fbpx

LỄ ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG

Ngày 22 tháng 8


Thiên Chúa Ba Ngôi tôn vinh Đức Maria
làm Nữ Vương toàn thể vũ trụ

 

1.LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA

Sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời được 4 năm, ngày 01. 11. 1954, Đức Thánh Cha Piô XII long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ, là: Sự cứu rỗi của dân thành Rôma và toàn thế giới[1]. 

Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Đức Giêsu và Mẹ Maria kèm với lời nguyện: Xin Mẹ cai quản trên Giáo Hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia. Trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi”. [2]

Ngài còn nói:Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử”[3]. 

Vương quyền này của Đức Maria đã được tiên báo trong sách Khải huyền:“Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời : một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.[4]

Như vậy, thật là ý nghĩa khi Đức Thánh Cha Piô XII thiết lập lễ này sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, như là hoàn tất việc nghênh đón Mẹ vào trong vinh quang Thiên Đàng và được Thiên Chúa Ba Ngôi tôn vinh là Nữ Vương của toàn thể vũ trụ. Mẹ đảm nhận vai trò “Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian[5]. Thế nhưng, chúng ta phải hiểu sao đây về những tước hiệu này, vì chính Thánh Tông Đồ đã rao giảng: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người”[6].

Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta: “Không bao giờ có thể đặt một thụ tạo ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các thụ tạo, thì sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.”[7]

Vì vậy, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng vai trò tùy thuộc ấy của Đức Maria, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Mẹ, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu Thế.[8]

 

2.CON ĐƯỜNG TỪ “NỮ TỲ” đến “NỮ VƯƠNG”

Để được tôn vinh là Nữ Vương, Mẹ đã hoàn tất cuộc hành trình, khởi đi từ “Nữ Tỳ” đến “Nữ Vương”: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói[9]. Kể từ giây phút “là nữ tỳ ấy” cho đến cuối đời của Đức Mẹ đều là “nữ tỳ nối tiếp nữ tỳ”, nghĩa là hủy bỏ (cancel) nối tiếp hủy bỏ (cancel).

  • Hủy bỏ kế hoạch riêng của mình để chọn kế hoạch của Thiên Chúa,
  • Hủy bỏ sự an toàn có quyền hưởng để chọn ra đi đường xa thăm viếng-phục vụ người chị già nua sắp sinh con[10],
  • Hủy bỏ sự an toàn cho ngày sinh con để chọn ra đi về nguyên quán khai tên tuổi[11] theo lệnh chính quyền lúc ấy và kết cuộc là phải sinh Con trong chuồng bò giữa đồng vắng…
  • Hủy bỏ sự nghỉ ngơi cần thiết sau khi sinh để chọn, ngay ban đêm, ôm Con đi trốn bên Ai Cập xa xôi, nguy hiểm[12].
  • Hủy bỏ cuộc sống ổn định bên Ai Cập để chọn trở về quê hương gầy dựng lại từ đầu[13].
  • Và cứ thế những hủy bỏ tiếp theo cho đến lúc đứng dưới chân thập giá, về ở với tông đồ Gioan và Giáo Hội sơ khai cho đến ngày được Thiên Chúa triệu hồi về thiên quốc và được tôn vinh Nữ Vương.

Những “hủy bỏ-để chọn” này là những dấu chứng Đức Mẹ sống gắn bó sít sao với thánh ý Thiên Chúa từng giây từng phút, hoàn toàn mở ra đón nhận ân sủng Chúa Thánh Thần cách tròn đầy và luôn liên kết với Chúa Giêsu trong mọi biến cố trần thế của Ngài từ lúc được thụ thai trong lòng Mẹ, đến lúc sinh ra, rao giảng Tin Mừng, chết trên thập giá, sống lại và lên trời. Mẹ đã hoàn toàn cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu, Con của Mẹ và được tôn vinh Nữ Vương. “Trong tiếng Pháp, Chúa thường được gọi là Notre Seigneur, Đức Mẹ thường được gọi là Notre Dame, dịch ra tiếng Việt là Nữ Vương[14].


Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành,
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy…

Giáo Hội đã khẳng định “sau khi về trời, nhiệm vụ cứu độ của Mẹ không chấm dứt, nhưng qua việc liên lỉ chuyển cầu của mình, Mẹ tiếp tục đem lại cho chúng ta những hồng ân của ơn cứu độ vĩnh cửu…Vì vậy, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian.”[15]

Trong tâm tình con thảo, chúng ta chân thành cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một Người Mẹ Tuyệt Vời, luôn luôn làm theo thánh ý Chúa chỉ để mưu ích cho đoàn con. Nhờ đó, chúng ta có thể chạy đến với Mẹ trong bất cứ hoàn cảnh nào và kêu cầu Mẹ với tước hiệu Nữ Vương, để được Mẹ che chở, an ủi, vỗ về, dạy bảo và đưa đến với Chúa Giêsu. Cùng nhau chúng ta noi gương Mẹ “là nữ tỳ” đối với Thiên Chúa, nghĩa là để cho Thiên Chúa sử dụng chúng ta theo kế hoạch của Ngài, chúng ta cũng sẽ được ân thưởng Nước Trời, sống với Thiên Chúa Ba Ngôi và bên Mẹ mãi.

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.


Bài hát:

 

[1] https://www.tonggiaophanhanoi.org/me-maria-nu-hoang-thien-quoc/
[2] Nt.
[3] Nt.
[4] Kh 12,1
[5] GLCG, số 969
[6] 1Tm 2, 5-6
[7] GH, 62
[8] X. GH, 62
[9] Lc 1,38
[10] Lc 1, 39tt
[11] Lc 2,3
[12] Mt 2,14
[13] Mt 2,21tt
[14] By phanxicovnhttp://phanxico.vn/2018/08/23/vi-sao-goi-duc-me-la-nu-vuong
[15] GLCG, số 969

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *