25.8.2022 – THỨ NĂM TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 24,42-51
“ Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Năm ngoái, cũng trong khoảng thời gian này, Sài Gòn đang bị ốm nặng vì cơn đại dịch Covid-19 hoành hành. Hơn bao giờ hết, con người cảm nghiệm về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết của mình. Những dòng tin nhắn, những cuộc gọi khẩn cấp xin cầu nguyện của các bệnh nhân Covid và những người thân của họ vẫn còn như mới hôm qua: “Thưa cha, con ở nhà từ lúc dịch bệnh đến giờ. Con không biết tại sao con bị nhiễm bệnh. Trưa nay, con thấy khó thở nên gọi cấp cứu. Họ đưa con đến bệnh viện dã chiến. Giờ con khó thở lắm! Con đang phải thở máy. Xin cha và mọi người cầu nguyện cho con.”[1] Có thể nói rằng: cơn đại dịch năm trước đã làm cho chúng ta phần nào thức tỉnh vì không biết khi nào “Côvy” sẽ thăm viếng mình. Chúng ta thức tỉnh nhưng trong sự sợ hãi.
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy biết tỉnh thức chờ đợi Chúa đến trong tư thế sẵn sàng như người đang canh phòng kẻ trộm. Đó là thái độ tỉnh thức để sẵn sàng đón tiếp Chúa bất cứ lúc nào, trong niềm vui và bình an, vì chúng ta đang “mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người” như lời thánh Phaolô nói. Đó là ngày mà “Chúa Cha đã kêu gọi chúng ta đến để hiệp thông với Chúa Giêsu, Con của Người”.[2] Như thế, chúng ta được mời gọi tỉnh thức trong niềm vui, để nhận ra Chúa đến viếng thăm chúng ta qua mọi biến cố của cuộc sống thường ngày, hay khi Chúa gọi ta về với Người và trong ngày Chúa đến phán xét nhân loại.
Ngày hôm nay, khi cơn dịch bệnh tưởng đã lui đi, nhưng đang có nguy cơ quay trở lại, thì đồng thời triệu chứng “ngủ mê” lại đang diễn ra ở nhiều cộng đoàn và giáo xứ: chúng ta ngủ mê trong sự mệt mỏi của thân xác vì mải lo cơm áo gạo tiền sau cơn đại dịch, nên nhà thờ ngày càng thưa thớt người dự lễ. Chúng ta ngủ mê trên chiến thắng vì tin tưởng vào vắc-xin, và quên cảnh giác, quên thói quen giữ khoảng cách và khử khuẩn như đã sống trong những ngày căng thẳng trước đây. Nhất là, chúng ta ngủ quên trong sự ỷ lại vào lòng nhân từ thương xót của Chúa, để rồi cứ lần lữa nấn ná ở lì trong tình trạng tội lỗi, lần lữa với những thói quen xấu mà không chịu sửa đổi…
Sự tỉnh thức đích thực của Kitô hữu chính là dành thời giờ cầu nguyện, chu toàn bổn phận mỗi ngày với tinh thần trách nhiệm, tận tâm trong công việc, như người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết quan tâm đến mọi người mọi việc trong trách nhiệm của mình. Cho dù chủ trở về cách bất ngờ cũng không làm anh sợ hãi, vì anh đang làm theo ý chủ. Hơn nữa, nếu có lòng yêu mến Chúa, chúng ta sẽ nóng lòng tỉnh thức để nhận ra các dấu chỉ của Chúa qua từng biến cố, hay qua nhu cầu của anh chị em xung quanh, để đáp ứng và chia sẻ với họ…
Mẹ Maria đã luôn tỉnh thức trong tinh thần khiêm nhường, vâng phục và tín thác tuyệt đối với sự trung tín và đầy khôn ngoan, trước thánh ý Chúa qua những bổn phận của đời sống thường ngày, cũng như trong những biến cố bất ngờ nhất: lệnh về Belem, bị từ chối tại quán trọ, sinh con nơi máng cỏ, bị truy sát và trốn chạy, về lại Nazareth, lạc con và tìm con… Mẹ đã sống trọn vẹn tiếng “Xin Vâng” qua các biến cố ấy, đồng thời luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người: giúp chị Êlisabeth, giúp đôi tân hôn ở Cana…
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi luyện tập để có sự nhạy bén đối với thánh ý Chúa và nhu cầu của những ai cần giúp đỡ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy mẹ Maria, xin dạy con sống tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng như Mẹ, để con biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Xin đừng để những thú vui mau qua làm con xa lìa Chúa, và xin giúp con biết tỉnh thức để luôn sẵn sàng đón Chúa đến với con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/uvN1v)
[1] X. https://www.facebook.com/vincentdominhthang/posts/3131695883726041
[2] Bài Đọc I, 1Cr 1,1-9
()