31.7.2022 – CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Lc 12,13-21
“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Vinh Sơn Phaolô (1581-1669), một người trẻ đã từng có mơ ước giàu có bằng con đường tiến thân trở thành linh mục và còn mơ ước làm giám mục nữa, để có được nhiều quyền lợi hơn. Thế nhưng, Thiên Chúa đã tài tình dẫn dắt vị linh mục trẻ này qua các biến cố, khiến cho ngài thay đổi mục tiêu: thay vì làm giàu của cải vật chất và nghỉ hưu sớm bên mẹ già, cha đã miệt mài làm giàu trước mặt Thiên Chúa, bằng cách hiến cả cuộc đời để phục vụ những người nghèo khổ về cả thể xác, tinh thần và tâm linh.[1]
Tiền bạc và sự giàu có quả là cần thiết để phục vụ cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, nó dễ trở thành mục đích tìm kiếm và làm mê hoặc con người ở mọi thời đại. Chính vì thế, Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta về lòng tham, nhân dịp có người muốn xin Chúa phân xử và giúp anh ta đòi quyền lợi khi chia gia tài. Điều anh ta xin được xem là bình thường, vì người ta vẫn đến xin ông Môsê hay các Rabbi sau này phân xử những việc kiện tụng tranh chấp. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không chấp nhận lời xin của người ấy, bởi sứ mạng của Chúa không phải đến thế gian để giải quyết các vấn đề về kinh tế cho con người. Đồng thời Người chỉ cho thấy gốc rễ của việc “đòi quyền lợi” đó chính là “tính tham lam” mà người môn đệ luôn phải cảnh giác, xa tránh: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (c.15).
Để minh họa tính tham lam ấy, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về nhà phú hộ nọ, quá sức dư thừa của cải, nhưng không biết nghĩ đến ai khác ngoài bản thân mình. Ông ta có thể rất thông minh khi kinh doanh để làm giàu, và cũng giỏi tính toán cách tích trữ của cải để hưởng thụ cho “một tương lai lâu dài” mà ông nghĩ là “nhiều năm”. Thế nhưng, trước mặt Thiên Chúa, ông bị coi là “đồ ngốc”, chỉ vì ông không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa là chia sẻ của cải cho người nghèo khổ và cũng không biết được mạng sống mình sẽ kết thúc bất cứ lúc nào!
Tác giả sách Giảng Viên nói rằng: mọi sự ở trần gian này đều là phù vân, chóng qua.[2] Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta hãy giết chết những tính gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam nơi chúng ta, cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là hình ảnh Đức Kitô, “hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”, để nhận biết “Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.”[3] Đó mới chính là sự khôn ngoan mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta hướng tới. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã khám phá được điều đó, nên ngài đã dạy các con cái ngài chiêm ngắm và phục vụ Chúa Giêsu nơi những người nghèo.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người rất chăm chỉ làm việc tại Nazareth, để nuôi sống bản thân và gia đình. Làm việc để có điều kiện sống cho tốt, để sống đúng với phẩm giá con người, đó là làm vinh danh Chúa. Đức Maria cũng không ngừng làm việc, qua những bổn phận nội trợ hằng ngày để phục vụ Chúa Giêsu và thánh Giuse. Mẹ làm việc với Chúa, vì Chúa, và trong Chúa. Mẹ cũng mau mắn giúp đỡ những ai cần đến[4] và sẵn sàng dành một thời gian dài để giúp đỡ chị họ Elizabeth[5] chứ không chỉ biết chăm chút cho công việc riêng của mình.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tôi tin tưởng phó thác cuộc sống cho Chúa, trong khi vẫn ra công làm việc mỗi ngày.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp con sống tinh thần phó thác như Mẹ, đồng thời biết chăm chỉ làm việc để tạo lập cuộc sống trần thế hôm nay. Xin cho con biết sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những ai cần đến, để mọi người đều có điều kiện sống xứng với phẩm giá con người, và cùng nhau hướng về Nước Trời. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/Aqhjk)
[1] X. https://gdanhducmebanon.org/2020/09/23/gia-dinh-vinh-son-le-gio-lan-thu-360-cua-thanh-vinh-son-phaolo-1660-2020-kinh-nghiem-tu-chatillon/
[2] Bài Đọc I, Gv 1,2;2,21-23
[3] Bài Đọc II, Cl 3,1-5.9-11
[4] X. Ga 2,1-12
[5] X. Lc 1,56