fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

09.9.2022 – THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,39-42
“Chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình.” (Lc 6,42c)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô tông đồ luôn tự vấn chính mình và khổ chế bản thân dưới ánh sáng của Lời Chúa. Noi gương Chúa Giêsu, chính ngài đã sống trước những điều ngài rao giảng: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.”[1] Đời sống của thánh nhân chính là một bài giảng sống động cho các tín hữu thời sơ khai và vì thế, cùng với lời giảng dạy, thánh nhân đã quy tụ được rất đông người gia nhập Giáo Hội. Khiêm tốn nhìn lại mình trước khi dạy dỗ, góp ý người khác, chính là một cách sống cần thiết trong đời sống cộng đoàn và mọi môi trường xã hội.

Thế nhưng, thường chúng ta dễ thấy những thói xấu, khuyết điểm của người khác để phê phán và trách cứ, nhưng hiếm khi ta nhận ra những “dị tật” nơi tâm hồn mình. Chúa Giêsu ví những khuyết điểm mà ta thấy nơi người khác chỉ như cọng rác so với cái xà là những tật xấu của chính ta, nhưng ta lại ít nhận ra: “Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (c.42).

Muốn thấy được “cái xà trong con mắt của mình” thật không dễ tí nào! Để xem có vết bẩn nào trên khuôn mặt mình, chúng ta cần soi gương hoặc nhờ người khác nhìn giúp. Để xem xét linh hồn mình, ta cần soi lòng mình vào tấm gương Lời Chúa như thánh Phaolô đã làm, đồng thời biết khiêm tốn lắng nghe sự góp ý của người khác. Một người năng xét mình sẽ dễ nhận ra những tội lỗi và khuyết điểm nơi mình nhiều khi còn to lớn và xấu xa hơn tội của tha nhân gấp bội; nên người ấy sẽ thật sự khiêm tốn và thận trọng khi phải phê bình hoặc góp ý người khác. Chỉ khi ý thức về những yếu đuối lỗi lầm của mình và nhận biết tình thương của Chúa, chúng ta mới thực sự khiêm tốn, cảm thông và rộng lượng với tha nhân. Ta không thể đòi hỏi người khác phải hoàn hảo trong khi chính mình đầy những “bất hảo”, chưa hoàn thiện.

Hơn nữa, đứng trước những lời khen tặng hay phê phán của người khác, chúng ta cũng cần chân thành nhìn nhận đúng sai: tôi có tốt thật hay xấu xa như họ nghĩ không? Bởi không ai biết rõ tôi hơn chính bản thân tôi. Thậm chí, lắm khi chúng ta cũng ngộ nhận về chính mình, lấy mình làm chuẩn để đánh giá người khác. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu biết tôi, biết rõ mọi người và từng người. Cứ chân thành nhìn nhận con người thật của mình trước mặt Chúa, chúng ta sẽ đủ khiêm tốn để góp ý tha nhân nếu thật sự cần thiết. Vì chắc chắn, khi ta thấy được khuyết điểm của mình, ta sẽ thấy người khác có điều tích cực hơn, và nếu ta có đóng góp điều gì cho họ, thì chỉ với mục đích là để họ được tốt hơn nữa.

Hơn ai hết, Đức Maria đã thật sự khiêm tốn và ý thức mình là “nữ tỳ hèn mọn” trước mặt Chúa. Mặc dù được thiên thần cung kính chào là đấng“đầy ơn phúc”, chị Elizabeth ca tụng là “Mẹ của Chúa tôi”, nhưng Mẹ chỉ biết tạ ơn Chúa đã đoái thương phận hèn, và tự nguyện trở thành người phục vụ chị Êlizabeth, phục vụ âm thầm trong bữa tiệc tại Cana và trong tiệc vui cứu độ của toàn thể nhân loại.

Mẹ đã sử dụng đôi mắt và đôi tai để chiêm ngắm và lắng nghe Chúa Giêsu, noi theo sát gương sống và lời dạy của Chúa. Cũng đôi mắt và đôi tai ấy, Mẹ nhìn và lắng nghe những nhu cầu của người khác để phục vụ họ.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi sử dụng đôi tai để lắng nghe anh chị em cho đúng và đồng cảm, nhìn anh chị em cho rõ để cảm thông và vui mừng với những cố gắng của họ dù là nhỏ bé, để khích lệ họ. 

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết nghiêm khắc với chính mình nhưng biết rộng lượng với tha nhân, như chính Chúa và Mẹ luôn nhân từ với con. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/a1LVq)

[1] Bài Đọc I, 1 Cr 9,27

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *