fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 362 THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – 1660 -27.9 -2022

THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
1660 –27.9 -2022 

“Thành tựu quan trọng nhất của thánh Vinh Sơn – nói cách khác, công trình để đời của ngài là hình thành các tổ chức bác ái quy mô, vốn vẫn còn triển nở cho đến tận ngày nay và được coi là di sản của ngài” (Melito, 41).

Hơn 1.500 cuốn tiểu sử về thánh Vinh Sơn – gồm cả những cuốn nhiều tập, những cuốn sơ sài, những cuốn mang tính thuần túy đạo đức, cũng như những cuốn có nghiên cứu sâu –  đã được xuất bản kể từ khi ngài có mặt trên cõi đời cách đây hơn bốn thế kỷ. Mục đích của tôi trong vài trang viết này là tìm hiểu các công trình thánh Vinh Sơn đã thực hiện và rút ra từ ngài những bài học quý giá, hầu giúp chúng ta có thể góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Bài viết này không nhắm đến linh đạo, đời sống cầu nguyện, thần học, hay tiểu sử của thánh Vinh Sơn. Với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về các đề tài này, tôi đề nghị tìm đọc một số nguồn tài liệu gốc và một số tác phẩm có nghiên cứu và trích dẫn tỉ mỉ hơn. 

Tại sao chúng ta phải bận tâm đến thánh Vinh Sơn, người đã thuộc thời kỳ cách đây 400 năm?

Chúng ta có thể rút được từ ngài bài học gì bổ ích cho ngày hôm nay? Tôi xin đưa ra vài lý do để chúng ta suy nghĩ.

“Thành tựu quan trọng nhất của thánh Vinh Sơn – nói cách khác, công trình để đời của ngài – là hình thành các tổ chức bác ái quy mô, vốn vẫn còn triển nở cho đến tận ngày nay và được coi là di sản của ngài” (Melito, 41).

  • Di sản thánh Vinh Sơn để lại cho ngày nay vượt xa những gì bản thân ngài đã làm
  • Những gì bản thân ngài làm đã thay đổi cách nhìn của thế giới về người nghèo
  • Cách tổ chức việc phục vụ người nghèo của ngài là tiên phong trong lịch sử thế giới
  • Ngài là một con người bình thường như bao con người khác – ích kỷ, ham mê tiền bạc, tham vọng, nhiều tật xấu, và mất phương hướng – cho đến điểm bùng phát
  • Ngài cho người nghèo tất cả những gì ngài có, và ngài tự nhận thấy mình trở thành người giàu có nhất
  • Thế giới cản bước ngài; ngài thay đổi thế giới
  • Ngài bị trầm cảm trong ba năm rưỡi
  • Ngài tìm kiếm bản thân trong 25 năm ròng rã; cuối cùng, ngài gặp thấy Chúa và người nghèo

Tại sao rất nhiều người trên toàn thế giới vẫn đang cháy lửa nhiệt thành và dấn thân theo bước chân thánh Vinh Sơn đã đi cách nay 400 năm?

  • Thành viên Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn: 800.000+
  • Thành viên Nữ Tử Bác Ái: 16.000+ Thành viên Tu Hội Truyền Giáo: 3.231+
  • Thành viên Hội Các Bà Bác ái (AIC): 150.000+
  • Giới Trẻ Vinh Sơn Maria: 200.000+
  • Ban điều hành và tình nguyện viên tổ chức DePaul Quốc Tế: 2.000+
  • Các tổ chức trong Gia đình Vinh Sơn: 40+
  • Các tổ chức mang tinh thần Vinh Sơn: 250+

Cách thánh Vinh Sơn ký tên có ngụ ý gì?   

Thánh Vinh Sơn luôn ký tên ở dạng Vincent Depaul. Ngài không muốn bất cứ ai coi ngài là nhà quý tộc – vì nếu muốn vậy, ngài đã viết hoa chữ De Paul. Ngài được gọi bằng nhiều tước hiệu bởi những người đương thời – vị thánh, học giả, người thánh thiện, tông đồ bác ái, và khi ngài qua đời, père de la patrie, quốc phụ. Nhưng ngài chỉ muốn được gọi một cách đơn sơ là Monsieur Vincent – Ông Vinh Sơn – để giảm thiểu mọi ngăn cách giữa ngài với người khác, nhất là với người nghèo.

Thế giới vào buổi bình minh của thế kỷ XVII

Thánh Vinh Sơn chào đời năm 1581. Trừ vài tháng cuối đời, ngài chứng kiến nước Pháp trải qua hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Khi ngài chào đời, dân số thủ đô Paris vào khoảng 200.000 người; và khi ngài qua đời năm 1660, con số này tăng gấp đôi. Thời đó, có ba hạng người tại Paris: quý tộc, nông dân, và giáo sĩ. Nếu ai đó không được may mắn sinh ra trong gia đình quý tộc, người đó phải chấp nhận làm tô cho giới quý tộc để may ra có cơ hội sống sót – hoặc người đó phải gia nhập hàng giáo sĩ.

