. Phaolô đã thực thi sứ mạng đặc biệt của mình là loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, trong sự tôn trọng quyền bính của Phêrô, nhưng đồng thời ông cũng góp ý với Phêrô cách thẳng thắn, vì lợi ích thiêng liêng của các tín hữu.[1]
Ngày hôm nay, nhiều người hiểu sai về vai trò của Đức Giáo Hoàng, vì kém tin vào Thiên Chúa nên chỉ muốn đả phá chứ không tín nhiệm, không vâng phục quyền bính của người Chúa tuyển chọn là Đức Giáo Hoàng. Họ đã vô tình hay cố ý tạo cơ hội cho thế lực sự dữ hoành hành. Nhưng Chúa Giêsu đã hứa: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”, và hgjc3 Chúa sẽ bền vững muôn đời.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao Giáo Hội của người cho Mẹ Maria chăm sóc. Kể từ đó, Mẹ đã đón nhận, đồng hành và nâng đỡ đức tin cho các tông đồ trong buổi đầu non trẻ của Giáo Hội. Mẹ hiện diện và cầu xin Chúa Thánh Thần đến trên các tông đồ. Mẹ là mẹ của Giáo Hội và của từng người chúng ta. Mẹ luôn đưa dẫn chúng ta đến với Đức Kitô, Đấng mà hai thánh Phêrô và Phaolô đã rao giảng.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Dưới sự che chở của Mẹ, tôi lắng nghe, vâng phục Đức Thánh Cha và hiệp hành với Giáo Hội.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ là Nữ vương các tông đồ và là Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn đồng hành với Đức Thánh Cha và các vị chủ chăn của chúng con, để Giáo Hội luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/RMy7E)
[1] X. Gl 2,11
()