Ngày sinh: Thánh Vinh Sơn sinh vào ngày 24 tháng 4 năm 1581, nhưng các sử gia thời kỳ đầu của ngài ghi năm 1576 – vì họ muốn che giấu việc ngài thụ phong linh mục quá trẻ so với độ tuổi Giáo Luật cho phép.


Ngài được chịu chức linh mục khi chưa tròn 20 tuổi

Năm 1600, khi vẫn còn đi học, ngài được truyền chức linh mục, và trong thời gian rảnh ngài dạy tại một trường nội trú để có tiền trang trải học phí. Ngài lấy bằng thần học năm 1604.

Sau khi tốt nghiệp, ngài biến mất trong hai năm, rồi xuất hiện trở lại ở Rôma. Ít nhất có một người đặt giả thiết ngài đã bỏ trốn để quỵt tiền nợ học phí. Không thấy có cơ hội thành đạt ở Rôma, ngài trở về Paris.

Ở Paris, ngài trở nên trầm cảm và cau có, vì ngài dồn mọi tâm trí vào việc chạy chọt kiếm tiền và nguồn lợi nhuận. Năm 1610, khi dòng tiền bắt đầu chảy vào túi, ngài viết thư cho mẹ, và báo cho bà biết ngài sẽ gửi đủ tiền để bà có thể tự chăm sóc bản thân cũng như gia đình trong suốt nhiều năm, và đồng thời cho bà biết ngài sẽ sớm nghỉ hưu. Lúc đó, ngài mới 29 tuổi.

ĐIỂM BÙNG PHÁT CỦA THÁNH VINH SƠN

Thánh Vinh Sơn dùng thời trai trẻ để cố vươn lên, với ý định kiếm đủ tiền để sống thoải mái, chăm sóc gia đình và về hưu khi bước qua tuổi 30. Ngài gần như hoàn thành được kế hoạch đó. Nhưng khi bước vào tuổi 36, khoảng cùng tuổi khi Chúa Giêsu thi hành sứ mạng của Ngài, thánh Vinh Sơn chạm vào điểm bùng phát.

Ông Malcolm Gladwell viết về điểm bùng phát – nghĩa là thời điểm mọi thứ hội tụ và bùng nổ, giúp đẩy mức sống lên một tầm cao mới. Đối với thánh Vinh Sơn, điểm bùng phát khởi nguồn chủ yếu từ hai sự kiện diễn ra trong năm 1617, bắt đầu vào tháng Một tại Folleville (có nghĩa là Làng Điên), khi ngài giảng trong Thánh Lễ và đánh động lương tâm người ta đến mức ngài phải nhờ các cha Dòng Tên giúp giải tội cho hàng loạt người đến tòa giải tội.


Nhiều người được đánh động lương tâm
khi nghe Cha Vinh Sơn giảng về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa

Thánh Vinh Sơn gặp người nghèo và nhu cầu lớn lao của họ tại Folleville. Ngài cũng nhận ra bản thân ngài là nhà giảng thuyết có sức đánh động lòng người rất cao.


Hình ảnh người nghèo tại Châtillon thời đó

Sự kiện thứ hai dẫn đến điểm bùng phát diễn ra vào tháng Tám. Ngài đã tạm xa gia đình chủ của ngài, gia đình De Gondi, để làm cha xứ tại một nhà thờ ở Chatillon-les-Dombes. Tại đó, ngài nghe biết và giảng về một gia đình với tám người bị bệnh nặng mà không có thực phẩm, thuốc men, và người chăm sóc. Bài giảng của ngài thành công rực rỡ và ngài ngộ ra điều hết sức quan trọng và sau đó chi phối toàn bộ cuộc đời ngài: có dư lòng bác ái nhưng thiếu tổ chức. Ngay lập tức, ngài tổ chức công việc bác ái. Ngài là người tiên phong tạo dựng hệ thống bác ái trong giáo xứ và đưa vào hoạt động ngay trước lễ Giáng sinh năm 1617.

Ngài trở lại làm việc cho gia đình De Gondi trước sự tiếc xót khôn nguôi của giáo dân giáo xứ Chatillon. Nhận thấy tình thương và sự quan tâm của thánh Vinh Sơn dành cho người nghèo ngày càng lớn dần, Bà Gondi đề nghị ngài hoặc trở lại Chatillon và làm việc giúp người nghèo tại đó, hoặc hướng đến người nghèo toàn nước Pháp bằng cách tổ chức các công việc bác ái. Thánh Vinh Sơn tận dụng ngay cơ hội đó. Bà Gondi biết ngài sẽ làm vậy. Bà tặng ngài 2.5 triệu quan Pháp – một khối tài sản lớn – để giúp ngài khởi sự công việc. Thánh Vinh Sơn đã khám phá ra sứ mạng riêng của Chúa Giêsu, “Ta đến để mang Tin Mừng cho người nghèo.” Ngài nhận đó cũng là sứ mạng của mình.

Lúc 32 tuổi, ngài về thăm gia đình lần cuối cùng với cảm giác thất bại và với nỗi xấu hổ sâu xa, vì biết rằng từ đó trở đi, ngài sẽ không thể tiếp tục chu cấp cho gia đình mình. Ngài ký giấy để lại hết của cải thừa kế cho các cháu của ngài. Ngài trở về Paris và nhớ nhà đến mức ngài khóc ròng rã suốt ba tháng liền.

Năm 1625, thánh Vinh Sơn sáng lập Tu Hội Truyền Giáo. Để phục vụ người nghèo, ngài phải dấn thân vào Giáo hội và các giáo xứ. Để dấn thân vào Giáo hội, trước hết ngài phải canh tân hàng giáo sĩ kém cỏi và suy đồi. Khi tiếp cận hàng giáo sĩ để nhờ giúp đỡ, ngài thấy họ không biết đọc viết, không sống thanh sạch, và lại còn đam mê rượu chè. Một vị giám mục mô tả hàng giáo sĩ của mình như sau:

“… trong linh mục đoàn của tôi, có vô số kể những người kém cỏi và suy đồi đến mức tôi không thể, cả bằng lời nói lẫn gương sáng, giúp họ thay đổi. Tôi cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến trong giáo phận của tôi có đến gần bảy ngàn linh mục say xỉn và ô uế bước lên dâng lễ mỗi ngày, và là những người không hề có ơn gọi linh mục” (Paul, 473).

Thánh Vinh Sơn bắt đầu hăng say phục vụ người nghèo thông qua việc canh tân hàng giáo sĩ.


Cùng với Louise de Marillac
 cha Vinh Sơn thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái năm 1633

Năm 1633, ngài sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, với sự cộng tác của người phụ nữ tài năng Louise de Marillac – là một góa phụ trước đó đã tìm đến xin ngài làm linh hướng. Cũng năm đó, ngài sở hữu Tu viện Saint Lazare và làm triển nở một hệ thống các tổ chức hiện đại chưa từng thấy thời bấy giờ. Với sự hợp tác chặt chẽ và chỉ trong vài năm, thánh Vinh Sơn và thánh Louise đã phát triển các hoạt động bác ái xã hội theo cấp số nhân. Cả hai ngài, dù đều bất toàn và nhiều hạn chế, đã biết khơi dậy những gì tốt nhất nơi nhau, theo nghĩa chuyên môn của nghệ thuật lãnh đạo – và thay đổi toàn bộ cung cách phục vụ người nghèo. Nếu thiếu một trong hai người, các ngài chắc chắn đã không thể làm được điều đó.

Cùng nhau thực hiện

Thánh Vinh Sơn hệ thống hóa các công việc bác ái của ngài trong hơn hai thập niên cuối cùng của đời ngài (1635-1660), hoặc bằng cách xắn tay làm việc trực tiếp mỗi khi có thể, hoặc khi không thể như vậy, thì bằng chỉ đạo cho người khác qua thư từ. Ngài viết hơn 30.000 bức thư; chỉ hơn 11.000 bức thư còn tồn tại cho đến ngày nay.

Thánh Vinh Sơn là người tài năng, có bằng cấp và sự đam mê. Hãng McKinsey & Company đã nghiên cứu về những người tài năng, và nhận thấy rằng người tài năng rất hiếm. Tài năng tạo ra sự khác biệt rất lớn – là yếu tố quan trọng nhất cho lợi thế cạnh tranh. Những người giỏi nhất trong một nhóm thì hiệu quả hơn tất cả những người còn lại. Chẳng hạn, chỉ 16 soạn giả đã sáng tác ra 50% tất cả các bài nhạc cổ điển chúng ta nghe ngày nay, 50% còn lại do 235 soạn giả khác sáng tác ra. Chỉ 10% các tác giả đã viết 50% các cuốn sách trong Thư Viện Quốc Hội Mỹ. Những người tài năng cũng phạm phải nhiều sai lầm như những người khác, nhưng họ sáng tạo ra rất nhiều thứ hơn những người kia; và bởi vậy họ có nhiều thành công nổi bật hơn. Thánh Vinh Sơn cũng thuộc về nhóm tài năng này – ngài sống thọ hơn, làm ra nhiều thứ hơn, phạm nhiều sai lầm nhưng gặt hái được nhiều thành quả hơn so với những người đương thời.

Tác giả: Patrick Murphy, CM
Chuyển ngữ: Phaolô  Phạm Quang Hoàng, CM
Hình ảnh minh họa: Gia Đình Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *